Công trường xây dựng Nhà máy điện Việt Trì năm 1959 - Nguồn ảnh: EVN EIC
|
Tiếp quản các nhà máy điện với cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu do thực dân Pháp để lại, với bàn tay và khối óc, những người công nhân điện Việt Nam đã lao động quên mình, mặc cho mưa bom, bão đạn, mặc cho hiểm nguy luôn cận kề, vượt lên những hi sinh, mất mát, bám máy, bám lò, khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu khi Người đến thăm CBCNV Nhà máy Đèn Bờ Hồ ngày 21/12/1954: “Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô các chú, các cô các chú là chủ phải biết giữ gìn nhà máy và làm cho nó phát triển hơn nữa”.
Các thế hệ tiền bối ngành Điện đã xây dựng các nhà máy điện Lào Cai, Thái Nguyên, Thác Bà, những tuyến đường dây điện áp 35 kV, 110 kV... cung cấp điện phục vụ công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, làm hậu phương lớn vững chắc cho cuộc chiến đấu chống quân xâm lược, giải phóng miền Nam.
Những người công nhân điện lại tiếp tục viết lên bản hùng ca, thêm một kỳ tích mới khi vượt bao khó khăn gian khổ “ngăn thác lũ chặn dòng sông”, chinh phục dòng sông Đà, để có một công trình thế kỷ vào những năm 90 của thế kỷ trước - công trình Thủy điện Hòa Bình. Rồi, công trình đường dây tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam mạch 1 đi vào vận hành năm 1994, kết nối thống nhất hệ thống điện 3 miền Bắc - Trung – Nam, sau đó đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 2, mạch 3 tiếp tục được hoàn thành; Chế tạo thành công máy biến áp 220 kV và 500 kV; công trình Thủy điện Sơn La về đích vượt tiến độ 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội... đã ghi nhận tinh thần nỗ lực tự lực, tự cường của người làm điện Việt Nam.
Thủy điện Sơn La - kỳ tích của những người làm điện Việt Nam trong thời đại mới - Ảnh: Vũ Thạch Lam
|
Đội ngũ CBCN lao động ngành Điện có mặt ở mọi miền đất nước, vượt rừng núi đến những bản làng hẻo lánh xa xôi, vượt trùng khơi đến vùng hải đảo đem ánh sáng phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ yên vùng biển đảo của Tổ quốc.
Trong thời kỳ hội nhập với nhiều thách thức mới, truyền thống đoàn kết, sáng tạo của công nhân lao động ngành Điện càng được phát huy. Họ tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, những công trình nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong quản lý, sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều tấm gương lao động giỏi đã xuất hiện và được vinh danh. Ngoài ra, còn không ít những con người âm thầm, lặng lẽ cống hiến ở các lĩnh vực hoạt động của Ngành.
Mặc dù còn không ít khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống người lao động ở nhiều nơi còn thiếu thốn, nhưng không vì thế mà các chương trình xóa đói giảm nghèo, các chương trình đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ người nghèo, ủng hộ đồng bào vùng bão lũ,... lại thiếu vắng sự giúp đỡ, sẻ chia của những người công nhân, lao động ngành Điện. Sẻ chia với đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn, với những người nghèo khó, bất hạnh trong xã hội đã trở thành một nét văn hóa đẹp của những người làm điện Việt Nam.