Kính thưa:
- Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
- Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương.
- Các vị lão thành ngành Điện
- Kính thưa các quý vị đại biểu
- Kính thưa các vị khách quý
Trước hết, cho phép tôi thay mặt tập thể lãnh đạo và CBCNV của Tập đoàn Điện lực Việt Nam xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ,ban ngành trung ương và địa phương, các đồng chí cán bộ lão thành, các quý vị đại biểu, các vị khách quý đã tới dự Lễ kỷ niệm 20 năm ĐZ 500 kV Bắc – Nam hôm nay.
Kính thưa các quý vị đại biểu;
Kính thưa các vị khách quý
Cách đây hơn 20 năm, vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đất nước chúng ta ở trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nền kinh tế manh mún, lạc hậu, khủng hoảng nghiêm trọng – hậu quả của những năm dài chiến tranh; sản xuất không phát triển do chính sách cấm vận, do cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giao thông, điện, viễn thông yếu kém, đời sống của nhân dân rất khó khăn. Trong bối cảnh đó, kế thừa những chính sách đổi mới của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII năm 1991 của Đảng đã đề ra mục tiêu ”Sớm đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, phấn đấu vượt qua tình trạng nước nghèo và kém phát triển, cải thiện đời sống của nhân dân, củng cố quốc phòng và an ninh, tạo điều kiện cho đất nước phát triển nhanh hơn vào đầu thế kỷ XXI. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đến năm 2000 tăng khoảng gấp đôi so với năm 1990”, trong đó đề ra các các chỉ tiêu giai đoạn 1991- 1995 như tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt từ 10% đến 11%, GDP tăng từ 6% đến 6,5%,..
Để thực hiện các mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu lúc đó là phải phát triển cơ sở hạ tầng điện lực, đảm bảo năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội. Vào thời gian đó, hệ thống điện của đất nước chúng ta còn bị chia cắt: Miền Bắc có một số nhà máy điện lớn như nhà máy nhiệt điện Uông Bí, Phả lại, Ninh Bình; Nhà máy thuỷ điện Thác Bà, và đặc biệt là nhà máy thuỷ điện Hoà Bình với công suất gần 2000 MW mới đưa vào khai thác… ở Miền Trung hầu như chưa có một nhà máy điện lớn nào, còn Miền Nam, khu vực kinh tế năng động của Đất nước chỉ có nhà máy thuỷ điện Đa Nhim, Trị An, và một số nhà máy nhiệt điện như Thủ đức, Trà nóc. Trong điều kiện đó các nhà máy điện khu vực miền Bắc không phát huy được tối đa công suất do nhu cầu thấp; khu vực miền Nam có nhu cầu điện rất lớn trong khi nguồn cung lại thiếu, dẫn đến việc cắt điện luân phiên hoặc đột xuất hầu như xảy ra tất cả các ngày trong tuần.
Với áp lực cấp điện cho miền Nam, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Năng lượng khi đó, Công ty Khảo sát Thiết kế điện 1 (nay là Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 - PECC1) đãchủ trì với sự tham gia của các đơn vị tư vấn điện khác đã hoàn thành luận chứng kinh tế kỹ thuật và thiết kế kỹ thuật Dự án đưa điện từ Miền Bắc vào Miền Nam bằng đường dây siêu cao áp 500 kV. Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau của các nhà khoa học trong và ngoài nước về kỹ thuật, về thời gian xây dựng và hiệu quả kinh tế của dự án, nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, tinh thần dám nghĩ, dám làm, tất cả vì sự phát triển của đất nước, đội ngũ các nhà quản lý, kỹ sư ngành điện đã chứng minh Dự án hoàn toàn khả thi về mặt kinh tế, kỹ thuật.
Với sự quyết tâm của cả đất nước quyết mang dòng điện từ Miền Bắc vào Miền Nam; trên cơ sở những kết quả nghiên cứu toàn diện, khách quan, khoa học Bộ Chính trị đã thông qua chủ trương thực hiện dự án vào tháng 1/1992 và sau đó Chủ tịch HĐBT (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã có Quyết định số 61/CT ngày 25/2/1992phê duyệt Luận chứng kinh tế - kỹ thuật với mục tiêu hoàn thành dự án trong vòng 2 năm, truyền tải khoảng 2 tỷ kWh/năm vào Thành phố Hồ Chí Minh với công suất Max là 600 MW - 800 MW; làm tiền đề liên kết thống nhất lưới điện cả 3 miền bằng cấp điện áp 500 kV.
