Từ cậu bé phải ngủ cho quên đói trở thành “vua thép”

Andrew Carnegie được mệnh danh là "vua thép" của nước Mỹ. Xuất thân nghèo khổ, nhưng nhờ nỗ lực vượt khó, ông đã trở nên giàu có. Ông còn được biết đến như người đã giúp tạo ra nhiều triệu phú đôla nhất.

Carnegie được coi là người giúp tạo ra nhiều triệu phú đô la nhất

Không chỉ nổi tiếng về sự giàu có, Carnegie còn được biết đến như là một tỷ phú giàu lòng bác ái, từng đóng góp tới 90% tài sản cá nhân tương đương khoảng 350,7 triệu USD làm từ thiện.

Năm 2007, ông từng được Tạp chí Fortune bình chọn là người giàu thứ 6 trong lịch sử nước Mỹ.

Andrew Carnegie sinh ra ở ở Dunfermline, Scotland vào ngày 25/11/1835. Nhiều thế hệ nhà Carnegie nổi tiếng với nghề dệt vải thủ công bằng khung cửi, nhưng cuộc cách mạng công nghiệp đã khiến việc kinh doanh của họ bị đổ vỡ. Gia đình Andrew Carnegie trở nên nghèo khó tới mức hàng ngày họ phải đi ngủ sớm để "quên đi cái đói khủng khiếp đang hành hạ".

Năm 1848, gia đình ông rời quê hương sang Mỹ – miền đất hứa của rất nhiều người lao động nghèo châu Âu thời ấy. Khi nhìn người cha phải chạy vạy, xin xỏ việc làm, Carnegie đã nung nấu một điều là phải trở nên thành đạt. Năm 12 tuổi, gia đình Carnegie đã chuyển tới thành phố Pittsburgh, nơi hai người dì của ông đang sinh sống. Cả nhà họ phải ngủ chung với nhau trong một căn phòng.

Lên 13 tuổi, ông bắt đầu làm việc cho một nhà máy dệt. Công việc của ông là vận hành một động cơ hơi nước nhỏ và đốt nóng một cái nồi hơi trong hầm chứa của nhà máy sản xuất cuộn chỉ. Hầu như đêm nào, ông cũng gặp ác mộng với hình ảnh chiếc nồi hơi của nhà máy bị phát nổ. Năm 1849, ông chuyển sang giao điện tín. Chính công việc này giúp ông biết và ghi nhớ được tên của hầu hết doanh nghiệp và những nhân vật quan trọng trong vùng.

Năm 17 tuổi, Carnegie vào làm ở hãng đường sắt Pennsylvania với vai trò trợ lý và là nhân viên điện báo cho Thomas Scott, một trong các quan chức hàng đầu của ngành đường sắt. Công việc này giúp ông tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm về công nghiệp đường sắt và kinh doanh nói chung. Lương của ông khi đó là 35 USD/tháng.

3 năm sau, Carnegie được thăng chức làm người giám sát. Khi làm việc ở đây, Carnegie cũng bắt đầu đầu tư. Khoản đầu tư đầu tiên của ông là số cổ phiếu trị giá 600 USD của một công ty đường sắt. Chỉ ít lâu sau, ông đã bán lại số cổ phiếu này và thu được hàng chục nghìn USD. Bên cạnh ngành đường sắt, ông cũng đầu tư vào công nghiệp khai thác dầu mỏ và thu được nhiều khoản lãi lớn.

Năm 1865, ông rời công ty đường sắt và chuyển tới New York để theo đuổi những dự định kinh doanh của mình.

Trong 10 năm kế tiếp, Carnegie dành hầu hết thời gian cho ngành thép. Công việc của ông tại Công ty Thép Carnegie đã mở ra thời kỳ cách mạng trong hoạt động sản xuất thép ở Hoa Kỳ. Năm 1897, Carnegie trở lại Scotland và bỏ tiền mua tòa lâu đài Skibo. Ông gọi khu bất động sản này "thiên đường trên trái đất". Đến năm 1900, Công ty Thép Carnegie đã sản xuất ra lượng thép nhiều hơn của cả nước Anh. Năm 1901, Carnegie đã thay đổi cuộc đời mình khi bán Công ty cho United States Steel Corporation. Thương vụ này mang về cho ông 480 triệu USD (tương đương 309,2 tỷ USD ở thời điểm hiện nay).

Ở tuổi 65, ông quyết định dùng hết thời gian còn lại để giúp đỡ người khác. Ông xây dựng thư viện, trường học và làm từ thiện. Ông đã đóng góp khoảng 5 triệu USD cho Thư viện Công cộng New York, giúp thư viện này mở thêm một số chi nhánh năm 1901.

Andrew Carnegie từng chia sẻ với nhiều người, những tri thức và hiểu biết của ông đều do tự học và tự đọc qua sách mà có. Ông đã tài trợ cho gần 3.000 thư viện, công viên, hoạt động giáo dục, nghệ thuật... Ước tính, ông đã đóng góp 60 triệu USD cho các thư viện, 78 triệu USD cho giáo dục, tặng các giáo đường 7.000 đàn piano…

Danh sách này chắc chắn sẽ còn dài thêm nếu ông không qua đời ngày 11/8/1919.


  • 16/11/2012 09:25
  • Theo doanhnhansaigon.vn
  • 2164


Gửi nhận xét