Tư duy phản biện và sự phát triển

Người đứng đầu doanh nghiệp biết cách tiếp cận và áp dụng tư duy phản biện một cách hợp lý, khoa học, mọi CBNV sẽ có được kỹ năng tư duy phản biện tốt. Kết quả là doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh trong một môi trường kinh doanh có nhiều biến động như hiện nay.

Ảnh minh họa.

Tư duy phản biện là gì?

Tư duy phản biện là một phương pháp thuộc phép biện chứng, là phương pháp sử dụng đối thoại, tranh luận để tìm ra chân lý.

Vai trò, tác dụng của tư duy phản biện

1/ Tư duy phản biện giúp chúng ta nhận thức một cách khách quan, biện chứng; chống thái độ chủ quan, duy ý chí trong nhận thức và hành động, có thể dẫn đến những sai lầm và hậu quả nghiêm trọng của cá nhân và tổ chức nếu thiếu sự phản biện khoa học.

2/ Tư duy phản biện giúp cho chúng ta nhận ra được những điểm yếu, từ đó tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, sao cho đạt chất lượng cao hơn. Vì vậy, thực hiện phản biện là một quy trình bắt buộc mà các luận văn, luận án, đề tài, đề án, dự án… phải thực hiện nghiêm. Sự nhận xét, đóng góp ý kiến của tập thể, phần lớn thường mức độ thấp hơn so với sự nhận xét, đánh giá từ các chuyên gia, nhưng vẫn có tác dụng tích cực đến quá trình học tập, phát triển, hoàn thiện sản phẩm, công việc và con người.

3/ Hoạt động phản biện tạo ra áp lực và động lực thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, hỗ trợ sự tiến bộ và phát triển bền vững của xã hội. Ví dụ, sự phản biện nghiêm khắc về mặt trái của sự tăng trưởng kinh tế làm hủy hoại môi trường, biến đổi khí hậu đã hình thành hoạt động mạnh mẽ của các tổ chức và phong trào đấu tranh bảo vệ môi trường, dẫn đến hình thành các chính sách, pháp luật về môi trường có tiến bộ hơn.

4/ Phản biện thể hiện tinh thần dân chủ của xã hội; thực hiện phản biện một cách khoa học, hiệu quả và phổ biến sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước dân chủ, công bằng, văn minh. Muốn xây dựng dân chủ, cần coi trọng hoạt động phản biện; ngược lại, tinh thần và môi trường dân chủ sẽ tạo điều kiện cho phản biện phát huy được vai trò, tác dụng và hiệu quả.

Phát triển tư duy phản biện

Để nâng cao tác dụng, hiệu quả của phản biện khoa học, đặc biệt là đối với DN, thiết nghĩ cần thực hiện các giải pháp sau:

1. Cán bộ lãnh đạo, quản lý, bắt đầu từ người đứng đầu cần nhận thức được tầm quan trọng của tư duy phản biện và gương mẫu thực hành phản biện đối với bản thân và tổ chức, cả trong công việc và đời sống.

Phản biện cũng có những điểm giống với phê bình, muốn thu được hiệu quả, cần thực hiện trước hết từ bản thân chủ thể; tự phê bình hay tự phản biện tốt thì mới có thể thực hiện hiệu quả đối với người khác. Hiện đang tồn tại một tâm lý chung là cấp dưới rất e ngại khi phản biện các quan điểm, nội dung trái với cấp trên, nhất là đối với người đứng đầu tổ chức. Vì vậy, lãnh đạo phải là người thực sự có tư tưởng cầu thị, biết lắng nghe, không ngại tranh luận với cấp dưới và cả cấp trên, tìm ra sự thật và các giải pháp tốt nhất cho công việc. Ngược lại, nếu lãnh đạo chỉ thích khen, thích dùng những người giỏi “nịnh hót”, lấy lòng sếp, tổ chức đó sẽ không thể có hoạt động và thói quen phản biện thực sự không thể phát huy được hiệu quả.

2. Hoạt động phản biện cần thực hiện với sự công tâm, nghiêm túc và có kỹ năng, tạo được sự đóng góp thực sự vào phát triển của tổ chức.

Phản biện là hoạt động khó hơn phê bình, đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức, trí tuệ và bản lĩnh trước khi phát ngôn, thực hiện sự tranh luận. Hiện nay, việc phản biện được thực hiện theo nhiều cấp với quy mô khác nhau như phản biện chính sách, phản biện khoa học, phản biện dự án… song dù dưới hình thức nào cũng cần người phản biện phải có thái độ khách quan, công tâm và thực hiện một cách cẩn trọng, chu đáo. Ở đây không chỉ đòi hỏi bản lĩnh, tâm huyết, dám nói thẳng nói thật mà còn cần sự hiểu biết thấu đáo về đối tượng và thực hiện phản biện một cách chuyên nghiệp, hiệu quả.

Người thực hiện phản biện giỏi cần có kỹ năng lắng nghe, thu thập thông tin, nghiên cứu, phát hiện vấn đề; cần đặt câu hỏi trúng, kỹ năng giao tiếp tốt, trình bày gọn, biết thuyết phục… sao cho đạt được mục tiêu và hiệu quả công việc. Phản biện hiệu quả cũng cần có sự quản trị để thực hiện đúng tầm công việc, giao đúng người, làm đúng nơi, đúng lúc. Không giao công việc phản biện cho những người không có tư duy phản biện, không đủ năng lực nói thật, thường nói và viết chung chung, ba phải, cốt vừa lòng người nghe...

3. Hoàn thiện thể chế quản trị, thực hành văn hóa phản biện hiệu quả, nuôi dưỡng nhân tài.

Phản biện là một hành vi, thực hiện thường xuyên, liên tục giúp cho các cấp lãnh đạo, quản lý và những người có quyền lực nhận biết và phòng tránh các sai lệch, khiếm khuyết, rủi ro, thiệt hại cho tổ chức. Để phản biện hiệu quả, cần có các quy chế thực hiện và giám sát thực hiện. Trong DN, những công việc như tư vấn, giám sát, kiểm tra, kiểm toán, kiểm định…các thiết chế như hội nghị sơ kết, tổng kết, xây dựng nghị quyết, kế hoạch… đều có mục tiêu và nội dung phản biện. Tổ chức cần có cơ chế, quy định, đảm bảo cho các hình thức hoạt động phản biện cá nhân, phản biện nội bộ, kết hợp với phản biện độc lập từ bên ngoài được thực hiện một cách hiệu quả, an toàn, lành mạnh.

Mong muốn chung của người lao động là được làm việc với lãnh đạo công tâm, chính trực, công bằng và dân chủ. Người tài thường thích nói thật, nói thẳng, dám tìm tòi, đấu tranh bảo vệ sự thật, bảo vệ cái đúng và không chịu luồn cúi, lấy lòng cấp trên. Muốn thu hút, giữ được nhân tài, DN cần quản trị và thực hành theo văn hóa tổ chức của mình phù hợp với các giá trị cống hiến vì lợi ích chung.

Khi người đứng đầu trân trọng sự thật, khi tổ chức có một bầu không khí đoàn kết và nhân văn, người lao động được nói lên những điều họ nghĩ thì DN sẽ có nền tảng tinh thần ổn định, vững chắc và nguồn lực mạnh phục vụ phát triển bền vững.


  • 19/07/2021 02:44
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý & Hội nhập.
  • 2361