Bàn về chuyện ngủ trưa nơi công sở

Một giấc ngủ trưa dù ngắn, chỉ vài chục phút, nhưng cũng đủ để người lao động giảm bớt căng thẳng, phục hồi khả năng làm việc. Nhưng ngủ ở đâu, trong điều kiện nào cũng là những vấn đề gây nhiều tranh cãi. Sau đây là một số ý kiến của người lao động ngành Điện .

Ông Phạm Lê Phú - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia

Nên để cho người lao động được thoải mái nghỉ ngơi sau bữa ăn trưa

Ở cơ quan tôi, trong giờ nghỉ trưa, anh em CBCNV có thể nghỉ ngơi ngay tại cơ quan. Sau những giờ làm việc căng thẳng, việc nghỉ ngơi để tái tạo lại sức lao động là cần thiết. Tôi nghĩ nên để cho người lao động được thoải nghỉ ngơi, vì đó là giờ nghỉ. Đặc biệt, giờ nghỉ lại giới hạn trong thời gian ngắn (từ 12h - 1h trưa), nên có thể thông cảm khi CBCNV tranh thủ nghỉ trưa tại chỗ.

Tuy nhiên, việc ngủ trưa này phải thực hiện theo đúng quy định về thời gian. Hết giờ nghỉ, chúng tôi yêu cầu CBCNV phải chỉnh sửa lại trang phục, nghiêm túc làm việc. Việc đảm bảo mỹ quan công sở cũng được chúng tôi chú ý. Ở cơ quan có sẵn các ngăn tủ cá nhân, để anh em CBCNV có thể cất các đồ dùng cá nhân, đảm bảo sự gọn gàng, ngăn nắp nơi làm việc. Hơn nữa, trong giờ nghỉ, CBNCV chỉ nghỉ trưa ngay tại vị trí làm việc của mình, không chiếm dụng diện tích chung, do vậy, tôi nghĩ việc ngủ trưa tại công sở có thể chấp nhận được.

 

Bà Nguyễn Thị Thậm - Phó chủ tịch Công đoàn, Trưởng Ban Nữ công kiêm Cán bộ phụ trách tuyên truyền và quan hệ cộng đồng, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại

Không có quy định cấm người lao động ngủ trưa tại công sở

Theo Luật Lao động, Thoả ước Lao động tập thể và Nội quy lao động của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại, chúng tôi có quy định về thời gian làm việc và  nghỉ ngơi như sau:

Với người làm việc không theo ca kíp ở các phòng nghiệp vụ, bộ phận phục vụ, phụ trợ: Mỗi ngày làm việc 8 giờ, buổi sáng làm việc từ 7h30 đến 12h, buổi chiều từ 13h đến 16h30. Như vậy, đối tượng lao động này được nghỉ buổi trưa là 60 phút.

Đối với người lao động làm việc theo ca, kíp trong dây chuyền sản xuất điện: Làm việc theo chế độ  ca kíp của Công ty. Do tính chất công việc, người lao động phải làm việc 8 giờ liền, thời gian nghỉ giữa ca (30 phút với ca Ngày và ca Chiều, 45 phút với ca Đêm) được Công ty trả lương làm thêm giờ. Đối tượng này không được nghỉ giữa ca.

Do đặc thù lao động như vậy, nên việc nghỉ trưa chỉ xét dành cho CBCNV khối Văn phòng, bộ phận phục vụ, phụ trợ. Công ty tôi không có quy định cấm người lao động ngủ trưa trong công sở. Công ty có phục vụ bữa ăn giữa ca chu đáo, sau đó, người lao động có thể tranh thủ ngủ trưa tại phòng làm việc của mình. Tôi thấy nếu giờ nghỉ trưa, anh em CBNCV phải đi về nhà để nghỉ sẽ vất vả, mất thời gian di chuyển, lại liên quan đến vấn đề an toàn giao thông. Do vậy, việc nghỉ trưa tại cơ quan có những lợi ích nhất định. Còn với người lao động đi ca, đương nhiên là bị cấm ngủ trong ca làm việc, vì nếu ngủ là vi phạm quy trình vận hành.

 

Ông Nguyễn Thế Kỷ  - Phòng Tài chính kế toán, Công ty Điện lực Lào Cai

Ngủ trưa ngay tại nơi làm việc sẽ gây mất mỹ quan công sở

Ở đơn vị tôi, giờ nghỉ trưa, một số anh em CBCNV do điều kiện nhà xa thường ở lại Công ty. Sau giờ ăn, chúng tôi thường về phòng, một số anh chị em tranh thủ làm việc luôn, một số nghỉ ngơi, ngồi trò chuyện vui vẻ. Chúng tôi không ai ngủ tại cơ quan, do không có phòng nghỉ riêng, còn tại phòng làm việc có cả nam và nữ, nếu ngủ trưa tại đó sẽ bất tiện.

Tôi thấy một số cơ quan tại tỉnh Lào Cai có khu nhà dành riêng, người lao động có thể nghỉ trưa tại đó. Tôi nghĩ, nếu có nơi để nghỉ thuận tiện như vậy thì việc ngủ trưa cần được khuyến khích. Sau 4 tiếng làm việc căng thẳng buổi sáng, một giấc ngủ trưa dù ngắn cũng giúp giảm bớt căng thẳng, khi trở lại làm việc sẽ hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, nếu không có khu nghỉ riêng biệt, thì việc “ngả lưng” ngay tại văn phòng sẽ gây mất mỹ quan. Tôi nghĩ, công sở là nơi để làm việc chứ không phải là nơi nghỉ. Cá nhân tôi khi đến liên hệ làm việc tại cơ quan khác vào khoảng 1 giờ chiều đã từng bắt gặp tình trạng CBNCV vẫn đang ngủ ngay tại bàn làm việc, lúc khách tới mới choàng dậy. Tôi thấy điều đó có phần phản cảm. Cá nhân tôi không ủng hộ việc ngủ trưa ngay tại nơi làm việc như vậy. Tuy nhiên, tôi nghĩ tùy điều kiện và hoàn cảnh từng đơn vị sẽ có sự điều chỉnh về nề nếp nghỉ ngơi, sao cho đảm bảo sức khỏe người lao động và đảm bảo hiệu quả công việc.

 

Chị Trần Thị Thúy - Cán bộ y tế, Ủy viên Ban Nữ công Công ty Điện lực Bình Định:

Cần có phòng nghỉ trưa đàng hoàng cho CBCNV

Theo tôi, giấc ngủ trưa là cần thiết và phù hợp với những nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Tuy nhiên, điều kiện kèm theo là để việc ngủ trưa nơi công sở phù hợp với văn hóa doanh nghiệp, hợp vệ sinh,  thì nhất thiết phải tổ chức nhà, phòng nghỉ trưa đàng hoàng, văn minh, nam - nữ có phòng riêng, có đủ trang bị, thông thoáng để bảo đảm sức khỏe. Công nhân thì có lán trại tại công trường.

Còn nếu nghỉ trưa theo kiểu ngả lưng trên ghế, gục đầu trên bàn, ngủ tại chỗ trong phòng làm việc thì tôi thấy rất phản cảm, không phù hợp với văn hóa doanh nghiệp. 


  • 24/09/2014 02:31
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN tháng 8/2014
  • 2936


Gửi nhận xét