EVN đóng vai trò tích cực trong Dự án Năng lượng nông thôn 2

Dự án Năng lượng nông thôn 2 (REII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2004 theo Quyết định số 864, tiếp nối và mở rộng dự án Năng lượng nông thôn 1, nhằm mục đích cải tạo, nâng cao năng lực hệ thống truyền tải điện cho khu vực nông thôn, đồng thời cải thiện dịch vụ cung cấp điện năng với chất lượng tốt, giá cả hợp lí.

Dự án gồm hai phần chính: Phục hồi nâng cấp, mở rộng mạng lưới điện nông thôn, kết hợp chuyển đổi xây dựng và xây dựng mô hình quản lý điện địa phương cho 1.200 xã tại 26 tỉnh; Nâng cao năng lực quản lý điện hạ thế nông thôn do địa phương quản lý.

Nhiều xã đã đóng điện 100%

Tính đến thời điểm này, hầu hết các tỉnh đã hoàn thành dự án REII gốc với tỷ lệ các xã đóng điện đạt 100%, một số tỉnh đã nghiệm thu bàn giao, hoặc đang hoàn thiện hồ sơ quyết toán hoàn công chờ phê duyệt, bàn giao tài chính dự án gốc.

Một số tổng công ty đã hoàn thành 100% khối lượng của dự án như: Tổng công ty Điện lực miền Bắc triển khai dự án tại địa bàn 18 tỉnh, 142 huyện 659 xã với tổng mức đầu tư gần 940 tỷ đồng; Tổng công ty Điện lực miền Trung triển khai tại 236 xã thuộc 6 tỉnh với tổng mức đầu tư trên 406 tỷ đồng,…

Tổng công ty Điện lực miền Nam triển khai dự án trên địa bàn 8 huyện và thành phố Cà Mau với quy mô đường dây trung hạ áp dài gần 339 km; cải tạo đường dây trung áp 1 pha lên 3 pha dài gần 7 km, cải tạo đường dây trung áp 3 pha dài trên 115 km, xây dựng mới đường dây trung áp 3 pha dài trên 36 km, xây dựng mới đường dây trung áp 1 pha trên 180 km…

Đóng điện tại trạm biến áp thôn Hương, thôn Hội - Yên Trung, Hà Tây (cũ)

Theo đánh giá của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), nhìn chung dự án đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho các địa phương tham gia. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số khó khăn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án tại một số địa phương còn chậm, gây cản trở đến tiến độ chung của dự án… Để dự án được triển khai giai đoạn 2 hiệu quả, đảm bảo tiến độ theo đúng kế hoạch, các đơn vị tham gia cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa với chính quyền địa phương tại các vùng có dự án đi qua.

Về Dự án REII mở rộng, Tổng công ty Điện lực miền Bắc dự kiến cải tạo, xây dựng mới đường dây trung hạ áp và trạm biến áp tại 1.057 xã 246 huyện thuộc 16 tỉnh. Tính cả hai đợt, dự án REII tài trợ bổ sung tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.500 tỷ đồng đã được Tổng công ty phân bổ cho các công ty theo 5 đợt.

EVN tham gia sâu, rộng và hiệu quả

 Đánh giá về những thành công của dự án, ông Lê Tuấn Phong – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng nhấn mạnh: “So với năm trước, tình hình thực hiện dự án năm nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Với các mục tiêu đặt ra đã được triển khai một cách chuyên nghiệp, Dự án sẽ được kết thúc suôn sẻ. Hy vọng đây sẽ là dự án tiêu biểu, làm mục tiêu phấn đấu cho các dự án khác”.

Ông Phong cũng đánh giá cao việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam tham gia dự án ngày càng sâu rộng và tích cực, thông qua việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại các xã. Theo số liệu thống kê của BQL REII các tỉnh, số xã do các đơn vị ngoài ngành Điện quản lý, vận hành lưới điện hạ áp sau đầu tư là 1.155 xã, chiếm 78%, số xã do ngành điện quản lý sau đầu tư là 330 xã, chiếm 22% tổng số xã tham gia Dự án.

Thời gian tới, các địa phương đang có kế hoạch tiếp tục bàn giao các xã thuộc dự án sau khi hoàn thành cho ngành Điện quản lý.

Dự án Năng lượng Nông thôn 2 (REII):

- Thời gian triển khai: Từ năm 2005 tại 25 tỉnh, thành phố trong cả nước

- Tổng kinh phí của dự án: Gần 420 triệu USD.

- Mục tiêu: Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống lưới điện hạ thế nông thôn; kết hợp chuyển đổi và xây dựng mô hình quản lý, nhằm cải thiện dịch vụ cung cấp điện với chất lượng tốt, giá cả hợp lý cho khu vực nông thôn

Ông Đặng Văn Lành - Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định:

“Sau khi lưới điện được bàn giao cho ngành Điện quản lý đã được cải tạo, người dân rất đồng tình ủng hộ vì đã được mua điện theo giá của Chính phủ, có hóa đơn thu tiền rõ ràng, khi có sự cố thì được ngành Điện cho người đến sửa chữa kịp thời, nếu có cắt điện, chúng tôi cũng được thông báo trước, lưới điện đảm bảo an toàn, đặc biệt cả trong những ngày mưa bão”

Ông Võ Văn Phát – Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Nhơn Phú:

“Hiện nay, xã chưa bàn giao lưới điện cho ngành Điện quản lý, nên người dân rất mong xã sớm hoàn thành bàn giao để được hưởng các chính sách ưu tiên của ngành Điện”

 


  • 26/01/2013 02:29
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 3344


Gửi nhận xét