Xây dựng tác phong công nghiệp và văn hóa đúng giờ

Tác phong là cách thức, phong cách công tác, sinh hoạt có tính ổn định, có nét riêng của con người và tổ chức, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng và hiệu quả hoạt động của họ. Nó là biểu hiện của thái độ và lối ứng xử của con người, gắn liền với phạm trù đạo đức. Tác phong công nghiệp được hiểu là phong cách, lối làm việc và sinh hoạt phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, còn gọi là tác phong chuyên nghiệp.

Những thói quen xấu thường gặp

Theo nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, nhìn chung người Việt Nam thiếu và yếu về tác phong công nghiệp và văn hóa đúng giờ. Biểu hiện rõ ở các thói quen và điểm yếu sau đây:

Ảnh minh họa.

  • Làm việc thiếu mục tiêu và kế hoạch rõ ràng, “Nước đến chân mới nhảy”;
  • Thường đi muộn, về sớm, có quan niệm “giờ cao su”;
  • Thiếu tính kỷ luật, xem nhẹ hoặc tìm cách đối phó những quy định tại nơi làm việc;
  • Thiếu trung thực và sự công khai, minh bạch trong thông tin, báo cáo;
  • Làm việc theo cảm hứng, tùy tiện, thích nghỉ Lễ, nghỉ Tết kéo dài;
  •  Luôn nghĩ đến cái lợi cá nhân, trước mắt; thường chọn làm việc nhỏ và dễ bỏ việc lớn và khó;
  • Dễ xin nghỉ làm, nghỉ học vì nhiều lý do cá nhân như nhà có ma chay, cưới, hỏi, đám giỗ, mệt mỏi, giúp đỡ con cháu...;
  • Tác phong làm việc đại khái, đối phó cốt cho xong việc, thiếu tính kiên trì theo đuổi sự hoàn hảo;
  • Thiếu ý thức, ý chí tự học để nâng cao trình độ, nhận thức cho chính mình;
  • Tinh thần và kỹ năng làm việc nhóm kém, thiếu tính chủ động, sáng tạo và hợp tác trong công việc

Tác phong công nghiệp, chìa khóa thành công

Đặc điểm, các tiêu chí đánh giá tác phong công nghiệp là (1) thượng tôn luật pháp và tuân thủ kỷ luật, (2) thực hiện nhiệm vụ nhanh, đúng kế hoạch, hạn định, (3) làm việc, sinh hoạt tập thể đúng giờ quy định, (4) làm việc có kỹ năng, chuyên nghiệp, (5) hiệu quả hoạt động cá nhân, tập thể và toàn bộ tổ chức cao…Tác phong không phải là tố chất tự nhiên mà là sản phẩm của quá trình trải nghiệm, học tập, rèn luyện, nhất là hình thức tự học, “vừa làm vừa học”. Nguyên tắc học tập là phải chủ động, chọn lọc, sáng tạo; cái gì tốt đẹp thì ta trân trọng ghi nhận, tiếp thu, cái gì xấu kém thì cần thải loại. Xây dựng văn hóa đúng giờ cần kết hợp giữa “xây” và “chống”, trọng tâm là xây dựng và quản trị theo các giá trị chân – thiện – mỹ để thay thế, phủ định 10 thói quen, tính xấu đã nêu trên.

Tác phong, phong cách làm việc của người sáng lập, lãnh đạo là một nhân tố quan trọng hình thành nên văn hóa tổ chức, văn hóa doanh nghiệp. Chúng ta học tập tấm gương đạo đức Hổ Chí Minh không chỉ về các phẩm chất, chuẩn mực đạo đức mà còn cả các hành vi, việc làm, phong cách lãnh đạo và sinh hoạt của Bác, nổi bật là tác phong nhanh nhẹn, sâu sát quần chúng, luôn gần dân, trọng dân, hết lòng vì nhân dân, đồng bào…

Tác phong và phong cách tốt đẹp từ những người lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp luôn có tác dụng truyền cảm hứng, cổ vũ cho sự xây dựng, phát triển con người và văn hóa tổ chức. Và khi lãnh đạo xây dựng thành bộ quy tắc ứng xử, đồng thời gương mẫu thực hiện đến cùng thì sẽ trở thành một phong cách, một nét văn hóa và động lực giúp tổ chức đó hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững. Ngược lại, nếu thiếu tính chuyên nghiệp, không duy trì được nề nếp, tổ chức sẽ hoạt động thiếu hiệu quả, thậm chí sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.  

Làm gì để xây dựng tác phong công nghiệp?

Tác phong công nghiệp hay chuyên nghiệp và văn hóa đúng giờ là điều kiện cơ bản, cần thiết để một cá nhân, tổ chức hoạt động đạt hiệu quả cao, chất lượng ổn định trong lĩnh vực kinh doanh, hành chính nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp...

Theo tôi, trong các doanh nghiệp và cơ quan ngành Điện, nhiệm vụ xây dựng tác phong công nghiệp và văn hóa đúng giờ là hết sức cần thiết và cần đạt được một số tiêu chuẩn, tiêu chí sau đây:

  • Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, kỷ luật lao động và các quy chế của tổ chức.
  • Coi trọng danh dự cá nhân, đạo đức nghề nghiệp và các giá trị, chuẩn mực của tổ chức/doanh nghiệp.
  •  Làm việc có kỹ năng, có chất lượng và năng suất cao.
  • Liên tục cải tiến phương pháp, hiện đại hóa công cụ, phương tiện làm việc để tăng hiệu quả hoạt động của tổ chức. (Ngành điện gần đây đã thực hiện tốt tiêu chuẩn này khi hiện đại hóa cách thức đo mức tiêu thụ điện và việc thu tiền điện của các hộ gia đình).
  • Tinh thần hợp tác tốt, ứng xử thân thiện, đoàn kết với mọi người.
  • Không ngừng học hỏi và tiến bộ, phát huy năng lực sáng tạo trong công việc.
  • Có thái độ coi trọng thời gian, làm việc theo kế hoạch, đảm bảo đúng giờ, đúng hạn định.
  • Đảm bảo sự an toàn, ngăn nắp, gọn gàng, vệ sinh sạch sẽ nơi làm việc và nơi sinh hoạt.
  • Ứng xử, giao tiếp với mọi người lịch sự, văn minh; không quan liêu, nhũng nhiễu khách hàng.


  • 24/04/2018 09:53
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 19230