Kính thưa các Quý vị đại biểu
Kính thưa các vị khách quý
Ngày 5/4/1992 được đánh dấu là một mốc son trong sự phát triển của hệ thống truyền tải điện Việt Nam. Tại các vị trí móng số 54, 852, 2702, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát lệnh khởi công xây dựng Công trình đường dây 500 kV Bắc Nam,mở ra một công trình có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển của ngành điện Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chinh phủ, Bộ Năng lượng khi đó, sự quyết tâm cao độ và sức lao động bền bỉ, tận tụy của tập thể cán bộ, lãnh đạo Ban QLDA, các cán bộ kỹ sư thiết kế, các Công ty Xây lắp điện 1,2,3,4, Tổng công ty Sông Đà và hỗ trợ rất lớn từ lực lượng quân đội như Binh đoàn 12, Binh đoàn 15, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân đoàn 1, Quân đoàn 3, sự giúp đỡ và tạo điều kiện về mọi mặt của chính quyền và nhân dân 17 tỉnh, thành phố mà đường dây đi qua, và nhiều đơn vị khác một khối lượng công việc rất lớn đã được thực hiện trong thời gian rất ngắn, cụ thể:
- Đã thực hiện khối lượng khảo sát với khoảng 2.000 km khảo sát đo vẽ địa hình lập mặt cắt dọc, 500 km lập mặt cắt dọc pha; 200ha phục vụ đo bình đồ tỉ lệ 1/200 tại các góc lái; 5.200m khoan thăm dò ở các vị trí có nguy cơ sạt lở; thí nghiệm khoảng 15.000 mẫu đất đá,.. trên tổng chiều dài 1.487 km đường dây và 5 trạm biến áp.
- Đối với đường dây: Đã đào đúc và lắp dựng 3.437 cột tháp sắt (trong đó có 12 vị trí đảo pha); căng 1.487 km dây dẫn (mỗi pha 4 dây) và dây chống sét (hai dây chống sét, trong đó 1 dây có mang dây cáp quang); xây dựng 22 trạm lặp cáp quang, 19 chốt vận hành đường dây; đổ 280.000 m3 bêtông móng với 23.000 tấn cốt thép; 60.000 tấn cột điện, 23.000 tấn dây dẫn và 930 tấn dây chống sét; 6.300 tấn cách điện.
- Trạm biến áp: Đã xây dựng 5 trạm Hòa Bình, Hà Tĩnh (trạm bù), Đà Nẵng, Pleiku, Phú Lâm. Giai đoạn 1 (5/1994) lắp đặt 1 MBA 500kV- 3x150MVA tại trạm Hòa Bình và 1 MBA 500kV- 3x150MVA tại trạm Phú Lâm. Đến tháng 9/1994, lắp đặt thêm 3 MBA 500kV- 3x150MVA tại các trạm Hòa Bình, Phú Lâm, Đà Nẵng và đến tháng 11/1994, lắp đặt thêm 1 MBA 500kV- 3x150MVA tại trạm Pleiku.
Những nỗ lực, cố gắng trong trên 700 ngày đêm của hàng chục ngàn cán bộ công nhân lao động cuối cùng đã được đền đáp: vào 19 giờ 6 phút ngày 27/5/1994, tại Trung Tâm Điều Độ Hệ thống điện Quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện Miền Nam với 4 tổ máy của NMTĐ Hòa Bình tại trạm Đà Nẵng qua đường dây 500 kV, chính thức đưa hệ thống 500 kV vào vận hành.
Như vậy Dự án đường dây 500 kV Bắc Nam đã được hoàn thành sau 2 năm thi công đảm bảo đúng tiến độ đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt với tổng giá trị quyết toán là 5.488,39 tỷ đồng (tương đương 544 triệu đô la Mỹ), thấp hơn 225,59 tỷ đồng so với TKKT-TDT.
Việc đưa vào vận hành đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 đã giải quyết căn bản tình trạnh thiếu điện của miền Nam và miền Trung. Điện thương phẩm của toàn quốc tăng từ 5-6% giai đoạn 1990-1992 lên 18,2% giai đoạn 1993-1997 với đỉnh điểm là 21% năm 1995, trong đó khu vực miền Trung và miền Nam là 21% giai đoạn 1993-1997 và năm 1995 là 25%, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước. Tốc độ tăng trưởng GDP đã tăng từ 5,1% vào năm 1990 lên 9,5% vào năm 1995, trong đó tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt từ 12% đến 14% trong giai đoạn 1990-1995, vượt các chỉ tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã đề ra.
