Vài nét về Slogan
Ảnh minh họa.
|
Trong hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, slogan là một phần không thể thiếu trong văn hóa doanh nghiệp (VHDN), là một khẩu hiệu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhận biết, dễ truyền thông, tạo dựng hình ảnh và triết lý của DN trong khách hàng cũng như trong việc giáo dục, phát triển nguồn nhân lực của mình.
Có thể nêu một cách tổng quát các nguyên tắc xây dựng slogan như sau:
1- Nêu được cái hồn, sự khác biệt trong triết lý kinh doanh và VHDN
Muốn cho slogan và logo có hồn và tồn tại bền vững, nó phải phản ánh được tinh thần cốt lõi của DN. Như vậy, cần có VHDN trước khi xây dựng bộ nhận diện thương hiệu. Trong đó DN cần xác định được sự khác biệt của hàng hóa, dịch vụ và bản sắc của mình so với các công ty, DN khác.
2- Thúc đẩy hành động và đưa ra cam kết
Với tính cách là “khẩu hiệu hành động”, slogan cần khơi dậy cảm hứng và tạo động lực cho hành động có mục đích. Có người nói, slogan là “lời tỏ tình” của thương hiệu với khách hàng. Khuyến khích người ta trả tiền cho một hành động tiêu dùng, chủ của thương hiệu cũng ngầm đưa ra một cam kết/lời hứa sẽ phục vụ khách hàng và người tiêu dùng tận tình, chu đáo. Đối với nhiều công ty, sự khuyến khích và cam kết trong slogan được áp dụng cho chính đội ngũ cán bộ, nhân viên của mình.
3- Trung thực và thực tế
Trung thực là phẩm chất và đặc điểm cơ bản của một DN có tiêu chuẩn cao về đạo đức kinh doanh và có VHDN mạnh; là thái độ tôn trọng khách hàng và nói trung thực về chất lượng và giá trị của sản phẩm, thương hiệu. Apple là một công ty rất mạnh, có sứ mệnh và triết lý kinh doanh làm thay đổi thế giới với hàng loạt các sản phẩm đột phá, nhưng trong slogan của mình chỉ khuyến nghị xã hội một hành động có vẻ rất khiêm tốn và khả thi: Hãy nghĩ - làm khác đi. Viettel cũng có một sứ mệnh và các nhiệm vụ cao cả, quan trọng, song trong khẩu hiệu hành động của mình chỉ là một lời khuyên: Hãy nói theo cách của bạn!
4- Ngắn gọn, dễ thuộc, dễ nhớ; nếu dài thì phải có vần điệu
Ngắn gọn, hàm súc là một đặc điểm, nguyên tắc của các slogan hay và hiệu quả. Các slogan hay/thành công nhất thời hiện đại thường chỉ có từ 3 đến 6 từ, hầu như không có cái nào dài đến 9-10 từ.
Viết ngắn gọn có ưu điểm là dễ đọc, dễ thuộc, dễ nhớ và dễ trình bày. Tuy có vài từ nhưng slogan vẫn phải thể hiện được cốt lõi triết lý kinh doanh và văn hóa của DN cũng như sự khác biệt cơ bản trong sản phẩm và thương hiệu. Như vậy, nhiều slogan cũng chính là triết lý kinh doanh/hành động của DN trong phiên bản rút gọn. Hàm súc, ngắn gọn quá cũng có nguy cơ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, trong đó có cái trái với ý đồ của nhà tạo slogan.
Vẫn tồn tại những slogan rất thành công dài tới 8 từ như của Prudential: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Ở đây, kỹ thuật tu từ được sử dụng tạo ra nhịp điệu, luyến láy làm cho người nghe dễ nhớ, dễ nhập tâm.
Hành động theo slogan
Để làm không trái/khác nhiều với slogan, theo tôi cần có các giải pháp sau:
Một là, DN phải chú ý lựa chọn, xây dựng được slogan của mình đảm bảo được 4 đặc điểm, trước tiên là nó phải có cái hồn cốt của triết lý kinh doanh và VHDN của riêng họ. Không nên tốn thời gian và tiền bạc làm thương hiệu với các slogan nói chung chung hoặc theo kiểu “đao to, búa lớn.”
Hai là, slogan cần được gắn liền với logo để tạo ra sức mạnh của “song kiếm hợp bích” và tiếng kèn giục giã tấn công. Cặp slogan và logo cần được trình bày ở mọi nơi có sự hiện diện của DN; trong sổ tay nhân viên, phòng làm việc… trên các bao bì sản phẩm cũng như việc quảng cáo, truyền thông của DN.
Ba là, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, từ người lãnh đạo cao nhất trở xuống của DN, cần có niềm tin, có sự tuyên truyền mạnh mẽ, liên tục và thực hiện nhất quán với slogan và triết lý kinh doanh của DN.
Bốn là, các công việc đào tạo, đánh giá, khen thưởng và kỷ luật nhân sự… của DN nhất thiết cần dựa trên nội dung của VHDN, trong đó có các giá trị cốt lõi, slogan…
Khẩu hiệu hành động của DN không chỉ là tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm, dịch vụ và quảng cáo, truyền thông ra bên ngoài mà còn dùng trong quản trị, phát triển nguồn nhân lực của các DN.