Luôn đi trước và không để cho các yếu tố bất ngờ chi phối hoạt động là triết lý của John Chambers tại Cisco
|
Khẳng định đẳng cấp vượt trội
Bắt đầu làm việc tại Tập đoàn Cisco Systems vào năm 1991, thì đến năm 1995, John Chambers được bổ nhiệm làm Chủ tịch điều hành của Tập đoàn. Đúng vào thời điểm bùng nổ các công ty tin học, nhưng Cisco Systems vẫn vượt lên trên tất cả với một tốc độ tăng trưởng phi mã.
Khi Microsoft chiếm lĩnh vị trí số 1 trong các công ty phần mềm thì Cisco Systems cũng trở thành số 1 về cung cấp thiết bị mạng. Năm 1991, Cisco Systems chỉ là công ty nhỏ có chưa đầy 300 nhân viên, doanh số hoạt động là 70 triệu USD và có giá trị trên thị trường chứng khoán là 600 triệu USD.
Chưa đầy 10 năm sau, trong đó có hơn 4 năm John Chambers làm Chủ tịch điều hành, John Chambers đã “phù phép” Cisco Systems thành một Tập đoàn có 31.000 nhân viên, đạt doanh thu trên 19 tỉ USD. Giá trị của Tập đoàn trên thị trường chứng khoán là gần 500 tỉ USD, đứng thứ ba trong danh sách các Tập đoàn có tài sản trị giá lớn nhất trên thế giới.
Cùng với Internet biến đổi kinh tế thế giới
Trước khi đến với Cisco Systems, John Chambers đã nhiều năm làm quản lý và điều hành tại hai tập đoàn máy tính lớn là IBM và Wang Laboratories. Chính những kinh nghiệm từ 2 tập đoàn này đã giúp John Chambers trong việc điều hành Cisco Systems phát triển đúng hướng.
Ông luôn chú trọng đầu tư để các thiết bị mạng có thể vận hành hoàn hảo hơn khi thực hiện thương mại điện tử. Ông đã dự báo, tiếp ngay sau sự bùng nổ Internet sẽ là bùng nổ thương mại điện tử. Theo ông, đây sẽ là lĩnh vực tạo ra rất nhiều việc làm và doanh số kinh doanh. Thương mại điện tử sẽ tạo nhiều tiện ích cho khách hàng, chi phí bán hàng giảm sẽ giảm giá thành và làm tăng sức cầu của người mua hàng.
Không chỉ quảng cáo cho thương mại điện tử, mà chính bản thân John Chambers cũng đẩy mạnh bán sản phẩm của mình bằng kênh thương mại điện tử. Trung bình mỗi ngày bộ phận kinh doanh của Cisco Systems đã bán được tới 20 triệu USD các sản phẩm của mình qua mạng. John Chambers cho biết nhờ đó ông đã tiết kiệm chi phí bán hàng cho Tập đoàn lên tới 250 triệu USD mỗi năm.
Cùng với nhiều hoạt động khác được hiện tự động qua trang web CCO của Tập đoàn, tổng cộng mỗi năm, Cisco Systems đã tiết kiệm gần 650 triệu USD chi phí hoạt động nhờ sử dụng Internet.
Tham vọng và tầm nhìn lớn
Nếu sai lầm hiếm hoi và lớn nhất của Microsoft và Bill Gates là không đánh giá đúng vai trò của Internet thì Cisco Systems và John Chambers lại quá nhạy cảm và chính xác khi coi sự phát triển của Internet chính là cơ hội kinh doanh của mình.
John Chambers đặt hai mục tiêu song song, vừa tăng trưởng, phát triển các lĩnh vực công nghệ mới vừa tìm cách khống chế các đối thủ cạnh tranh. Khi phát hiện ra một công ty hoạt động ở đúng lĩnh vực hay địa bàn mà tập đoàn cần phát triển thì John Chambers tỏ ra khá “mạnh tay” để mua bằng được. Những gì mà Microsoft đang có và đang làm với lĩnh vực phần mềm thì John Chambers muốn Cisco Systems cũng phải được như vậy trong lĩnh vực thiết bị mạng.
John Chambers là tuýp người thích đương đầu với các thách thức lớn và cũng đầy tham vọng: “Cisco Systems phải trở thành một trong những Tập đoàn có ảnh hưởng lớn nhất đến toàn thế giới”, ông từng tuyên bố.
Lấy thị trường làm yếu tố định hướng phát triển Tập đoàn
Luôn đi trước và không để cho các yếu tố bất ngờ chi phối hoạt động là một triết lí quản lý điều hành quan trọng của John Chambers. Triết lý này đã được ông thực hiện sát sao tại Cisco Systems.
Trong vai trò và quyền hạn của mình, John Chambers đã đảo ngược cách suy nghĩ trước kia. Ông cho rằng, không phải trình độ công nghệ và sản phẩm của Tập đoàn quyết định mà là thị trường và khách hàng.
Tại Tập đoàn trước kia, các kỹ sư nghiên cứu là người có tiếng nói gần như quyết định, thì nay, bộ phận quyết định hướng phát triển là đội ngũ marketing và xúc tiến thị trường. Cả Tập đoàn Cisco Systems trước hết phải là một cỗ máy marketing được vận hành trôi chảy mà Chambers là kiến trúc sư trưởng thiết kế và điều hành cao nhất.
Với định hướng hoạt động như vậy, Cisco Systems không chỉ là một công ty chuyên cung cấp các thiết bị chuyển mạch Router cho mạng Internet, mà còn có thể cung cấp mọi thiết bị liên quan tới các loại mạng và thiết bị viễn thông kèm theo. Đồng thời, John Chambers không muốn bị phụ thuộc bất cứ công ty hay nhà cung cấp nào, ông định hướng cho Cisco Systems tiếp tục nghiên cứu và phát triển phần mềm nhằm cung cấp trọn gói dịch vụ cho khách hàng.
Nhà lãnh đạo chuyên nghiệp và mẫu mực
Ngoài tầm nhìn đi trước trời đại, John Chambers còn nổi tiếng là nhà điều hành rất chuyên nghiệp. Với nhân viên của mình, John Chambers luôn đặt ra các mục tiêu và thời hạn rất cụ thể và luôn đòi hỏi sự phản hồi cao nhất.
John Chambers là người đi khá nhiều nơi, ông có khả năng đàm phán và thuyết trình rất giỏi. Trung bình mỗi năm John Chambers có tới 200 bài phát biểu, thuyết trình khác nhau.
Là nhà quản lý điều hành khá cứng rắn, nhưng John Chambers luôn có ý thức xây dựng một hình ảnh thiện cảm của mình đối với bên ngoài, với các nhà đầu tư và với cả nhân viên Tập đoàn, đồng thời, ông cũng là người luôn gương mẫu.
Vào năm 2002, khi mà các công ty Internet bị chao đảo bởi sự sa sút cực độ của thị trường thì Cisco Systems cũng gặp phải khó khăn. Lúc đó John Chambers phải sa thải 6.000 người. Nhưng đồng thời, ông đã ra một quyết định mà rất hiếm người dám làm như ông. John Chambers tự nguyện từ chối không nhận mọi tiền lương và thưởng trong năm. Ông chỉ nhận có một đồng USD làm tượng trưng. Hành động này của ông đã tạo ra một một động thái tích cực trong cách tư duy mới cho nhiều thế hệ lãnh đạo sau này.