Giới doanh nhân trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, vai trò của giới doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng được chú trọng. Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay chính là nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức cho cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, trong đó có giới doanh nghiệp, doanh nhân.

Đạo đức người làm kinh doanh là một trong những nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, mang giá trị lý luận thực tiễn sâu sắc, góp phần to lớn vào việc xây dựng và hình thành đội ngũ những người công thương Việt Nam trong thời kỳ đầu thành lập và xây dựng đất nước.

Giới doanh nghiệp, doanh nhân trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế của xã hội, của đất nước. Đội ngũ doanh nhân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời và tiếp đón tại Phủ Chủ tịch. Điều đó cho thấy, ngay từ ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận và đánh giá cao vai trò quan trọng của giới doanh nhân.

Chưa đầy 1 tháng sau ngày tuyên bố độc lập, trong bức thư viết ngày 13/10/1945 gửi tới “Công Thương cứu quốc đoàn” - đó là tổ chức đầu tiên của giới công thương Việt Nam, cũng là Văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta đối với doanh nghiệp, doanh nhân - Người viết: “Được tin giới công thương đã đoàn kết lại thành “Công Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập vào Mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng. Hiện nay “Công Thương cứu quốc đoàn” đương hoạt động để làm nhiều việc ích quốc lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các doanh nhân tại Phủ Chủ tịch ngày 18/9/1945

Người đã khẳng định: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền độc lập hoàn toàn của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng cho đất nước".

Người cũng nhấn mạnh: “Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau, nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, nghĩa là việc kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”. Và Người hứa: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết”.

Tại Đại hội lần thứ VI (1986), Đảng đã thừa nhận các doanh nghiệp tư nhân là bộ phận hợp thành của nền kinh tế nhiều thành phần, bình đẳng trước pháp luật với mọi doanh nghiệp khác.

Khẳng định vai trò và trách nhiệm của giới doanh nhân, năm 2004, Đảng và Nhà nước chính thức chọn ngày 13/10 làm “Ngày doanh nhân Việt Nam”.

Tính đến năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có khoảng 100 bài nói, bài viết, điện, thư cho các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam. Có thể thấy rõ rằng tư tưởng chủ đạo của Người về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân chính là xây dựng con người, phát triển con người, nói như cách nói hiện nay đó chính là nguồn lực, nhân lực làm ra của cải cho đất nước. Người coi doanh nhân sẽ là nguồn lực quan trọng trong việc xây dựng và kiến thiết đất nước trong mọi thời đại.

Người đã nhìn nhận rất xa, coi giới doanh nhân là một lực lượng quan trọng trong xã hội, có mối quan hệ hữu cơ giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi Nhà nước, sẽ là thành phần cơ bản quyết định vận mệnh của đất nước. Đất nước có giàu mạnh, có hùng cường hay không là nhờ vào những người làm ra của cải cho đất nước, đó là những người công thương xưa - đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ngày nay.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ đã dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề đạo đức của các ngành nghề khác nhau, trong đó có vai trò hoạt động của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Người căn dặn các doanh nhân phải đoàn kết: Đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới, đoàn kết giữa cán bộ, công nhân và đồng bào địa phương; phải chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của cán bộ công nhân viên, đặc biệt, phải chăm lo đến cán bộ và công nhân nữ... Những nội dung cơ bản trên về tư tưởng của Người có thể được khái quát qua một số điểm như sau:

Một là, tư tưởng về văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân là cái “gốc” của đạo đức người kinh doanh.

Văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân là hạt nhân cơ bản, bởi đó là “gốc” của doanh nghiệp. Người nói: “Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức hay không”.

Theo Người, doanh nhân cần phải có đủ các đức tính cần - kiệm - liêm - chính - chí công vô tư, có tri thức chuyên môn vững vàng, nắm vững pháp luật, sâu sát thực tế, lý trí vững chắc, bản lĩnh kiên cường, tình cảm trong sáng, kết hợp giữa chính trị và khoa học, chấp hành pháp luật, hiểu biết pháp luật, đặc biệt quan tâm tới việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu cửa quyền…

Hai là, tư tưởng tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế và thực hành tiết kiệm. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay”. Người cũng yêu cầu: “Huy động tiền nhàn rỗi trong nhân dân nhằm đưa vào sản xuất thì đồng tiền ấy mới sinh sôi, nảy nở và ngày càng thêm nhiều”.

