Bê tông đầm lăn và bản lĩnh thợ sông Đà

Thủy điện Sơn La hoàn thành, chuẩn bị khánh thành, ông Nguyễn Kim Tới – Phó TGĐ Tổng công ty  Sông Đà – Đơn vị tổng thầu và là Giám đốc Ban Điều hành công trình Thủy điện Sơn La ít nhiều được thảnh thơi hơn và cuộc trò chuyện giữa chúng tôi về sáng kiến mang tính đột phá “Bê tông đầm lăn” lại được nhắc đến…

Việc áp dụng công nghệ bê tông đầm lăn (RCC) là “con bài” chiến lược giúp Thủy điện Sơn La “về đích” sớm 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội. Đó là một kỳ tích, bởi với các công trình xây dựng trọng điểm quốc gia ở nước ta từ trước đến nay, hoàn thành đúng tiến độ đã là một thử thách lớn.

Khởi đầu nan…

Quay trở lại thời điểm dự án đầu tư xây dựng Thủy điện Sơn La được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phía tư vấn đề nghị áp dụng công nghệ bê tông đầm lăn (RCC). Theo đó, tiến độ đổ bê tông được rút ngắn 30% và như vậy tổng tiến độ cũng rút ngắn được 3 năm. Ông Tới cho biết: “Dù Sông Đà tự tin với bề dầy kinh nghiệm xây dựng thủy điện, nhưng với một công nghệ hoàn toàn mới mẻ đối với Việt Nam như thế này, chúng tôi không khỏi lo lắng”.

Khu vực trạm trộn bê tông đầm lăn của Nhà máy Thủy điện Sơn La - Ảnh Anh Vũ

Theo ông Tới, tiến độ đặt ra ở công trình Thủy điện Sơn La không đơn giản chút nào (cường độ bình quân khoảng 100 nghìn m3 bê tông/tháng, thi công liên tục trong gần 30 tháng), sức ép càng lớn hơn bởi đây là lần đầu tiên những người thợ xây dựng thủy điện Việt Nam áp dụng công nghệ này. Bản thân ông Tới trước khi bước chân vào điều hành cái “chảo lửa” đó, cũng chỉ một lần duy nhất sang đất nước Mi-an-ma để “mục sở thị” về đập thủy điện sử dụng bê tông đầm lăn của họ… Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, như ông Nguyễn Kim Tới chia sẻ là đứng trước mỗi thử thách, cần phải đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ. “Việc đó không quá khó khăn nhất là trong thời buổi công nghệ thông tin hiện đại này” - Ông chia sẻ.

Nỗi lo tiếp theo của ông là công nghệ càng cao thì quy trình thi công càng nghiêm ngặt, các điều kiện kỹ thuật càng phải đảm bảo một cách hoàn hảo nhất. Việc này còn liên quan đến vấn đề tiếp thu công nghệ và tác phong công nghiệp của đội ngũ công nhân thi công. Để chúng tôi hiểu rõ, ông lấy ví dụ: Quá trình trộn và đổ bê tông đầm lăn không được phép đứt đoạn, giả dụ nếu lớp đổ trước và lớp đổ sau chênh nhau 42 giờ, sẽ xuất hiện “khe lạnh” thì việc xử lý kỹ thuật mất rất nhiều thời gian và tốn kém bởi diện tích mỗi sân bê tông lên tới hàng nghìn m2,… Với quy trình nghiêm ngặt như vậy, bắt buộc các đơn vị thi công bê tông đầm lăn ở tất cả các khâu từ cấp nguyên liệu, trộn bê tông đến nhận bê tông thành phẩm và đầm, nén… đều phải phối hợp hết sức nhịp nhàng, ăn khớp và chính xác.

Phó tổng giám đốc Nguyễn Kim Tới nhận xét, bê tông đầm lăn ở Thủy điện Sơn La thành công phải kể đến yếu tố quan trọng là lựa chọn được dây chuyền thiết bị tốt. Tuy nhiên, ban đầu cũng gặp không ít khó khăn, nhất là giai đoạn đấu thầu thiết bị trạm trộn và lắp đặt băng tải. Do chi phí vật tư, thiết bị không ngừng tăng đã khiến dự toán bị thay đổi. Trước khi đối tác bàn giao máy, hệ thống băng chuyền lại gặp sự cố nghiêm trọng lúc vận hành thử nghiệm.

Các đơn vị của Tổng công ty Sông Đà tập trung thi công bê tông đầm lăn - Ảnh Hà Bắc

Thời gian đã ấn định thi công bê tông đầm lăn đập chính Sơn La phải lùi lại khoảng 2 tháng (dự kiến là tháng 11/2007) càng gia tăng sức ép lên toàn thể cán bộ, công nhân Sông Đà, bởi chẳng gì bất lợi hơn nếu phải thi công bê tông đầm lăn trong mùa mưa – ông Tới cho biết - tuy nhiên, tổng kết lại, may mắn là trong thời gian thi công đập bằng công nghệ RCC, tại công trình Thủy điện Sơn La dường như “trời cũng chiều lòng người” nên Sơn La ít mưa hơn hẳn các năm trước. Rồi ông nhận xét: Công trình Thủy điện Sơn La khởi đầu gian nan, nhưng càng về sau lại càng thuận lợi!

