Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo EVN, chuyên gia, các giảng viên đầu ngành Nhiệt - Lạnh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; đại diện 3 Tổng công ty Phát điện (EVNGENCO1, EVNGENCO2, EVNGENCO3) và lãnh đạo của 17 công ty, nhà máy nhiệt điện than.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Thanh Hải - Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 cho rằng: Hội thảo là cơ hội rất quý trong việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm vận hành, bảo dưỡng nhà máy, đặc biệt là công tác hiệu chỉnh lò hơi, một trong các công tác quan trọng nhất nên cần phải làm thường xuyên, liên tục và phải có kỹ năng sâu sắc, nhằm đảm bảo cho nhà máy vận hành kinh tế, giảm tổn hao nhiên liệu, tăng tuổi thọ thiết bị.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Hải cho biết, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là nhà máy nhiệt điện mới, có công suất lớn và công nghệ tiên tiến bậc nhất hiện nay của ngành Điện Việt Nam. Tới thời điểm này Nhà máy đã cung cấp cho hệ thống điện quốc gia hơn 27,6 tỷ KWh điện. Riêng năm 2020, Nhà máy đã phát được 11,7 tỷ kWh, đạt 101,4% Kế hoạch SXKD do EVN giao. Khi mới tiếp quản nhà máy, chúng tôi nhận thấy suất hao nhiệt/suất hao than của các tổ máy rất cao so với quy định trong hợp đồng mua bán điện, cụ thể: Cuối năm 2019, suất hao nhiệt của nhà máy là 10.779 kJ/kWh so với 9316 kJ/kWh theo PPA, tương ứng suất hao than là: 539 g/kWh so với 474 g/kWh theo kế hoạch được giao (tức là cao hơn khoảng 65 g/kWh).
Vấn đề suất hao nhiệt/than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 tại thời điểm đó là một vấn đề nóng bỏng đối với chúng tôi cũng như thu hút sự quan tâm rất lớn từ phía Tập đoàn. Do đó, tháng 01/2020, EVN đã cử một đoàn công tác có kinh nghiệm đến Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 để tìm hiểu và cùng với Nhà máy giám sát toàn bộ quá trình vận hành, mục đích chính là cùng tìm ra nguyên nhân, từ đó đề ra các giải pháp làm giảm suất hao than.
Theo đó, đoàn công tác đã nỗ lực, khẩn trương kiểm soát toàn bộ các khâu của quá trình sản xuất, nghiên cứu, ghi chép, tính toán rất tỷ mỷ các thông số vận hành, đồng thời cải tiến quy trình tiếp nhận, bảo quản than, quy trình thổi bụi lò hơi, hiệu chỉnh, tối ưu hóa chế độ cháy của lò… Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều yếu tố gây ảnh hưởng tới suất hao than/nhiệt của Nhà máy, đơn cử như: chất lượng than, tổn hao than trong quá trình bốc dỡ; vận chuyển, lưu trữ than; vận hành nhà máy trong giải công suất kinh tế; tổn hao do quá trình thổi bụi lò hơi; lọt gió qua bộ sấy không khí; chế độ cháy của lò; tổn hao do nhiệt độ nước làm mát tăng cao, các tổn hao khác…
Trên thực tế, tới thời điểm này Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đã đưa suất hao nhiệt, than xuống gần với PPA, cụ thể là: Suất hao nhiệt bình quân của TM là: 10.020 kJ/kWh; Suất hao than bình quân là: 498 g/kWh.
Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị cũng đã có nhiều tham luận và chia sẻ kinh nghiệm về giảm suất tiêu hao nhiệt, công tác tiếp nhận than, quản lý than nhằm giảm thiểu hao hụt trong việc bốc dỡ, vận chuyển và lưu kho, công tác thu thập xử lý số liệu, tính toán hiệu suất lò hơi, tuabin, tổ máy, công tác thí nghiệm hiệu chỉnh lò hơi, tuabin... nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất để vận hành Nhà máy Nhiệt điện than. Đồng thời, đã có nhiều ý kiến đề nghị EVN thành lập tổ hiệu chỉnh cấp Tập đoàn để hướng dẫn, đào tạo đội ngũ hiệu chỉnh của các đơn vị ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Đại diện EVN, ông Tạ Tuấn Anh - Phó trưởng Ban Kỹ thuật Sản xuất EVN đã trả lời thấu đáo các câu hỏi, kiến nghị của các đơn vị về dự hội thảo và ghi nhận những tiến bộ vượt bậc của các Nhà máy Nhiệt điện than về công nghệ và công tác hiệu chỉnh trong thời gian qua.
Ông Tuấn cũng đánh giá cao những chia sẻ kinh nghiệm rất hữu ích của các đơn vị, những đề nghị của các đơn vị tiếp tục phối hợp, trao đổi, học tập kinh nghiệm và nghiên cứu, thúc đẩy cơ hội hợp tác chuyên môn, tổ chức các chuyến công tác thực tế tại một số nhà máy nhiệt điện nhằm nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ thực hiện công tác hiệu chỉnh, với mục đích đem lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, đóng góp vào thành tích chung.
Link gốc