Quan trọng vẫn là người lao động phải biết tự bảo vệ mình

Mỗi người lao động phải nâng cao ý thức tự giác, phát huy các quyền và nghĩa vụ của mình trong công tác  ATLĐ và PCCN. Đó là mục tiêu mà Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) đặt ra khi thực hiện chương trình hành động “Năm văn hóa an toàn và kỷ luật lao động”. Để hiểu rõ hơn, Phóng viên Tạp chí Điện lực có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tiệp, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty.

Ông Nguyễn Văn Tiệp

PV: Vì sao EVN NPC chọn năm 2014 là “Năm văn hóa an toàn và kỷ luật lao động”, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tiệp: Năm 2013, mặc dù toàn Tổng công ty đã có nhiều giải pháp trong công tác an toàn lao động, nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Phân tích nguyên nhân các vụ TNLĐ cho thấy, lỗi chủ yếu là do chủ quan, vi phạm quy trình, quy phạm của người quản lý và người lao động trong phân công cũng như thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chính vì vậy, cuối năm 2013, Tổng giám đốc và Ban thường vụ Công đoàn Tổng công ty đã ban hành nghị quyết về chương trình hành động “Năm văn hóa an toàn và kỷ luật lao động” trong năm 2014 với mục tiêu là không để xảy ra tai nạn lao động và sự cố cháy nổ trong sản xuất kinh doanh do chủ quan của người lao động và người quản lý.

PV: Trọng tâm của chương trình hành động này là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tiệp: Một trong những trọng tâm của chương trình là tuyên truyền, giáo dục cho người lao động nâng cao ý thức chấp hành nghiêm quy trình, quy phạm về an toàn, kỷ luật lao động và khuyến khích người lao động phát huy quyền làm chủ của mình trong công tác an toàn lao động và phòng chống cháy nổ. Đặc biệt là quyền được từ chối làm việc khi các biện pháp an toàn cho người lao động không được đảm bảo.

Ngay từ đầu năm, mỗi đơn vị trong trong Tổng công ty đều thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình hành động này do Lãnh đạo đơn vị làm Trưởng ban. Đối với người lao động, chúng tôi yêu cầu phải ký cam kết thực hiện 4 nội dung: (1) Có đủ sức khỏe, hiểu rõ nội dung công việc trước khi thực hiện; (2) Kiểm tra hiện trường: Cắt điện, thử hết điện, tiếp địa, treo biển báo an toàn; (3) Kiểm tra trang bị bảo hộ lao động, dây lưng an toàn, guốc trèo khi làm việc trên cao; (4) Từ chối làm việc, nếu chưa hiểu biết và không đảm bảo các điều kiện về an toàn.

4 nội dung này đã được in thành tấm thẻ nhỏ, có thể cất giữ trong túi áo, người lao động luôn mang theo. Nếu kiểm tra mà không “xuất trình” được thì cũng là lỗi vi phạm do chủ quan bởi chúng tôi muốn nhắc người lao động luôn ghi nhớ đó là 4 điều bảo vệ tính mạng của chính họ.

PV: Đến thời điểm này, chương trình hành động “Năm văn hóa an toàn lao động và kỷ luật lao động” của Tổng công ty đã phát huy hiệu quả như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tiệp: Về cơ bản, chúng tôi đã chặn đứng được các nguy cơ gây tai nạn, không để xảy ra tai nạn lao động chết người do chủ quan. Trong 7 tháng đầu năm, số vụ tai nạn liên quan đến lưới điện trong toàn Tổng công ty giảm trên 83%.

PV: Mặc dù người lao động có quyền từ chối nhiệm vụ nếu không đảm bảo an toàn, nhưng thực tế có những trường hợp vì “sợ” người quản lý nên không dám từ chối. Ông đánh giá thế nào về những trường hợp này?

Ông Nguyễn Văn Tiệp: Thực tế những trường hợp đó là có thật. Người lao động, vì nhiều lý do khác nhau như, sợ mất việc làm, sợ bị trừ lương, thưởng hằng tháng, sợ bị “trù”, bị “soi”, nên dù biết rõ các nguy cơ gây mất an toàn lao động, nhưng họ không dám từ chối thực hiện công việc.

Do đó, chúng tôi khuyến khích người lao động phải dũng cảm phản ánh những tồn tại đó, kể cả phản ánh vượt cấp. Chúng tôi muốn xây dựng thành một trào lưu trong tập thể người lao động của Tổng công ty vì tính mạng của chính họ.

Về phía Tổng công ty, chúng tôi kiên quyết xử lý trách nhiệm các tập thể, người đứng đầu các cấp và các cá nhân vi phạm quy trình, quy phạm an toàn, để xảy ra tai nạn lao động do chủ quan.

PV: Thực tế đã xảy ra những trường hợp rủi ro do người lao động tự ý đi làm công việc mà không có Phiếu công tác, lệnh công tác và không nằm trong kế hoạch công tác của đơn vị. Theo ông, trách nhiệm của đơn vị về những trường hợp này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tiệp: Trong những trường hợp này rất khó quy trách nhiệm cho đơn vị quản lý. Tôi cho rằng, những rủi ro đáng tiếc ấy, xét cho cùng là vì bản thân người lao động mới chỉ nhận thấy lợi ích trước mắt mà coi nhẹ tính mạng mình.

Do đó, đứng ở góc độ của tổ chức công đoàn, chúng tôi cho rằng, không có giải pháp nào tốt hơn là tuyên truyền, giáo dục thật tốt, để người lao động luôn có ý thức tự bảo vệ mình.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!
 


  • 23/09/2014 09:02
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 2692


Gửi nhận xét