Hội nghị trực tuyến từ Hà Nội đến 161 điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương trong cả nước
|
Giá điện tại Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Dương Quang Thành cho biết: Theo thống kê của Global Petrol Prices, năm 2018, Việt Nam là một trong những nước có giá điện bình quân vào hàng thấp của thế giới. Giá điện của Việt Nam năm 2018 là 0,07 USD/kWh, bằng ½ giá điện bình quân của thế giới (0,14 USD/kWh). Sau khi điều chỉnh tăng 8,36% vào tháng 3/2019, giá điện bình quân của Việt Nam chỉ đạt xấp xỉ 0,08 USD/kWh.
Trong số 93 nước được thống kê, Việt Nam có giá điện thấp hơn tới 73 nước, chỉ cao hơn Myanmar, Ai Cập, Iran, Iraq, Kuwait,... - là các nước có nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt rất lớn khiến giá điện thấp hơn mặt bằng chung.
Một số nước/khu vực trong khu vực có giá điện cao hơn Việt Nam như: Singapore (0,16 USD/kWh), Nhật Bản (0,26 USD/kWh), Philippines (0,19 USD/kWh), Hong Kong (0,14 USD/kWh), Hàn Quốc (0,11 USD/kWh), Indonesia (0, 11 USD/kWh), Thái Lan (0,11 USD/kWh). Ngay cả so với Lào, Campuchia, giá điện của Việt Nam cũng chỉ bằng 81,7% và 73,5%.
Một số nước có giá điện rất cao như Đức là 0,33 USD/kWh (gấp 4,7 lần Việt Nam), Australia là 0,26 USD/kWh (gấp 3,7 lần), Tây Ban Nha ở mức 0,25 USD/kWh (gấp 3,5 lần), Italia là 0,23 USD/kWh (gấp 3,2 lần). Nước có giá điện cao nhất là Đan Mạch với 0,34 USD/kWh.
Giá điện thấp là một trong những nguyên nhân không khuyến khích người sử dụng điện tiết kiệm điện. Các nhà đầu tư nhập máy móc, thiết bị cũ, tốn điện, hiệu suất thấp nhằm cắt giảm chi phí.
Cường độ tiêu thụ điện Việt Nam tăng rất nhanh giai đoạn 2005-2017 trong khi xu hướng của thế giới cùng kỳ là không thay đổi. Năm 2005, cường độ tiêu thụ điện của Việt Nam từ thấp hơn Trung Quốc thì đến năm 2017 cao xấp xỉ gấp đôi Trung Quốc và gấp 3 trung bình thế giới. Nói cách khác, năm 2017 để làm ra 1 đơn vị thu nhập, Việt Nam đã tiêu thụ điện cao gấp 3 lần trung bình thế giới.
Để đạt được cường độ tiêu thụ điện thấp hơn, hiệu quả hơn, cần nhiều hơn các chính sách, quy định pháp luật và các chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước, chứ EVN với tư cách là đơn vị cung cấp điện thì việc kêu gọi sử dụng tiết điện tiết kiệm, hiệu quả rất khó mang lại kết quả mong muốn.
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành báo cáo chuyên đề về hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN
|
Việc đảm bảo cung cấp điện sau năm 2020 gặp rất nhiều thách thức
Trong nội dung báo cáo chuyên đề của EVN, đồng chí Dương Quang Thành cho biết: Với tốc độ tăng trưởng phụ tải bình quân trên 10%/năm như hiện nay, hệ thống điện cần được bổ sung tối thiểu trên 6.000 MW công suất đặt mỗi năm.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong giai đoạn 2018-2022, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành là 34.864 MW, trong đó nhiệt điện là 26.000 MW. Thực tế, mới chỉ có 7 dự án nhiệt điện than với tổng công suất 7.860 MW được khởi công và đang xây dựng; còn trên 18.000 MW các dự án nhiệt điện than dự kiến vào vận hành trong giai đoạn này đến nay chưa được khởi công.
Các dự án nguồn điện chậm tiến độ đều ảnh hưởng đến cung cấp điện quốc gia, đặc biệt cứ mỗi dự án nhiệt điện than (1.200 MW) bị chậm tiến độ sẽ làm mức độ thiếu điện tăng thêm 7,2-7,5 tỷ kWh/năm. “Hệ thống điện từ chỗ có dự phòng nguồn điện 20-30% trong các năm 2015-2016, nhưng đến năm 2018-2019 thì hầu như không còn dự phòng và sang giai đoạn 2021-2025 đã rơi vào tình trạng khó khăn về nguồn cấp điện”, đồng chí Dương Quang Thành cho biết.
Trong bối cảnh đó, EVN đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành tối ưu hệ thống điện; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp than để đảm bảo nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện, kết hợp phương án chủ động nhập khẩu than cho các nhà máy của Tập đoàn quản lý. Đặc biệt, EVN đã và đang thực hiện hàng loạt giải pháp về tiết kiệm điện và quản lý nhu cầu phụ tải như: Chương trình quản lý nhu cầu sử dụng điện (DSM), đề án “Lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các đơn vị điện lực”, điện mặt trời áp mái tại các cơ sở sản xuất, công sở và hộ gia đình,…
|
Một số kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN năm 2018
- Xếp thứ 2 trong 24 Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin;
- Xếp thứ 2 trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (do VNR công bố) trong 2 năm liên tiếp;
- Năng suất lao động của EVN cao gấp 10 lần năng suất lao động trung bình của cả nước;
|
- Được Fitch Ratings xếp hạng nhà phát hành nợ mức “BB” với “Viễn cảnh ổn định” về vay nợ dài hạn bằng ngoại tệ. Thứ hạng này của EVN tương xứng với hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
|
Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào mọi hoạt động
EVN đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động SXKD của EVN”. Đề án được phê duyệt ngày 06/11/2018.
Quá trình nghiên cứu xây dựng Đề án, EVN đã xem xét, đánh giá toàn diện hiện trạng ứng dụng công nghệ trong mọi hoạt động của Tập đoàn, xác định những khâu/lĩnh vực còn hạn chế và những lĩnh vực có khả năng ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0.
Các đơn vị thành viên của Tập đoàn đang rất tích cực triển khai Đề án. Điển hình như Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã hoàn thành một số hạng mục của đề án “Phát triển lưới điện thông minh cấu phần tự động hóa lưới điện phân phối 22 kV”. Trong đó, đưa vào vận hành Trung tâm Điều khiển xa; 100% trạm 110 kV không người trực; đã điều khiển xa 80% số phát tuyến trung thế (Mini-SCADA).
Vệ sinh thiết bị đang mang điện bằng nước áp lực cao là một trong nhiều giải pháp khoa học công nghệ được EVN ứng dụng vào hoạt động sản xuất - kinh doanh
|
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã hoàn thành nghiên cứu và triển khai ứng dụng thành công thiết bị bay không người lái trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải.
Tổng công ty Điện lực miền Trung đã cơ bản hoàn thành đề án “Thực hiện số hóa công tác quản lý kỹ thuật lưới điện phân phối", cho phép giám sát hiện trường trên thiết bị di động; ứng dụng kiểm tra ngày đêm đường dây và trạm biến áp; số hóa công tác thí nghiệm điện. Hiện nay, các ứng dụng này đang được đưa vào vận hành thí điểm và đem lại tác dụng tích cực trong công tác quản lý vận hành lưới điện phân phối trên địa bàn Tổng công ty.
Toàn Tập đoàn đã và đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong mọi mặt hoạt động, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN, cải thiện chất lượng dịch vụ cung cấp điện đến khách hàng, từng bước tăng năng suất lao động cho toàn Tập đoàn.