Để lực lượng AT- VSV hoạt động hiệu quả hơn

EVN và các đơn vị trực thuộc cần làm gì để mạng lưới an toàn vệ sinh viên  (AT-VSV) hoạt động hiệu quả hơn? Đó là chủ đề Hội thảo do Công đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức. PV Tạp chí Điện lực lược ghi ý kiến của một số đại biểu tham dự.

 

 

Ông Đặng Hoàng An – Phó tổng giám đốc EVN: Sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu đơn vị

Người đứng đầu đơn vị sẽ bị xử lý nghiêm nếu để xảy ra tình trạng vi phạm an toàn lao động, hoặc không tạo điều kiện cho công đoàn cơ sở hoạt động trong lĩnh vực này, không tạo điều kiện cho AT- VSV thực hiện nhiệm vụ...
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu đơn vị xảy ra tai nạn lao động, chứ không phải khi đã xảy ra tai nạn lao động chết người mới bị xử lý.
Đối với lực lượng AT-VSV, nếu người này làm chưa tốt thì anh em có quyền bầu người khác làm tốt hơn, có trách nhiệm hơn, nhiệt tình hơn. Đây là lực lượng mang tính quần chúng và dân chủ.

 

 

 

Ông Trần Văn Ngọc – Nguyên Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam: Tổ chức công đoàn phải làm tốt vai trò của mình

Mạng lưới AT- VSV được coi là "cánh tay nối dài" của tổ chức Công đoàn trong việc kiểm tra, giám sát về an toàn bảo hộ lao động. Tổ chức Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở cần phải làm tốt hơn vai trò của mình, tăng cường quản lý và chỉ đạo hoạt động của mạng lưới AT-VSV cấp cơ sở.
Trong đó, phải làm tốt vai trò giám sát, kiểm tra, kiến nghị những bất hợp lý trong quy chế hoạt động của mạng lưới, từ môi trường làm việc - vệ sinh lao động, kế hoạch bảo hộ lao động hàng năm đến ý thức, trách nhiệm của  người lao động. Phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban an toàn của đơn vị, tăng cường kiểm tra thực hiện quy trình, quy phạm an toàn, đảm bảo đầy đủ các điều kiện an toàn cho người lao động khi giao việc.
Người đảm nhận công việc của AT- VSV luôn phải có tâm, có nhiệt huyết, trách nhiệm cao thì hoạt động mới hiệu quả, nếu không sẽ chỉ là hình thức và sẽ rất lãng phí .

 

 

 

 

 

Ông Nguyễn Đắc Cường – Phó chủ tịch Công đoàn Công ty Thủy điện Sơn La: Không bỏ qua dù là kiến nghị nhỏ

Công ty Thủy điện Sơn La hiện có 31 AT-VSV ở các tổ sản xuất. Theo chúng tôi ,những kiến nghị của  AT-VSV về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ là rất sát thực, thậm chí rất nhỏ nhưng đều có giá trị lớn đối với Công ty. Chẳng hạn, một ống cống không có nắp đậy hay hành lang cáp không có biển báo, không có lan can, có thể dẫn đến tai nạn lao động, cần có kiến nghị xử lý ngay.
Chính những kiến nghị “nhỏ bé” đó lại được Công ty đánh giá rất cao vì góp phần quan trọng trong việc hoàn thành xuất sắc, toàn diện các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh  hàng năm của đơn vị, trong đó, tiêu chí đảm bảo an toàn cho người lao động  và thiết bị luôn là một trong những tiêu chí hàng đầu.
 

 

 

 

 

Ông Trần Doãn Thành – Phó chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Phát điện 1: Quan trọng nhất là người đứng đầu

Người đứng đầu ở đây bao gồm trưởng kíp/tổ, từ cấp phân xưởng trở lên. Thực tế cho thấy, dù tổ chức Công đoàn hoạt động tốt, bài bản đến đâu nhưng nếu không có sự quan tâm đúng mức của người đứng đầu các cấp, hoạt động của mạng lưới AT- VSV cũng không thể đạt hiệu quả cao.
Thứ hai, tổ chức công đoàn ở mỗi đơn vị cũng cần phải chủ động hơn trong việc đề xuất các cơ chế hoạt động cho đội ngũ AT-VSV, chủ động tổ chức các chương trình như tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức, hội thi, sơ kết, tổng kết… để nâng cao chất lượng của mạng lưới AT-VSV.

 

 

 


 

Mạng lưới an toàn vệ sinh viên của EVN

- Tổng số:  6.492 người

- Trình độ: 

(đơn vị tính: người)

 

Sau đại học

Đại học

Cao đẳng, trung cấp

Sơ cấp

20

707

2.300

3.465

 



 


  • 22/09/2014 03:35
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3121


Gửi nhận xét