Chế độ lương bổng giữa hai loại doanh nhân
Chế độ lương bổng và cơ chế khuyến khích đội ngũ doanh nhân - lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay chưa hợp lý, chưa thực sự công bằng.
Đối với các công ty ngoài nhà nước, lương của các doanh nhân được xây dựng dựa vào quy mô, hiệu quả hoạt động của công ty và vị trí, trách nhiệm của mỗi chức danh và tự họ quyết định mức lương. Ngoài lương, lãnh đạo còn được thưởng tỷ lệ % lợi nhuận vượt kế hoạch, có thêm quyền chọn mua cổ phiếu theo giá ưu đãi, nên mức thu nhập công khai của họ có thể gấp nhiều lần tiền lương. Tổng trị giá của số cổ phiếu công ty mà họ nắm giữ và tiền thưởng từ kết quả kinh doanh mới chính là động lực thúc đẩy các doanh nhân cố gắng sáng tạo, đổi mới và tìm các giải pháp phát triển bền vững doanh nghiệp. Một số doanh nhân – CEO như Steven Jobs, Mark Zuckerberg… đã đưa công ty của họ vươn lên trở thành hàng đầu thế giới, nhưng họ chỉ tự nhận mức lương tượng trưng 01 USD/năm vì có cơ chế này.
Ở Việt Nam, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai được trả lương năm 2011 là 240 triệu đồng/tháng, song ông chỉ xem nó là “thu nhập tượng trưng, không nhận không được”. So với trị giá gần 6.390 tỷ đồng từ số cổ phiếu HAG của ông Đức nắm giữ tính đến hết năm 2013, thì số tiền lương cả năm khoảng 2,88 tỷ của ông chẳng thấm vào đâu.
Năm 2013, Đại hội Cổ đông của Công ty REE có nghị quyết thưởng cho HĐQT và Ban Điều hành của Công ty 30% tổng lợi nhuận vượt kế hoạch. Hết 3 quý, lợi nhuận trước thuế của REE đã vượt 29% kế hoạch cả năm, nên lương và thù lao trung bình mỗi thành viên Ban giám đốc là 2,34 tỷ đồng/người; HĐQT 577 triệu đồng/người. Trung bình, bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, được nhận ít nhất 2,9 tỷ đồng tiền lương, thưởng và thù lao trong 9 tháng đầu năm 2013. Kết quả kinh doanh tốt, thị giá REE tăng 15.000 đồng/cp sau 01 năm, tổng giá trị cổ phiếu của gia đình bà Mai Thanh có thêm khoảng 400 tỷ đồng(1) .
Nhưng khi công ty tư nhân hoạt động không hiệu quả, lãnh đạo Công ty không chỉ mất thưởng mà còn bị giảm lương, thậm chí bị miễn nhiệm hay sa thải. Chẳng hạn, doanh nhân Nguyễn Quốc Cường là Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) chỉ lĩnh lương mỗi tháng 03 triệu đồng trong năm 2013.
Chế độ lương, thưởng của lãnh đạo các DNNN lớn vẫn không khác nhiều với lương công chức vì ít dựa vào kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh nên khá ổn định, nhưng thiếu công bằng và khoa học. Ví dụ, thu nhập (lương và thù lao) của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) 65,8 triệu đồng/tháng, vào loại cao so với thu nhập của lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước. Đây là mức thu nhập đã tính cả hệ số lương, thưởng vì mức lương cơ bản cao nhất của lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước do Chính phủ quy định tại Nghị định 51/2013 chỉ là 36 triệu đồng/tháng. So với mức lương tháng cơ bản hiện nay và so với thang lương công chức thì mức trên là rất cao. Nhưng nếu so với quy mô nộp ngân sách hơn 190 nghìn tỉ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 62,8 nghìn tỉ đồng, gấp hàng chục lần so với các chỉ tiêu tương ứng của HAG, của REE, trong khi chỉ được nhận lương bằng khoảng 1/4 mức lương của lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân thì liệu đã có công bằng, hợp lý?
Nhưng điều bất hợp lý hơn là quy định trả thù lao cho lãnh đạo DNNN dù đạt hiệu quả cao cũng không được vượt quá 0,5 lần mức lương cơ bản của chức danh tại điều 6 tại Nghị định 51/2013/NĐ-CP (2). Ví dụ, nếu Chủ tịch PVN có thực hiện vượt kế hoạch lợi nhuận 10 tỷ hoặc 10.000 tỷ đồng thì lương của ông/bà này cũng chỉ được tăng thêm tối đa 36 triệu x 0,5 lần, tức là tăng thêm 18 triệu đồng/tháng so với năm trước đó. Và, nếu DN có bị thua lỗ thì lương của Chủ tịch bị cắt giảm đến đáy vẫn là 36 triệu đồng/ tháng.
