Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đến thời điểm hiện nay, chúng ta có 1.097 dự án với tổng công suất 24.246 MW. Trong đó có 195 dự án đã phát điện với tổng công suất đã phát gần 11.000 MW, cung cấp khoảng 36% nhu cầu điện của cả nước; 245 dự án đang xây dựng với tổng công suất trên 7.000 MW. Hiện còn 657 dự án chưa đầu tư. Như vậy, chúng ta mới phát triển được khoảng 40% trong tổng số dự án.
Đánh giá về những mặt được và chưa được của các công trình thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: Trước hết, cần tiếp cận vấn đề một cách khách quan, khoa học, phân tích, đánh giá đúng cả mặt tích cực và tiêu cực. Trên cơ sở đó, chúng ta phải tận dụng, phát huy mặt tích cực và hạn chế đến mức tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của các dự án thủy điện.
Việc phát triển các công trình thủy điện vẫn rất cần thiết đối với nước ta trong giai đoạn hiện nay (ảnh Xuân Tiến
|
Về mặt tích cực: Do sự tăng trưởng của nền kinh tế, sự phát triển về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân khiến cho nhu cầu tăng trưởng điện bình quân ở Việt Nam lên tới 15%/năm. Đây là con số rất lớn so với các nước trong khu vực. Để đảm bảo an ninh năng lượng, chúng ta phải đa dạng hóa các nguồn năng lượng như nhiệt điện, thủy điện, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…
Tuy nhiên, hiện nay nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch trong nước như than, dầu, khí ngày càng cạn kiệt và đã đến giới hạn khai thác. Theo tính toán, đến năm 2015, chúng ta sẽ phải nhập khẩu than và việc nhập khẩu cũng không dễ dàng.
Trong khi đó, tiềm năng nguồn thủy điện của Việt Nam khá phong phú, giá thành rẻ, không gây hiệu ứng nhà kính. Vì vậy, phát triển thủy điện vẫn rất cần thiết. Vấn đề là phải khai thác tiềm năng này một cách hợp lý để vừa đảm bảo hiệu quả phát điện, vừa đảm bảo điều tiết nước cho hạ du, chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô.
Thực tế, rất nhiều công trình thủy điện đã làm rất tốt vai trò này. Ví dụ: Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La đã góp phần rất lớn trong việc cắt, giảm lũ cho đồng bằng Bắc Bộ. Từ khi có Thủy điện Tuyên Quang, Thành phố Tuyên Quang không còn chịu cảnh lũ lụt như trước đây. Bên cạnh đó, các dự án thủy điện đều góp phần phát triển ngành nghề mới như du lịch, nuôi cá lòng hồ… góp phần tăng thu nhập cho nhân dân vùng hạ du.
Về mặt hạn chế: Hầu hết các dự án đều xây dựng ở vùng rừng núi, dù ít dù nhiều đều liên quan đến việc thu hồi đất rừng, đất ở, đất canh tác của bà con. Theo thống kê của các địa phương cứ xây dựng 1 MW thủy điện là phải thu hồi 6 ha đất (gồm 3,8 ha đất rừng, 2,2 ha đất ở và đất canh tác). Bên cạnh đó là vấn đề xử lý môi trường, thay đổi dòng chảy tự nhiên, di dân tái định cư….
Để hạn chế những bất cập này, Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng và vận hành các dự án. Kiểm tra rà soát các dự án kiên quyết không cấp phép đầu tư các dự án không nằm trong quy hoạch, các dự án ảnh hưởng tiêu cực lớn tới môi trường, xã hội.
Đối với những dự án mới triển khai xây dựng thì phải đẩy mạnh kiểm tra, rà soát, nếu xét thấy không đảm bảo các tiêu chí thì yêu cầu bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, quan tâm tới công tác hỗ trợ sau tái định cư để ổn định đời sống và sản xuất đối với các dự án thủy điện, nhất là các dự án có quy mô thu hồi đất, di dân tái định cư. Tăng cường cải thiện khí hậu, xây dựng cảnh quan du lịch, đào tạo nghề mới cho bà con.