Theo Người, bên cạnh việc tiết kiệm tích lũy vốn phục vụ sản xuất, thì việc huy động vốn trong dân cũng là một biện pháp hữu hiệu trong các đòn bẩy kinh tế. Người coi việc huy động tiền nhàn rỗi trong nhân dân nhằm đưa vào sản xuất là biện pháp hàng đầu, đòn bẩy mang tính phổ quát để phát triển kinh tế đất nước.

Ba là, coi trọng lợi ích của người lao động và thực hiện công bằng xã hội. Theo Người, chính sách tiền lương chính là một trong những đòn bẩy quan trọng, bởi tiền lương chính là thước đo giá trị sức lao động mà người lao động bỏ ra. Tiền lương thỏa đáng, hợp lý chính là biện pháp để ngăn chặn các căn bệnh như tham ô, tham nhũng...

Người từng phát biểu: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Theo Người, thực hiện công bằng xã hội chính là giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của những thành viên trong xã hội.

Bốn là, tư tưởng phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất quán với quan điểm xây dựng, phát triển và sử dụng nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của nước ta.

Chính sách Người nêu đối với các thành phần kinh tế lúc này là: Thứ nhất, kinh tế quốc doanh là hình thức sở hữu của toàn dân. Thứ hai, kinh tế hợp tác xã là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động; Thứ ba, kinh tế cá thể của những người làm nghề thủ công và lao động riêng lẻ khác. Thứ tư, kinh tế của những nhà tư sản công thương. Thứ năm, kinh tế tư bản nhà nước.

Người đã thể hiện một cách nhìn rất biện chứng, coi hoạt động công nghiệp, thương nghiệp là một nghề và có mối quan hệ hữu cơ giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi Nhà nước với quan điểm “dân có giàu thì nước với mạnh”.

Năm là, nêu cao tính trung thực, tinh thần phê và tự phê. Người coi trung thực là một tiêu chuẩn đạo đức rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, Người cũng đòi hỏi các nhà công thương trong mọi trường hợp kinh doanh đều phải trong sáng, khách quan, không vì mục đích vụ lợi, cá nhân. Điều này là một trong những quy định về đạo đức nghề nghiệp của người kinh doanh. Nhà kinh doanh phải đem đến lợi ích cho người tiêu dùng cũng như lợi ích của cả dân tộc.

Theo Người, muốn trở thành người kinh doanh giỏi phải không ngừng học tập, khổ công rèn luyện, trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức người kinh doanh. Người phê phán bệnh hội họp quá nhiều cũng như xu hướng chạy theo số lượng trong sản xuất, ít chú trọng chất lượng.

Người dặn sản xuất phải “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, người sản xuất phải thật thà, sản xuất hàng hóa tốt cho đồng bào dùng, không nên trưng bày hàng tốt mà bán hàng xấu; người làm kinh doanh cũng phải nhìn ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong quản lý sản xuất...

Chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng được Người cảnh báo là một loại “giặc nội xâm”.

Những tư tưởng trên đây không phải là một sự đánh giá nhất thời, một giải pháp tình thế trong những năm đầu Cách mạng, mà là một tư tưởng chiến lược, một chính sách cơ bản lâu dài phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, và vẫn còn nguyên giá trị với giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay.

Những người đã, đang và sẽ đi theo con đường trở thành những doanh nghiệp, doanh nhân cần học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, học tập theo tấm gương thực hành đạo đức cách mạng của Người.

Mặt khác, những nhà doanh nghiệp hiện nay cần làm chủ tri thức, làm chủ công nghệ hiện đại, đồng thời cũng cần phải làm chủ lương tâm, làm chủ hành vi của mình để nâng cao đạo đức nghề nghiệp, gìn giữ cái “Tâm” cái “Đức” trong sáng khi kinh doanh trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay.


  • 20/10/2012 05:12
  • Theo doanhnhansaigon.vn
  • 3404


Gửi nhận xét