Chuyển đổi số ở EVNHCMC: Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức

Là một trong những đơn vị đi đầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó yêu cầu mọi CBCNV cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, quyết tâm cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022.

Tự động hóa, số hóa

Những năm qua, EVNHCMC đã đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, xây dựng lưới điện thông minh, đảm bảo điện luôn đi trước một bước nhằm phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, hiện đại.

Từ năm 2017, lưới điện của EVNHCMC đã được chuyển đổi từ phương thức vận hành thủ công sang phương thức vận hành tự động. Cụ thể, từ tháng 3/2017, Tổng công ty đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều khiển xa với hệ thống SCADA/DMS đạt chuẩn quốc tế, có khả năng giám sát và điều khiển từ xa lưới điện toàn thành phố theo thời gian thực. 

Hiện EVNHCMC cũng đã hoàn tất chuyển đổi và đang vận hành hiệu quả 100% TBA 110kV theo mô hình không người trực/điều khiển xa. Tổng công ty cũng đã hoàn tất trang bị và vận hành hiệu quả chức năng mini-Scada cho 100% tuyến dây trung thế 22kV; trong đó có 30% tuyến dây công cộng có khả năng tự động hóa cấp độ 2. Đặc biệt, hơn 93% số vụ sự cố trung thế đã được khôi phục cấp điện với thời gian dưới 5 phút, thay vì 2 tiếng như trước đây; thậm chí một số tuyến đường dây, thời gian khôi phục cung cấp điện cho các khách hàng dưới 1 phút.

EVNHCMC cũng đã hoàn thành số hóa lưới điện trên nền bản đồ hệ thống thông tin địa lý (GIS). Qua đó, góp phần hiệu quả trong việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

Năm 2020, Tổng công ty đã đưa vào vận hành Trung tâm dữ liệu (Data Center) hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế cấp độ 3 về mặt thiết kế, xây dựng, có khả năng dự phòng ít nhất N+1, giám sát hoạt động 24/7, có khả năng kết nối tốc độ cao và hệ thống an toàn thông tin. Trung tâm dữ liệu sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi số của Tổng công ty. Thời gian tới, EVNHCMC tiếp tục triển khai các giải pháp ảo hóa Trung tâm này.

Trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVNHCMC đã cung cấp 100% dịch vụ điện điện tử; tỷ lệ giải quyết trực tuyến các yêu cầu của khách hàng đạt 100%.

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân (áo trắng đứng giữa) thăm Trung tâm Điều khiển xa của EVNHCMC

Đổi mới tư duy, nhận thức về chuyển đổi số

Ông Phạm Quốc Bảo - Chủ tịch HĐTV EVNHCMC khẳng định, xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của EVNHCMC từ nay đến 2030. Một trong các yêu cầu quan trọng cần phải đáp ứng khi triển khai chuyển đổi số là việc đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức.

“Chương trình chuyển đổi số đặt ra yêu cầu mỗi CNVC-LĐ phải có tư duy, cách làm mới, dám nghĩ, dám làm, thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó, việc cập nhật các xu hướng công nghệ mới, tham vấn các đơn vị chuyên trách, các chuyên gia để đảm bảo thực hiện đúng định hướng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và mục tiêu của Tổng công ty là hết sức cần thiết” - ông Phạm Quốc Bảo nhấn mạnh.

EVNHCMC đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số quanh 5 trụ cột (Văn hóa và chiến lược số; Gắn kết khách hàng; Quy trình và cải tiến; Công nghệ; Phân tích và quản lý dữ liệu) cùng 4 trung tâm (Khách hàng; Tài sản; Người lao động; Dữ liệu). Đồng thời, Tổng công ty cũng đề ra 6 nhóm nhiệm vụ chuyển đổi số xoay quanh các lĩnh vực: Chuyển đổi nhận thức và xây dựng văn hóa chuyển đổi số; sản xuất; kinh doanh và dịch vụ khách hàng; đầu tư xây dựng; quản trị nội bộ; viễn thông và công nghệ thông tin.

EVNHCMC phấn đấu đến năm 2022, 100% thiết bị lưới điện truyền tải, 80% thiết bị lưới điện 110kV được số hóa; 100% cán bộ hiện trường sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động thông minh để tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện kiểm tra, sửa chữa, thí nghiệm hiệu chỉnh, giám sát an toàn; kết hợp khai thác thông tin trên mạng xã hội và mô hình AI để sớm dự báo, phân tích xu hướng ý kiến khách hàng đối với một hoạt động/dịch vụ cụ thể; đến năm 2025, các đường dây cao thế (tại các vị trí cột quan trọng) được giám sát và ứng dụng AI để phân tích và hỗ trợ phát hiện sự cố…

EVNHCMC cũng đã và đang hoàn tất dự án triển khai Trung tâm Điều khiển dự phòng để nâng cao tính dự phòng của hệ thống hiện hữu; áp dụng phương pháp sửa chữa bảo dưỡng tiên tiến theo điều kiện vận hành của thiết bị (phương pháp CBM); quản lý chặt chẽ toàn bộ các TBA phân phối thông qua hệ thống đo đếm từ xa, điện kế tổng có chức năng cảnh báo mất điện tức thời; tính toán tổn thất tuyến dây trung thế online; số hoá và chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý kỹ thuật. 

Mục tiêu EVNHCMC hướng tới là một doanh nghiệp số, lấy khách hàng và người sử dụng điện làm trung tâm, cung cấp các dịch vụ trực tuyến, góp phần nâng cao tính minh bạch trong quan hệ với khách hàng, kết nối liên thông và vận hành thích ứng với nền kinh tế số, tham gia tích cực vào chương trình Chuyển đổi số quốc gia và cùng TP.HCM hoàn thành mục tiêu xây dựng đô thị thông minh vào năm 2030. 
 


  • 14/04/2021 09:47
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 5723