Kính thưa các quý vị đại biểu
Kính thưa các vị khách quý
Sau hơn 10 năm vận hành đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1, ngày 23/9/2005 ngành điện Việt Nam một lần nữa đã hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 2. Với việc đưa vào vận hành 2 mạch đường dây 500 kV Bắc - Nam đã giải quyết cơ bản tình trạng quá tải khai thác NMTĐIaly (720MW) và cùng với các giải pháp khác đã giải quyếtthiếu điện rất lớn ở miền Bắc và đặc biệt là Hà Nội vào giai đoạn 2005-2008mà theo tính toán trong trường hợp có sự cố hay sửa chữa đường dây mạch 1, hệ thống điện miền Bắc sẽ phải sa thải một lượng công suất từ 1.150 MW đến 1.300 MW và lượng phụ tải cần sa thải có thể chiếm tới 30-34% công suất hệ thống điện miền Bắc nếu không có mạch 2.
Qua 20 năm vận hành đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 và gần 10 năm đường dây 500kV mạch 2, mặc dù công trình đi qua nhiều địa hình khó khăn và hiểm trở nhưng những CBCNV truyền tải luôn đảm bảo hệ thống lưới điện truyền tải Bắc - Nam được thông suốt, các chỉ tiêu suất sự cố và thời gian ngừng cung cấp ở mức thấp hơn so với thiết kế và kế hoạch giao. Đến nay, cùng với đường dây 500 kV mạch 2, lượng công suất truyền tải trên 2 mạch đường dây đảm bảo vận hành 1.600-1.800 MW với sản lượng truyền tải trên 12 tỷ kWh/năm, cao gấp 6 lần so với thiết kế ban đầu khi đường dây mạch 1 đưa vào vận hành.
Kính thưa các quý vị đại biểu
Kính thưa các vị khách quý
Nhìn lại 20 năm trước, khi đường dây 500 kV mạch 1 được đưa vào vận hành, hệ thống lưới điện truyền tải của nước ta có quy mô còn khiêm tốn, với 1.487 km đường dây 500 kV, 1.913,7 km đường dây 220 kV, 1.350 MVA dung lượng MBA 500 kV và 2.305 MVA dung lượng MBA 220 kV. Đến hết 31/12/2013 khối lượng lưới điện truyền tải đã có bước tăng trưởng vượt bậc với quy mô 20 trạm biến áp 500kV, 78 trạm 220 kV, khối lượng đường dây 500 kV tăng 3,72 lần, đường dây 220 kV tăng 6,18 lần, dung lượng trạm biến áp 500kV tăng 14,3 lần và dung lượng trạm biến áp 220 kV tăng 11,8 lần. Và đặc biệt, ngày 5/5/2014 đã hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành ĐZ 500 kV Pleilu - Mỹ Phước - Cầu Bông với quy mô hai mạch dài 437,5 km. Việc đưa vào vận hành đường dây 500 kV Pleilu - Mỹ Phước - Cầu Bông đã tăng khả năng truyền tải đoạn từ Pleiku vào miền Nam lên 2.300 MW ngay khi đưa vào vận hành để đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Nam, làm cơ sở để hình thành hệ thống liên kết lưới điện truyền tải 500 kV của khu vực trong tương lai.
Đến nay lưới điện truyền tải quốc gia đã phát triển đến 61/63 tỉnh, thành, các trạm biến áp 500-220 kV đã được xây dựng và đưa vào vận hành ở 57/63 tỉnh, thành. Hệ thống lưới điện 500 kV không chỉ đóng vai trò liên kết lưới điện các miền, đấu nối các nhà máy điện vào hệ thống mà đã được hoàn thiện tạo thành các mạch vòng quan trọng, để đảm bảo cung cấp điện cho các thành phố lớn và trọng điểm kinh tế của đất nước như: mạch vòng 500 kV Phú Mỹ - Sông Mây - Tân Định - Phú Lâm - Nhà Bè ở miền Nam; Sơn La - Hiệp Hòa - Quảng Ninh - Thường Tín - Nho Quan - Hòa Bình ở miền Bắc. Lưới điện truyền tải đã đưa vào vận hành với công nghệ ngày càng hiện đại như đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, cáp ngầm đến 220 kV, trạm GIS 220 kV, hệ thống điều khiển tích hợp bằng máy tính,..
