Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, các loại sự cố trong hệ thống điện xảy ra khá đa dạng, trong đó đặc biệt có sự cố đứt dây rơi xuống đất nhưng bảo vệ rơle không tác động kịp thời. Đây là loại sự cố cực kỳ nguy hiểm, gây mất an toàn cao cho con người và thiết bị.
Tại Hội thảo, Phòng Điều độ Công ty đã trình bày cách tính toán, cài đặt rơle bảo vệ, đánh giá tình hình hoạt động của bảo vệ rơle hiện nay trong hệ thống điện Đắk Lắk. Có thể nhận thấy, nhiều trường hợp máy cắt không hoạt động, để sự cố duy trì lâu, tuy không để xảy ra tai nạn đáng tiếc nào, nhưng đây cũng là nỗi lo lắng của các điện lực. Trong đó, một số nguyên nhân có thể kể đến như: Trong quá trình sử dụng máy cắt, các công nhân trực tiếp làm công tác này còn thiếu kinh nghiệm trong việc sử dụng thiết bị; máy cắt qua quá trình vận hành có thể bị sai lệch vài thông số nhưng chưa được hiệu chỉnh kịp thời…
PC Đắk Lắk tổ chức Hội thảo về bảo vệ rơle trong hệ thống điện Đắk Lắk
|
Chính những nguyên nhân từ việc rơle không tác động kịp thời, Phòng Kỹ thuật sản xuất đã giới thiệu một số giải pháp bảo vệ đứt dây trong lưới điện trung áp có dòng điện chạm đất nhỏ. Trong đó, sự cố đứt dây chạm đất trở kháng cao (HIF) là dạng sự cố có dòng ngắn mạch nhỏ, dẫn đến bảo vệ quá dòng thông thường không thể tác động. Để phát hiện dạng sự cố này, có thể sử dụng các phương pháp như: Công nghệ phát hiện dòng hồ quang; phát hiện chạm đất dựa trên cơ sở các thành phần không đối xứng; xác định sự cố chạm đất tổng trở cao loại đứt dây dẫn theo điện áp đối với mạng hình tia. Ngoài ra còn một số giải pháp phát hiện sự cố HIF được áp dụng trên rơle SEL 451, phát hiện sự cố đứt dây dựa trên các điểm đo điện áp với mạng hình tia bằng việc kết hợp sử dụng công tơ điện tử hoặc máy cắt recloser như là các điểm đo điện áp. Bên cạnh đó, giải pháp báo mất pha lưới trung thế sử dụng thông qua điện thoại E-com đã được áp dụng thí điểm hiện nay cũng được giới thiệu tại Hội thảo. Tuy nhiên, hầu hết các giải pháp cần có nhiều thời gian để nghiên cứu, đánh giá trước khi đưa vào áp dụng trong thực tế sản xuất tại đơn vị.
Theo kết luận từ Hội thảo, đối với các điện lực khi xảy ra sự cố đứt dây, nhưng rơle không hoạt động kịp thời có thể đề xuất cụ thể về phòng Kỹ thuật Công ty hoặc trực tiếp lên Ban Giám đốc để được hướng dẫn, kiểm tra thiết bị. Bên cạnh đó, Công ty sẽ tiến hành ban hành quy trình vận hành thiết bị nhằm hướng dẫn chi tiết cách sử dụng, thao tác đối với các loại máy cắt, phổ biến kịp thời các thông tin liên quan để các đơn vị có cơ sở thực hiện tốt công tác này.