Giải bài toán 400.000 hộ dân vùng sâu, vùng xa chưa có điện không dễ!

Trong 15 năm qua, EVN đã dành hơn 50.000 tỷ đồng (bình quân khoảng 3.300 tỷ đồng/năm) để thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn. Với những nỗ lực to lớn đó, bộ mặt nông thôn, miền núi, hải đảo trên cả nước đã có nhiều đổi mới nhờ dòng điện lưới quốc gia. Điểm lại 15 năm thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Lộc đã trao đổi cùng chúng tôi.

Ông Nguyễn Tấn Lộc - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam

PV: Được biết EVN đóng vai trò “lực lượng chủ lực” trong việc thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn, xin ông đánh giá khái quát những kết quả EVN đã làm được trong 15 năm qua?

Ông Nguyễn Tấn Lộc: Năm 1998 chúng ta đứng trước 2 thách thức lớn đó là: Hàng triệu hộ dân chưa có điện; chất lượng điện xuống cấp nghiêm trọng và giá điện đến các hộ dân nông thôn rất cao. Trước thách thức đó, EVN tham gia chương trình này với vai trò chủ lực để thực hiện đầu tư điện khí hóa nông thôn ở Việt Nam. Trong 15 năm qua, EVN đã huy động tất cả nguồn lực của ngành, nguồn vốn của chính phủ, vốn vay của các tổ chức tài chính kể cả sự đóng góp của địa phương và người dân để thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn. EVN đã dành tổng cộng hơn 50.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cho chương trình này. Những nỗ lực ấy đã có kết quả tốt đẹp. Nếu như năm 1998 cả nước có hơn 7 triệu hộ dân có điện, đạt tỷ lệ 62,5% thì đến cuối năm 2013 nước ta có hơn 16,2 triệu hộ dân có điện, đạt tỷ lệ 97,62% số hộ dân có điện. Nhiều xã trước đây có giá điện rất cao, tổn thất 30-35%, có nơi lên đến 75%, đến nay chất lượng được cải thiện rõ rệt, tổn thất ở lưới điện nông thôn chỉ trên dưới 10%. Để có những con số thay đổi ấn tượng ấy, EVN đã triển khai rất nhiều chương trình, dự án lớn như: Dự án Năng lượng nông thôn 1 đưa điện đến hơn 900 nghìn hộ dân; Chương trình “Điện cho đồng bào Tây Nguyên” với mục tiêu đưa điện về 1.300 thôn, bản; Chương trình “Điện cho đồng bào Khơ-me” ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng với hơn 45.000 hộ dân có điện; chương trình đưa điện lưới quốc gia ra các huyện đảo như Cô Tô, Phú Quốc, Lý Sơn, tăng cường nguồn phát điện cho các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo… Có thể nói, đây là một kỳ tích mang tính xã hội, nhân văn rất lớn mà nhiều nước có nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam cũng chưa đạt được.

PV: Với bước tiến dài như vậy, ông có chia sẻ gì về những bài học kinh nghiệm được rút ra trong công tác điện khí hóa nông thôn trong 15 năm qua?

Ông Nguyễn Tấn Lộc: Theo tôi có 4 bài học chính trong việc thực hiện đưa điện về nông thôn trong 15 năm qua. Thứ nhất, đó là nhất quán thực hiện mục tiêu Nghị quyết của Đảng, các chính sách của Nhà nước và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành và chính quyền địa phương có chương trình điện nông thôn mà EVN thực hiện. Trong 15 năm ấy, từng thời kỳ Đảng và Chính phủ có Nghị quyết chỉ đạo sát sao, trên cơ sở đó các Bộ ngành có nguồn vốn hỗ trợ, nguồn vốn ODA, nguồn ngân sách để giúp EVN thực hiện chương trình này.

Thứ 2, đó là sự chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ về việc giao cho một Tập đoàn kinh tế nhà nước đứng ra làm lực lượng chủ lực để thực hiện chương trình - đó là EVN. Chính phủ đã ban hành các quy định phân định trách nhiệm rõ ràng thực hiện trong từng thời kỳ, từng giai đoạn để thực hiện cho phù hợp với từng địa phương, từng vùng miền. EVN đã nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp, có sự phân định trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa Tập đoàn và UBND các tỉnh, kể cả người dân được hưởng lợi từ dự án cùng tham gia theo đúng phương châm “Nhà nước và nhân dân; Trung ương và địa phương cùng làm”.