Mẻ bê tông đầm lăn đầu tiên

Vị giám đốc Ban Điều hành kể: Sản xuất bê tông đầm lăn quả thực là công phu, phải trải qua nhiều công đoạn thí nghiệm trong thời gian khá dài, có khi cả năm trời. Vừa thí nghiệm, vừa đào tạo công nhân. Đơn cử, công đoạn thí nghiệm hiện trường (bước sau cùng chuẩn bị cho đổ bê tông đầm lăn chính thức), cũng phải thi công tới vài nghìn khối theo đúng cường độ và thời gian quy định, sau đó là quá trình bảo dưỡng, vệ sinh,… và chờ ít nhất 3 tháng sau mới khoan lấy mẫu đưa vào phòng thí nghiệm để nén, kéo, đo đạc kiểm tra các thông số xem có đáp ứng yêu cầu thiết kế hay không.

Bản lĩnh của những người thợ Tổng công ty Sông Đà chính là việc làm tốt công nghệ xi măng đầm lăn - Ảnh Vũ Lam

Những mẻ bê tông đầu tiên xây dựng đập chính Thủy điện Sơn La diễn ra vào trung tuần tháng 1/2008. Tại thời điểm đó đã có những cơn mưa đầu mùa – đúng như lo ngại của ông Tới. Ông nhớ lại, khi vừa đổ được mấy lớp bê tông thì trúng một cơn mưa to. Do chưa có kinh nghiệm xử lý, nên bê tông bị chuyển sang khe lạnh. Lần ấy, cả quân cả tướng được phen lăn lộn tát bùn, chà đá, tạo nhám,… đến tận ngày 30 Tết dưới trời mưa rét buốt. Nhưng đó cũng là cái Tết duy nhất mà anh em công nhân thi công bê tông đầm lăn phải ở lại công trường, bởi sau đó họ đã nhanh chóng làm chủ được thiết bị và công nghệ và đảm bảo tiến độ thi công.

Do tốc độ đổ bê tông rất nhanh, nên các đơn vị thi công của Sông Đà phải làm việc liên tục, bất kể ngày đêm và thời tiết. Thậm chí, khi gió bão họ cũng phải căng bạt lên, chia ca kíp để làm việc 24/24h. Theo ông Tới, hầu hết bê tông đầm lăn ở Thủy điện Sơn La đều thi công ở khe nóng (điều kiện tốt nhất). Việc thi công diễn ra rất nhanh chóng, kết quả là sau 8 tháng họ đã lấp đầy khoảng thời gian bị trượt tiến độ ban đầu.

Bản lĩnh thợ Sông Đà 

Trên thực tế thì công nghệ RCC không những đã rút ngắn thời gian thi công, mà còn bảo đảm chất lượng, tiết kiệm tối đa chi phí cho dự án. Lớp RCC đầu tiên đã được Sông Đà thi công vào ngày 11/1/2008 và kết thúc vào ngày 25/8/2010 với tổng khối lượng tới gần 2,7 triệu m3. Đặc biệt, khối lượng thi công RCC bình quân đã đạt trên 100.000 m3/tháng (mức cao của thế giới so với các công trình tương tự). Trong khi đó, thi công bằng công nghệ bê tông trọng lực tại một số công trình thuỷ điện ở Việt Nam như Hòa Bình, Yaly, SeSan 3, SeSan 3A... đã áp dụng, khối lượng thi công chỉ đạt từ 45.000 - 55.000 m3/tháng.

Thi công bê tông đầm lăn gặp rất nhiều khó khăn trong điều kiện mưa gió và nắng gắt - Ảnh Anh Vũ

Các chuyên gia nước ngoài làm việc trên công trường rất khâm phục thành công của Việt Nam khi biết tin, ngay trong tháng đầu tiên Sông Đà đã đổ được 120.000 m3, tháng thứ 2 là 180.000 m3.

Tại công trình Thủy điện Sơn La, một lần nữa bản lĩnh, trí tuệ người thợ xây dựng Thủy điện Việt Nam lại được khẳng định. Bản lĩnh đó đã được thể hiện qua nhiều yếu tố. Ông Tới chia sẻ: “Trước hết là khả năng nắm bắt và làm chủ công nghệ cao, ý thức tổ chức và chấp hành kỷ luật nghiêm ngặt, sự sáng tạo, nỗ lực không ngừng trong phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật và trên hết đó là một tinh thần lao động quên mình của toàn thể các kỹ sư, công nhân trên công trường, sự đồng lòng nhất trí của tất cả các đơn vị thi công”.

Phó tổng giám đốc  Nguyễn Kim Tới tâm sự: “Bây giờ 6 tổ máy Thủy điện Sơn La đã hòa lưới điện quốc gia, nhưng đôi khi tôi vẫn không dám tin là có một công trình thủy điện quy mô hoành tráng và hoàn hảo đến thế!”.

 


  • 04/01/2013 12:24
  • Theo sách Thủy điện Sơn La: Trọn vẹn niềm tin
  • 5382


Gửi nhận xét