Ứng dụng Tứ Thư trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Với tinh thần: Giàu lấy nghèo làm gốc, cao lấy thấp làm nền và đọc cái cũ để hiểu cái mới, chúng tôi xin đưa ra một góc nhìn về Tứ Thư trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Một trong hai tác giả chủ đạo của Tứ thư

Khi cơn lốc đi qua, người ta mới bình tâm nhìn lại những dư chấn và hậu quả của nó. Có trăm nghìn nguyên nhân cho một kết quả hay hậu quả, nhưng rõ ràng, trong câu chuyện kinh doanh, một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của nhiều công ty, không phải là vốn, nhân lực hay công nghệ, mà chính là lỗ hổng về văn hóa doanh nghiệp.

Tứ Thư gồm bốn cuốn: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử. Bốn cuốn này được hình thành trong thời gian kéo dài cả trăm năm, với hai tên tuổi chủ đạo là Khổng Tử và Mạnh Tử - Một là người thầy vĩ đại khởi xướng, hai là người kế thừa và phát triển.

Với các lĩnh vực được đề cập đến trong Tứ Thư như: Triết học, chính trị, đạo đức, luật pháp... sách tập trung xây dựng nhân cách con người xã hội, đề cập trực diện vào các yếu tố nòng cốt như: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Những chuẩn mực ấy, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự và trình tự hệ thống: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Nhà khoa học John Kotter cho rằng, “...Văn hóa là khi có một người hành động không theo cách thông thường thì, lập tức những người kia sẽ buộc người đó trở lại cách hành xử đã được thừa nhận”. Quán chiếu câu nói này dưới góc nhìn về một doanh nghiệp hiện đại, rõ ràng, người chủ doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm hết sức quan trọng.

Đức Khổng Tử - Một nhà tư tưởng vĩ đại của Trung Hoa

Mô hình cũ cho phép người đứng đầu công ty ở vị trí trên nhất và cao nhất, nhưng với chân dung một CEO chuyên nghiệp, thì vị trí của anh ta là vị trí trung tâm. Nên việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho công ty, phải xây từ trong xây ra, chứ không phải là xây từ dưới hay trên.

Chương 2, Khang Cáo, sách Đại Học, là một thiên trong sách Chu Thư có câu: “Có thể phát huy được tính tốt của mọi người”. Và cũng ở chương này, Thái Giáp là một thiên trong sách Thượng Thư có câu: “Nên nghĩ đến những tính tốt mà trời đã ban cho mọi người”. Một công ty muốn xây dựng tốt văn hóa doanh nghiệp của mình, thì không thể bỏ qua ý nghĩa của hai câu vừa dẫn. Đánh thức và nuôi dưỡng các giá trị tốt đẹp của mọi thành viên trong công ty, chính là tổng hợp sức mạnh của thiện tâm và tín lễ. Chính đây là chìa khóa của thành công.

Ở Chương Một, Thánh Kinh, sách Đại Học, ghi: “Muốn lãnh đạo tốt nước mình, bang mình, trước hết cần chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình”. Đủ thấy, vai trò của việc làm gương, nêu gương đời nào cũng vậy. Lãnh đạo của một doanh nghiệp, muốn bảo ban, ra lệnh gì cho nhân viên, trước nhất hãy xem lại mình đã đủ phẩm chất và tư cách ban lệnh ấy ra chưa. Vai trò của quyền lực ở đây, chỉ có thể làm người ta tuân mà không phục. Nói chính xác, cần đức trị chứ không phải là quyền trị.

Để làm được điều đó, sách này dẫn ra "Bát mục”, gồm tám bước cụ thể: Cách vật (nghiên cứu thấu đáo sự vật), Trí tri (hiểu biết sâu sắc, có kiến thức rõ rệt), Thành ý (có ý nghĩ thành thật với chính mình), Chính tâm (giữ lòng dạ ngay thẳng), Tu thân (sửa mình trở thành người tốt), Tề gia (chỉnh đốn tốt việc nhà), Trị quốc (khiến cho đất nước yên ổn), Bình thiên hạ (khiến cho thiên hạ thái bình).

Cả tám bước này đều nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức để phát huy đức sáng, tính thiện của con người, mà vốn dĩ, trong mỗi con người đều có cả. Một CEO giỏi, phải là người khơi dậy tất cả tám điều trên trong mỗi nhân viên của mình. Và, bản thân CEO ấy cũng phải thực hành tốt từng điều một. Có câu, “thượng bất chính hạ tắc loạn”, trên không đủ sáng, dưới cũng chẳng noi theo, "mầm loạn khởi từ chỗ mục" là vậy.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chính là xây dựng giá trị của doanh nghiệp đó. Làm sao để tư tưởng bao quát được cùng nhau tin tưởng mạnh mẽ ở một nhóm người về tốt – xấu, đúng – sai, thiện – ác, hợp lý – không hợp lý. Nếu ví tổng thể văn hóa doanh nghiệp như một tam giác vuông, thì giá trị của doanh nghiệp đóng vai trò là cạnh huyền, bình phương của nó bằng tổng bình phương của những gì còn lại trong doanh nghiệp, để cấu thành nên cái gọi là văn hóa doanh nghiệp trong thời đại hôm nay.

Sách Tứ Thư, với những gì được viết ra cách đây hàng mấy thiên niên kỷ, nhưng nhiều điều còn giữ nguyên tính thời sự và có giá trị thực hành cho không chỉ giới doanh nhân, mà cho hầu khắp các giai tầng xã hội. Kế thừa và tiếp thu những tinh hoa từ di sản trí tuệ người xưa là nòng cốt cho việc dựng xây văn hóa doanh nghiệp.


  • 20/02/2012 11:24
  • Theo doanhnhan.net
  • 2905


Gửi nhận xét