Trùng tu đài thiên văn cổ duy nhất tại Việt Nam

Ngày 30/10, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế phối hợp với Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung đã tiến hành lễ khởi công công trình tu bổ, phục hồi di tích Quan Tượng Đài.

Phối cảnh Quan Tượng Đài sau khi trùng tu

Thời gian thi công dự kiến là 10 tháng (từ 30 tháng 10/2012 đến 30 tháng 8/2013), với tổng kinh phí khoảng 3,8 tỷ đồng lấy từ nguồn thu vé tham quan di tích của Trung tâm BTDTCĐ Huế. Các hạng mục bảo tồn phục hồi gồm: Nền đài, Đình Bát Phong, đường dẫn từ chân thành lên đài và hạ tầng kỹ thuật (hệ thống thoát nước, chống sét, điện chiếu sáng và phòng chống cháy) trên phần diện tích 924 m2 của khu vực Quan Tượng Đài.

Ngày 24/5 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã báo cáo kết quả sơ bộ công tác thám sát khảo cổ học tại di tích Quan Tượng Đài - đài thiên văn cổ triều Nguyễn cũng là đài thiên văn cổ duy nhất còn lại tại Việt Nam. Đây là cơ sở để trùng tu, phục hồi di tích quý hiếm “độc nhất vô nhị” này.

Di tích Quan Tượng Đài tọa lạc trên pháo đài Nam Minh, phía tây nam Kinh thành Huế. Đây từng là nơi cơ quan Khâm Thiên Giám của triều Nguyễn đặt đài quan sát các hiện tượng thời tiết, dự báo khí tượng thủy văn cho triều đình. Trên đài này, vua Minh Mạng đã cho dựng đình Bát Phong năm 1827. Cuối thời Nguyễn, cùng với sự suy tàn của triều đại, hoạt động của cơ quan Khâm Thiên Giám bị thu hẹp dần và giải tán. Cho đến thời điểm hiện tại, Quan Tượng Đài chỉ còn là phế tích.

Công trình Quan Tượng Đài được tu bổ sẽ góp phần hoàn chỉnh thêm diện mạo Kinh thành Huế sau khi dự án tu bổ, tôn tạo tổng thể di tích Kinh thành được hoàn tất. Khu vực Thượng thành sẽ là một tuyến tham quan lý thú của du khách đến Huế với điểm nhấn là đình Bát Phong, Quan Tượng Đài, nơi mà du khách có thể phóng tầm mắt đến khu vực sông Hương - Cồn Giã Viên và cảnh quan sông núi Huế vào những ngày đẹp trời và vào buổi hoàng hôn.


  • 02/11/2012 03:00
  • Theo dantri.com.vn
  • 1642


Gửi nhận xét