Thứ 3, đó là sự chia sẻ chi phí của các bên cùng tham gia chương trình này. Có chương trình EVN đầu tư đến các TBA còn địa phương đầu tư phần hạ áp. Hay EVN đầu tư các phần đường dây các TBA nhưng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng thì địa phương và nhân dân cùng tham gia, góp phần cho đảm bảo tiến độ của dự án cũng như giảm được chi phí cho đầu tư.

Cuối cùng, đó là có sự ưu tiên trong đầu tư và có sự linh hoạt trong quá trình thực hiện.

Đưa điện về nông thôn là chủ trương lớn của EVN

PV: Trong quá trình thực hiện điện khí hóa nông thôn ở Việt Nam, ngoài nguồn vốn ngân sách, vốn của EVN, vốn của địa phương thì có một nguồn vốn rất quan trọng đó là nguồn vốn ODA của các tổ chức quốc tế. Xin ông cho biết nguồn vốn ODA này giữ vai trò ra sao trong việc hỗ trợ EVN thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn?

Ông Nguyễn Tấn Lộc: Trong 15 năm qua, tổng vốn ODA cho chương trình điện khí hóa nông thôn là gần 2 tỷ USD. Riêng đối với các dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ lên tới 1,2 tỷ USD. Đây là nguồn vốn rất quan trọng cho sự thành công của chương trình điện khí hóa nông thôn Việt Nam. Bên cạnh sự tài trợ bằng nguồn vốn ODA đó, WB còn tài trợ các dự án hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực quản lý dự án, tổ chức đấu thầu dự án, quản lý tài chính dự án, nâng cao năng lực quản lý vận hành. Có thể khẳng định vai trò của các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW)… đặc biệt là WB có đội ngũ cán bộ quản lý dự án, các chuyên gia của nhiều nước đã đến và giúp cho chương trình điện khí hóa nông thôn được thành công như ngày hôm nay.

PV: EVN đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành 100% kế hoạch đưa điện về các hộ dân nông thôn với nguồn điện ổn định. Chặng đường cuối chắc sẽ còn không ít gian nan, thưa ông?

Ông Nguyễn Tấn Lộc: Đúng. Chúng ta phải đương đầu với nhiều thách thức. Hiện vẫn còn gần 400.000 hộ dân vùng sâu, xa chưa có điện mà suất đầu tư cho những hộ này rất lớn (gấp 5-10 lần các hộ dân trước đây).

Bên cạnh đó, trong những năm vừa qua EVN đã tiếp nhận phần lưới điện hạ áp nông thôn của hơn 7.000 xã trước đây các địa phương quản lý. Vấn đề nâng cao chất lượng lưới điện và chất lượng điện cung cấp tại các xã này cũng đang là vấn đề phải làm ngay.

Thứ nữa đó là sự phát triển các vùng trồng cây thanh long, vùng nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long và điện ở các thôn, khe, bản biên giới đang rất cấp thiết. Vừa qua, EVN cũng được Chính phủ giao quản lý vận hành, cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội ở các huyện đảo Côn Đảo, Phú Quốc, Lý Sơn, Cô Tô, Phú Quý… Chính phủ đã yêu cầu EVN đến năm 2015 phải 98% số hộ dân nông thôn có điện và đến 2020 đạt 100% từ nguồn điện lưới quốc gia cũng như nguồn điện tại chỗ. Theo tính toán, từ nay đến năm 2020, cần đầu tư cho lưới điện nông thôn Việt Nam gần 3 tỷ USD – một lượng vốn rất lớn đối với EVN. Vì vậy, EVN mong muốn các tổ chức tài chính quốc tế tiếp tục tạo điều kiện về nguồn vốn ODA để EVN hoàn thành sứ mệnh điện khí hóa nông thôn của mình.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tổng hợp số xã và số hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia (từ 1998 – 2013):

Năm

Số xã

Tỷ lệ

Hộ dân

Tỷ lệ

1998

6.673/8.885

75,1%

7,111/11,384 triệu

62,5%

2013

9.002/9.086

99,08%

16,225/16,620 triệu

97,62%

 

Với nỗ lực to lớn của hệ thống chính trị, của toàn dân, chương trình điện khí hóa nông thôn đạt nhiều thành tựu. Tính đến hết năm 2013 đã có trên 97,6% số hộ dân cả nước có điện. Điều này có ý nghĩa hết sức to lớn trong mục tiêu phấn đấu một nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Phó thủ tướng Chính phủ
Hoàng Trung Hải


 


  • 27/08/2014 10:26
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 2743


Gửi nhận xét