Kính thưa các quý vị đại biểu
Kính thưa các vị khách quý
Trong 20 năm qua, cùng với việc đầu tư phát triển hệ thống lưới điện truyền tải mà trục sương sống là 2 mạch đường dây 500 kV Bắc Nam,Tập đoàn Điện lực Việt Nam với trách nhiệm là doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong việc bảo đảm an ninh cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước đã chủ động, tích cực đầu tư phát triển các nhà máy điện, mở rộng lưới điện tới mọi miền của đất nước. Cụ thể
- Đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành hàng chục nhà máy thuỷ điện, trong đó nhà máy Thủy điện Sơn La với quy mô 2.400MW là công trình thủy điện có quy mô lớn nhất Đông Nam Á; Nhiều trung tâm nhiệt điện lớn đã và đang được xây dựng và đưa vào vận hành như TTĐL Vũng Áng, Vĩnh Tân, Mông Dương, Duyên Hải,.. Đến nay, toàn hệ thống điện đã có tổng công suất đặt của các nhà máy điện là 31.527 MW, tăng 7 lần so với thời điểm thành lập Tập đoàn, lần đầu tiên sau nhiều năm hệ thống đã có dự phòng về nguồn điện.
- Tập đoàn đã đưa điện lưới quốc gia tới 100% số huyện, 99,23% số xã, 98,2% số hộ dân (97,53% là hộ dân nông thôn). Đặc biệt EVN đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến các huyện đảo Cát Hải, Vân Đồn, Phú Quốc, Cô Tô và cuối năm sẽ đưa điện lưới quốc gia tới huyện đảo Lý Sơn và huyện đảo Kiên Hải, biến giấc mơ trăm năm về cuộc sống tràn đầy ánh sáng của người dân trên đảo thành hiện thực;
- Điện thương phẩm 2013 đạt trên 115 tỷ kWh,tỷ lệ tổn thất cho truyền tải và phân phối đã giảm từ 21,4% vào thời điểm thành lập Tập đoàn (1995) xuống còn 8,87%năm 2013.
Những thành tựu trên là kết tinh lao động hăng say, sáng tạo của nhiều thế hệ cán bộ công nhân viên ngành điện, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lớp người đã quên mình, lăn lộn trong những ngày thi công xây dựng đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc Nam mạch 1.
Kính thưa các quý vị đại biểu
Kính thưa các vị khách
Đường dây 500 kV Bắc Nam mạch 1 được nhiều người biết tới với những kỷ lục mà ít công trình khác đạt được, đó là công trình mà ở đó các cấp có thẩm quyền đã đưa ra những quyết định nhanh nhất, táo bạo nhất; khảo sát thiết kế nhanh nhất, giải phóng mặt bằng nhanh nhất; thi công nhanh nhất, hiệu quả nhất và còn có thể còn nhiều cái nhất nữa, xứng đáng là một bản anh hùng ca của cán bộ công nhân viên ngành điện trong thời kỳ đổi mới. Công trình đã để lại nhiều bài học cho thế hệ cán bộ công nhân viên ngành điện sau này. Đó là những bài học về tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng, tất cả vì sự nghiệp chung; đó là bài học về tinh thần trách nhiệm dám nghĩ, dám làm vượt qua mọi khó khăn, thử thách; đó còn là bài học về sự đổi mới, dám từ bỏ những giáo điều, lạc hậu để tiến lên phía trước.
Trong bối cảnh hiện nay, đất nước nói chúng và ngành điện nói riêng đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn thì những bài học đó càng thấm thía hơn bao giờ hết. Là tập đoàn kinh tế lớn, Tập đoàn điện lực Việt Nam vẫn tiếp tục có sứ mệnh đóng vai trò nòng cốt trong việc đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển KTXH đất nước. Những thành tựu và bài học của Đường dây 500 kV Bắc Nam mạch 1 tiếp tục là nguồn động viên, cổ vũ và dẫn dắt CBCNV tập đoàn điện lực Việt Nam đi trên con đường phát triển, hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà Đảng và nhà nước giao phó.
Cuối cùng, nhân dịp này, cho phép tôi thay mặt tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã luôn quan tâm chỉ đạo đối với sự phát triển của Tập đoàn trong nhiều năm qua; Xin cảm ơn các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, chính quyền các địa phương các cấp; các đối tác trong và ngoài nước, các cơ quan truyền thông đã luôn hỗ trợ, phối hợp, giúp đỡ để Tập đoàn điện lực Việt Nam hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, tôi xin bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc các thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân đã cống hiến sức lực, tài năng, trí tuệ cho sự hình thành và lớn mạnh của hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc – Nam và ngành điện Việt Nam.
Một lần nữa, xin kính chúc quý vị đại biểu và các đồng chí mạnh khỏe;
Xin trân trọng cảm ơn!