Áp dụng ISO 50001 giúp doanh nghiệp tuân thủ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) tổ chức Hội thảo Dự án “Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và các tiêu chuẩn quản lý năng lượng tại Việt Nam”.

Áp dụng ISO 50001 là giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh: Ctv

Hội thảo nhằm giới thiệu hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, đồng thời công bố chương trình hỗ trợ đối với một số doanh nghiệp được lựa chọn xây dựng thí điểm hệ thống này trong năm 2012.

Tiêu chuẩn ISO 50001 là tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý năng lượng do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành vào ngày 15 tháng 6 năm 2011. Mặc dù không đưa ra các chỉ tiêu hiệu quả cụ thể nào nhưng tiêu chuẩn này yêu cầu các tổ chức tham gia cam kết cải tiến hiệu suất năng lượng sử dụng một cách thường xuyên, liên tục và giám sát kết quả thực hiện để có sự điều chỉnh thích hợp.

Theo ông Phương Hoàng Kim – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Tiết kiệm Năng lượng, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), việc áp dụng ISO 50001 là giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; sử dụng nguồn nhân lực và các nguồn lực sẵn có trong doanh nghiệp một cách hiệu quả; giảm liên tục mức năng lượng tiêu thụ trên đơn vị sản phẩm. Qua đó giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh cho chính doanh nghiệp đồng thời tạo hình ảnh doanh nghiệp sản xuất xanh và sạch đối với công chúng, các đối tác kinh doanh, khách hàng và các nhà nhập khẩu.

Dự kiến, ngày 21/5/2012, Hội thảo tương tự sẽ diễn ra tại Khách sạn Victory - 14 Võ Văn Tần, Quận 3 TP. Hồ Chí Minh.

Các bước thực hiện ISO 50001:

Plan (Lập kế hoạch):  Đánh giá hiện trạng sử dụng năng lượng và xây dựng đường cơ sở, các chỉ số hiệu suất năng lượng, mục tiêu, chỉ tiêu và các kế hoạch hành động cần thiết để tạo ra kết quả theo các cơ hội cải thiện hiệu suất năng lượng và chính sách năng lượng của tổ chức

Do (Thực hiện): Triển khai các kế hoạch hành động về quản lý năng lượng

Check (Kiểm tra): Giám sát và đo lường các quá trình và các đặc tính vận hành chính để xác định mức cải thiện năng lượng so với các chính sách và mục tiêu và báo cáo kết quả

Act (Hành động): Thực hiện các hành động cần thiết nhằm cải thiện hiệu suất năng lượng và hệ thống quản lý năng lượng một cách liên tục.

 


  • 15/05/2012 11:34
  • Trần Ngọc Thọ
  • 3012


Gửi nhận xét