Lloyd Blankfein và con đường trở thành CEO quyền lực nhất phố Wall

Con đường từ một cậu bé nghèo khó đến vị trí CEO của Lloyd Blankfein không hề trải hoa hồng. Không chỉ sự nghèo khó hun đúc ý chí của ông, mà ở con người ông luôn chứa đựng khát khao được khám phá, cống hiến để thành công.

Lloyd Blankfein từ một cậu bé tỉnh lẻ đã trở thành CEO quyền lực nhất phố Wall

Vươn lên trong nghèo khó

Lloyd Blankfein sinh tại South Bronx (New York) trong một gia đình nghèo khổ.

Cha của Blankfein, ông Seymour đã nhận được việc phân loại thư buổi đêm tại bưu điện. Blankfein kể lại: “Hoàn cảnh chúng tôi lúc đó, công việc như vậy đã quá tốt rồi. Làm ca đêm lương cao hơn 10% so với ca ban ngày”. Mẹ của Blankfein làm lễ tân tại một công ty kinh doanh chuông báo chống trộm.

Tại trường trung học, Blankfein luôn là một học sinh xuất sắc. Ông có tố chất thông minh và khả năng lập kế hoạch rất tốt.

Gia đình không mấy dư dả, để có thêm tiền chi tiêu trong thời gian học tại trường trung học Thomas Jefferson ở Brooklyn, Blankfein đã có thời gian phải đi làm bảo vệ và thậm chí cả bán xúc xích và soda tại sân vận động Yankee. Blankfein là người thích nghi rất nhanh với môi trường xung quanh và luôn học cách cẩn trọng để không bị cô lập. Blankfein nói: “Ngay cả trong một khu ổ chuột cũng có rất nhiều trẻ con và việc làm sao để được chọn cũng là một vấn đề.”

“Lạc” trong Trường Harvard danh tiếng

Blankfein đã có thể tốt nghiệp trung học ở tuổi 15, thế nhưng ông đã quyết định ở lại trường thêm một năm nữa. Blankfein từng là một trong những học sinh xuất sắc nhất trường khóa học năm 1971.

Trường Đại học Harvard về tuyển sinh tại Trường trung học Thomas Jefferson High School, đại diện trường đã chú ý đến Blankfein và tạo mọi điều kiện để Blankfein theo học tại Harvard.

Tại Harvard, ông thấy mình lạc lõng trong thế giới của những sinh viên giàu có, thế lực. Ông vào Harvard bằng học bổng, làm việc trong tiệm cà phê của trường và bị nhiều sinh viên trong trường coi thường. Ông kể: “Tôi vẫn là một kẻ tỉnh lẻ đến từ Brooklyn.”

Ông chơi với một nhóm bạn có hoàn cảnh gần giống mình. Thậm chí đến nay, ông vẫn thân nhất với nhóm bạn này. Ông không quan tâm đến các nhóm ồn ào khác xung quanh. Ông nói: “Tôi không việc gì phải đề phòng. Tôi thấy chính nhóm sinh viên giàu có mới phải xem lại mình.”

David Drizzle, con trai của một công nhân sản xuất gạch tại Atlanta, người ở cùng phòng với Blankfein tại trường Harvard, nay là trưởng tư vấn tại Cơ quan hàng không liên bang Mỹ chia sẻ: “Sinh viên cùng lớp rất nhớ về khiếu hài hước và trí nhớ cực tốt của Blankfein. Ông thường nhìn ra nhiều khía cạnh hài hước, mỉa mai của câu chuyện mà tôi nghĩ không ai làm được như vậy. Blankfein hát hay và hát nhiều bài hát, từ những bài vớ vẩn cho đến bài nổi tiếng".

Luật sư trở thành CEO tài chính quyền lực

Năm 1978, Blankfein tốt nghiệp trường luật Harvard và trở thành luật sư tại Công ty luật Donovan. Đến năm 1981, ông Blankfein đã nắm vị trí cao cấp tại Donovan, nhưng ông không còn ham thích công việc liên quan đến luật nữa. Ông tìm cơ hội chuyển sang làm việc tại ngân hàng đầu tư, nơi mà ông thấy hấp dẫn hơn luật.

Nhưng ban đầu, không công ty tài chính nào nhận ông vào làm. Ông nói: “Cũng là bình thường thôi. Tôi là luật sư và không có kinh nghiệm tài chính. Tôi chỉ giải quyết vấn đề thuế trên cấp độ doanh nghiệp lớn”.

Sau đó, có một chuyên gia nhân sự gọi ông đến và hỏi ông có thích làm kinh doanh hàng hóa tại công ty con J. Aron & Company mà Goldman Sachs đã mua lại vào năm 1981. Ông Blankfein nói: “Tôi thậm chí chẳng hiểu nó là cái gì và không hiểu tại sao mình được tuyển dụng?”. Vợ ông khi biết quyết định chuyển việc của ông đã khóc rất nhiều bởi lo sợ cuộc sống ổn định mà họ đang có sẽ thay đổi. Cuối năm 1982, ông đến làm nhân viên kinh doanh hàng hóa tại J.Aaron.

Ở thời điểm đó, J. Aron rất bị “ghẻ lạnh” tại Goldman Sachs. Nhân viên J. Aron thậm chí không được đi chung thang máy với nhân viên Goldman Sachs tại tòa nhà trụ sở của ngân hàng này. Từ một luật sư uy tín với nhân viên thư ký lúc nào cũng kè kè bên cạnh chuyển sang làm nhân viên cấp thấp, ông không khỏi choáng váng.

Tuy nhiên, không hề chùn bước, trong vai trò nhân viên kinh doanh, Lloyd Blankfein góp phần không nhỏ vào thành công của J. Aron. Ông thực hiện thành công giao dịch 100 triệu USD, giao dịch lớn nhất mà Goldman từng thực hiện, cho một khách hàng người đạo Hồi. Ông luôn thuộc “nằm lòng” quan điểm đặt quyền lợi khách hàng lên trên quyền lợi của Goldman Sachs.

Con đường không phải toàn “hoa hồng”, nhưng với sự thông minh, quyết tâm khám phá và làm điều mà ông cho là thực sự ý nghĩa với lý tưởng của mình. Ông đã trở thành một trong những CEO quyền lực nhất trung tâm tài chính lớn nhất thế giới.


  • 18/09/2012 03:43
  • Trùng Dương (biên dịch theo famousceos.com )
  • 2503


Gửi nhận xét