Đối với đa số nguồn nhân lực của các DNNN là công nhân viên và những người không có chức vụ thì nguồn thu nhập của họ chủ yếu từ lương. Nếu quy định lương, thưởng theo quan điểm và cách làm của Nghị định 51/2013 thì rất khó khuyến khích, tạo động lực làm việc cho CBCNV. Nếu DNNN nào có thể trả lương cao “vượt khung” thì dư luận sẽ đặt câu hỏi: DN này xin được, hay đã “xé rào” để có một chế độ đãi ngộ riêng cho CBCNV, cao hơn cả các DN cạnh tranh ngoài khu vực nhà nước? Lương cao, văn hoá doanh nghiệp mạnh là thứ vũ khí sắc bén để các DNNN tập hợp được đội ngũ CB hùng mạnh, chiến thắng trên thương trường trong và ngoài nước.
Ảnh minh họa
|
Cần học tập cách sử dụng và đãi ngộ doanh nhân
Tuổi nghỉ hưu cán bộ lãnh đạo DNNN hiện nay cũng như công chức là 60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ. Sự bất bình đẳng giới hiện hữu ở chính cái quy định cán bộ nữ phải được quy hoạch, bổ nhiệm và về hưu sớm hơn cán bộ nam 5 tuổi. Nếu là một công chức bình thường, nghỉ hưu ở độ tuổi trên là hợp lý, nhường chỗ cho người giỏi hơn. Nhưng nếu là một doanh nhân – lãnh đạo DN xuất sắc, còn đủ đức, trí, thể, phát ở lứa tuổi trên, theo chính sách họ phải nghỉ hưu, thì đó là sự lãng phí lớn.
Tạp chí kinh doanh nổi tiếng Forbes mới đây đã công bố danh sách “Những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2014”, trong danh sách 48 người được bình chọn, tôn vinh thì Việt Nam có 3 doanh nhân và họ đều đã quá tuổi nghỉ hưu theo chế độ từ 4 đến 6 năm. Chủ tịch kiêm CEO Vinamilk - bà Mai Kiều Liên, sinh năm 1953 (61 tuổi), được xếp thứ 23; Chủ tịch kiêm CEO của Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) – bà Nguyễn Thị Mai Thanh, 62 tuổi, xếp thứ 28 và Chủ tịch Ngân hàng SeABank và Tập đoàn BRG – bà Nguyễn Thị Nga, 60 tuổi, xếp thứ 29. Đây là lần thứ 3 bà Mai Kiều Liên được Forbes vinh danh với nhận xét: “Doanh nhân Mai Kiều Liên không những đã xây dựng Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận nhất mà còn được kính trọng trên khắp châu Á”.
Trở thành một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á, 3 nữ doanh nhân nước ta có quyền tự hào sánh vai với các nữ lãnh đạo của những tập đoàn nổi tiếng trên thế giới như HSBC, Singapore Telecom, Temasek, Morgan Stanley, Huyndai, Nomura, JP Morgans, Horizons Ventures; trong đó có người giàu nhất nước Úc là bà Gina Rinehart, thủ lĩnh về khai thác mỏ ở Perth và bà Hyun Jeong-Eun, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc… Bà Mai Kiều Liên chưa có ý định nghỉ hưu mà còn đang say sưa với kế hoạch đưa Vinamilk trở thành tập đoàn đa quốc gia và lọt vào top 50 doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017 với doanh thu 3 tỷ USD/năm. Chúng ta có doanh nhân Mai Kiều Liên xuất sắc ngày hôm nay vì Vinamilk đã được cổ phần hoá, nếu không bà đã phải nghỉ hưu từ 5 - 6 năm trước.
Qua quá trình hoạt động của các doanh nhân tiêu biểu như, bà Liên, bà Thanh, bà Nga, bà Thuận (Công ty Traphaco), bà Tư Hường (Công ty Hoàn Cầu)…và nhiều nữ và nam doanh nhân thành đạt khác, có thể rút ta nhận xét: Xây dựng và quản trị đội ngũ doanh nhân ở nước ta là một nhiệm vụ chính trị - kinh tế rất quan trọng, cấp bách, nhưng từ nhận thức, cơ chế, chính sách đến giải pháp thực hiện còn nhiều bất cập, nhất là đối với đội ngũ doanh nhân trong khu vực DNNN. Chính khu vực kinh tế dân doanh hiện nay đang sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý có hiệu quả và bền vững hơn khu vực DNNN. Vì vậy, Nhà nước cần học tập cách sử dụng, và đãi ngộ doanh nhân. Mặc khác, cán bộ lãnh đạo, quản trị DNNN hiện nay cần tự giác chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cổ phần hoá, phấn đấu trở thành những doanh nhân – lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc của đất nước, sánh vai với các doanh nhân có tầm ảnh hưởng – quyền lực nhất khu vực và thế giới.
Chú giải:
(1) Phân tích của Công ty Chứng khoán Trí Việt: https://www.tvsc.vn/?tvsc=4-43106-ree-9-thang-vuot-29%-ke-hoach-nam-ba-mai-thanh-da-cham-tay-vao-khoan-thuong-khong-lo
(2) Nghị định 51/2013/NĐ-CP, ngày 14/5/2013 Quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu