Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, học giả, doanh nhân, các nhà thiết kế thời trang, sinh viên, các nhà sưu tầm sản phẩm dệt may truyền thống đến từ các nước ASEAN và quốc tế.
Khu vực trưng bày sản phẩm dệt truyền thống của Việt Nam tại Hội thảo.
|
Hội thảo nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ 6 bao gồm một chuỗi các hoạt động hướng tới tôn vinh, bảo tồn và phát huy nghệ thuật dệt truyền thống của các quốc gia ASEAN như: Tọa đàm "Từ làng dệt truyền thống đến công nghiệp nhẹ và bảo tồn, phát huy đồ dệt thêu"; hội chợ giới thiệu sản phẩm dệt may của các quốc gia tham dự; chương trình biểu diễn âm nhạc và thời trang truyền thống của Brunei; tham quan thực tế tại các làng dệt truyền thống của Brunei...
Mục tiêu của Hội thảo nhằm tạo hành lang cho các chuyên gia, nghiên cứu viên, sinh viên và các doanh nhân trong ngành dệt may truyền thống quy tụ để thảo luận và trao đổi quan điểm nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn và đảm bảo duy trì các hoạt động sản xuất hàng tơ sợi và dệt may trong khu vực; đưa ra các kết quả nghiên cứu về các hoạt động đa chiều của ngành dệt may truyền thống; nâng cao khả năng của ngành dệt may truyền thống tham gia vào thị trường rộng lớn hơn.
TS. Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Bộ VHTTDL) tham dự Hội thảo với bài tham luận “Giữ gìn nghề dệt và thêu truyền thống Việt Nam - Nguồn ứng dụng trong sự phát triển hiện đại”, đề cập đến việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống các làng nghề dệt lụa mang bản sắc của Việt Nam.
Tham luận cũng đưa ra lời kêu gọi các quốc gia ASEAN cần tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm các sản phẩm dệt truyền thống bị thất truyền, làm giàu cho nguồn lực phát triển dệt thêu tương lai. Các nhà thiết kế, các nghệ nhân dệt, may thêu tiếp tục sáng tạo những sản phẩm mới mang tinh hoa văn hóa dân tộc và những biểu trưng truyền thống vào hơi thở của cuộc sống đương đại.
Hội thảo nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ 6 sẽ diễn ra từ ngày 20 - 23/11/2017.