Ảnh minh họa.
|
Bất kể bạn là ai, vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống, bạn sẽ phản ứng với mọi chuyện không theo logic khách quan, mà theo cảm xúc cá nhân. Một cái liếc mắt, một nhận xét có vẻ tiêu cực đều có thể bị quy là cố tình và mọi chuyện có vẻ tồi tệ hơn thực tế. Vì vậy, sẽ thật tuyệt nếu bạn có thể ngừng việc cá nhân hóa mọi thứ, nhất là trong công việc. Bạn sẽ ít căng thẳng, buồn bã và ít cảm thấy tự ti hơn.
Tại sao bạn lại cá nhân hóa chuyện gì đó? Ai đó có thể "cá nhân hóa" một chuyện gì đó vì các lý do:
- Một số người rất nhạy cảm
- Lời phê bình có thể làm nhớ đến một ký ức không vui trước đó
- Chúng ta khó chịu vì hóa ra lời chỉ trích đó đúng
- Đơn giản là cảm thấy không vui khi bị đối xử tiêu cực
Dù lý do là gì, những mẹo gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn làm chủ nghệ thuật kiểm soát tính xấu này:
1. Thử đặt mình vào hoàn cảnh của mọi người
Đã bao nhiêu lần bạn nói hoặc làm điều gì đó gây tổn thương cho người khác? Và bạn làm vậy chỉ vì bạn đã có một ngày tồi tệ chứ không hề cố ý? Nếu bạn đã từng như vậy, thì mọi người cũng thế.
Nói một cách khoa học, con người hầu như luôn để cảm xúc dẫn dắt trước khi dùng lý trí. Nói vậy không để bào chữa cho bất kỳ hành vi nào, nhưng nếu coi "hành động và lời nói phản ánh người nói chứ không phải đối tượng được nói đến", có lẽ bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
2. Học cách để phát triển từ phê bình
"Chỉ có một cách để tránh bị chỉ trích: không làm gì, không nói gì và không là gì cả" - Aristotle
Phản hồi tiêu cực là một yếu tố rất cần thiết để tạo động lực phát triển. Chúng ta không hoàn hảo, và luôn có thể mắc lỗi trong công việc. Vì thế, đôi khi, lời chỉ trích có trong nó một số sự thật. Kể cả những lời chỉ trích không mang tính xây dựng, thì bạn vẫn có thể học hỏi từ chúng.
Tất nhiên, thực tế là chấp nhận sự thật có khi còn khó hơn là đổ tại ai đó ghét bạn. Nhưng thay vì cắm đầu vào tấn công lại người chỉ trích, hoặc chìm đắm trong tự ti, hãy tự hỏi bản thân: "Tôi có thể học được điều gì từ điều này không?". Tạo một kế hoạch khả thi, với các bước cụ thể để cải thiện bản thân nhé.
3. Biết sự nhạy cảm của mình
Chúng ta thường nhìn nhận một cách cá nhân với vấn đề mà chúng ta bị "nhạy cảm" nhất. Vì vậy, để không bị các cảm giác tiêu cực xâm chiếm, bạn hãy tự nhìn nhận những đề tài nào, hoặc vấn đề gì sẽ khiến mình khó chịu. Ví dụ: nếu ghét bị chỉ trích khi đang lên kế hoạch , thì ngừng chia sẻ khi các kế hoạch chưa thành hình. Như vậy, bạn có thể tránh xa các tình huống tạo điều kiện cho người khác nhận xét. Nghe có vẻ hơi tiêu cực, nhưng như vậy bạn sẽ không rơi vào cái bẫy cảm xúc của bản thân và làm mọi chuyện tệ đi.
4. Hít thở sâu
Dù gì thì cũng sẽ có lúc nào đó bạn không chuẩn bị trước được các tình huống khó chịu trong công việc. Cảm giác ghét cay ghét đắng những người nói hoặc làm ảnh hưởng đến công việc của bạn có thể khiến bạn bùng nổ cảm xúc, nói ra những điều không nên nói và làm hỏng các mối quan hệ hoặc sự nghiệp.
Vì vậy, trước khi bạn phản ứng, hãy lùi một bước. Hít thật sâu bằng mũi rồi thở ra một hơi dài bằng miệng. Lặp lại nhiều lần để bình tĩnh hơn, bởi việc thở hít sâu có thể thể giúp căng thẳng và lo lắng trong cơ thể dịu xuống.
5. Hỏi cho rõ ràng
Cuối cùng, không có gì giải quyết triệt để hơn là hiểu rõ hơn hoàn cảnh của sự chỉ trích. Khi chúng ta giả định về người khác cũng như ý định của họ, chúng ta thường sai. Thay vì khó chịu, lo lắng vì nghĩ người kia đang tức giận với mình, thì chúng ta có thể hỏi thẳng để làm rõ.
Gặm nhấm nỗi ấm ức chẳng giải quyết được điều gì, chỉ tốn thời gian vô nghĩa. Vì vậy, nếu tình huống khiến bạn có thể đánh giá cảm tính về đối phương, hãy hỏi. Nếu cảm giác của bạn là đúng, ít nhất bạn cũng có hướng để đi tìm giải pháp để giao tiếp hiệu quả hơn, hoặc ít nhất là đối phó với người xấu chơi . Nếu bạn sai, điều đó có thể giúp bạn không lãng phí thời gian vào những cảm xúc tiêu cực nữa và tập trung vào việc cải thiện bản thân.
Link gốc.