Băng rừng, lội suối
Với thâm niên gần 20 năm trong nghề, công việc của anh Nguyễn Khánh Thành, công nhân Đội Truyền tải điện Cẩm Lệ (Truyền tải điện Đà Nẵng – Công ty Truyền tải điện 2) luôn gắn với rừng sâu, núi cao. Anh Thành chia sẻ, phần lớn đường dây 500 kV đi qua các vị trí đồi núi, hiểm trở, nhiều vực sâu. Đội truyền tải điện Cẩm Lệ quản lý, vận hành hệ thống đường dây trên địa bàn phía nam đèo Hải Vân. Địa hình ở đây vô cùng trắc trở, khí hậu khắc nghiệt. Mỗi lần đi tuyến kiểm tra cột và đường dây, anh em trong đội đều phải lên kế hoạch trước cả tuần, từ tư trang, máy móc, thiết bị cho đến thức ăn, nước uống.
Lính truyền tải phải trèo cột điện cao hàng chục mét để kiểm tra, sửa chữa thiết bị.
|
Anh kể: “Con đường đến với các điểm móng cột thường chông chênh. Có những hôm gặp trời mưa, mặt đường lầy, trơn trượt, xe ô tô chuyên dụng không thể vào được, anh em công nhân phải mang vác đồ đạc đi bộ hơn 4 tiếng mới lên đến địa điểm làm việc. Thời tiết về đêm ở trên đỉnh núi rất lạnh kèm gió mạnh, đôi khi các anh em đang bưng bát cơm lên cũng bị gió cuốn bay. Có nhiều lúc chúng tôi phải dựng lều, căng bạt và ngủ qua đêm ở đó...”.
Anh Lê Hữu Hùng, Giám đốc Truyền tải điện Đà Nẵng cho biết, công việc quản lý vận hành đường dây truyền tải rất vất vả, nặng nhọc. Các tuyến đường dây phần lớn đi qua vùng núi hiểm trở, vùng sâu vùng xa, khí hậu khắc nghiệt nên điều kiện đi lại, làm việc và sinh hoạt của công nhân các đơn vị được phân công quản lý vận hành hết sức khó khăn.
“Đa phần các vị trí cột 500 kV đóng ở những nơi xa đường cái, có địa hình hiểm trở, có vị trí cột nằm tận trên đỉnh núi. Công nhân truyền tải phải dốc sức luồn rừng, leo trèo hàng giờ đồng hồ mới tới chân cột. Khi đến nơi, họ phải trèo cột điện cao hàng chục mét để kiểm tra, sửa chữa thiết bị. Ngoài ra, anh em còn phải chặt cây, phát quang hành lang tuyến…”- anh Hùng chia sẻ.
Hiểm họa từ đốt rừng, chặt cà phê
Không chỉ đối mặt với những khó khăn của thời tiết, địa hình hiểm trở, người lính truyền tải còn chịu nhiều áp lực từ công tác vận hành, tuyên truyền về an toàn lưới điện trên địa bàn.
Đóng quân trên vùng đất đỏ bazan đầy nắng gió, Truyền tải điện Gia Lai (Công ty Truyền tải điện 3) được ví như điểm nút quan trọng trong hệ thống truyền tải điện quốc gia. Nơi đây có hai trạm biến áp 500 kV “đời đầu” của hệ thống điện 500 kV.
Anh Đinh Văn Cường, Giám đốc Truyền tải điện Gia Lai chia sẻ, cung đoạn quản lý của đơn vị có địa hình phức tạp và khí hậu miền núi khắc nghiệt, đặc biệt có đoạn đường dây đi gần biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, giao thông đi lại khó khăn, điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Dọc hành lang có nhiều cây cao có nguy cơ ảnh hưởng đến vận hành an toàn lưới điện. Mùa khô thường kéo dài, người dân đốt nương làm rẫy dễ cháy rừng.
Vườn cao su nằm sát đường dây, bên cạnh là bạt ngàn hồ tiêu, cà phê.
|
Chỉ tay về phía vườn cao su nằm sát đường dây, bên cạnh là bạt ngàn hồ tiêu, cà phê, anh Đỗ Trưởng Sơn, Đội trưởng Đội Truyền tải điện Chư Păh (Gia Lai) cho biết, đơn vị quản lý 140 km đường dây 500 kV, với nhiệm vụ vận hành, sửa chữa, bảo trì, xử lý sự cố liên quan. Địa hình đồi núi phức tạp, thường xuyên có tình trạng người dân đốt rừng làm rẫy, chặt cây cà phê, hồ tiêu, chanh dây, cao su - là những khó khăn mà đơn vị gặp phải. “Việc đốt cây cà phê, cây hồ tiêu, khi gặp gió to sẽ tạo ra tro bụi bay lên ảnh hưởng đến đường dây. ”- anh Sơn chia sẻ.
Theo anh Sơn, vườn cao su, cà phê được các hộ dân trồng, khoảng cách tuân thủ an toàn hành lang lưới điện nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn đường dây 500 kV. Do đó, các đội truyền tải điện thường xuyên vận động người dân không đốt, chặt cây làm ảnh hưởng đến hành lang lưới điện; thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ kỹ năng an toàn điện cho đồng bào trên địa bàn. Bên cạnh đó, các đội còn tổ chức các buổi ngoại khóa cho các em học sinh và thông qua già làng, trưởng bản để truyền thông đến bà con.