Câu chuyện bên dấu tích Nhà máy điện Cửa Cấm

Khi biết tôi muốn tìm hiểu về lịch sử Nhà máy điện Cửa Cấm, ông Khoa Năng Tác – Ban liên lạc đồng nghiệp nhà máy phát điện Hải Phòng đã đưa tôi đến nơi mà 120 năm trước từng là trụ sở nhà máy, để chứng kiến những dấu tích còn sót lại của một thời sản xuất và chiến đấu gian khổ.

 

Ông Nguyễn Trọng Duyên - Nguyên Trưởng ca Nhà máy điện Cửa Cấm

Trước tấm Bia tưởng niệm những cán bộ, công nhân đã anh dũng hy sinh trong trận bom hủy diệt của Mỹ dội xuống Nhà máy ngày 20/4/1967, ông Tác thì  thầm gọi tên từng đồng nghiệp thân thiết của mình. Trong gió lạnh hanh hao của một buổi sớm cuối thu khiến không gian càng trở nên trầm mặc…

Nhà máy điện than đầu tiên của Việt Nam và Đông Dương

Gia đình ông Khoa Năng Tác có đến 4 đời làm trong ngành Điện. Ông nói với tôi rằng: Nhà máy Điện Cửa Cấm do Pháp xây dựng năm 1892, công suất 5.500 kW. Nhà máy được đưa vào vận hành năm 1894. Đây là nhà máy nhiệt điện đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương được xây bởi Công ty Điện khí Đông Dương SIE.

 Mặc dù ra đời nhằm phục vụ chế độ khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, nhưng chính từ Nhà máy, đã hình thành đội ngũ công nhân sớm được giác ngộ cách mạng, luôn đấu tranh đòi độc lập tự chủ. Nhìn lại quá khứ hơn 120 năm lịch sử Nhà máy điện Cửa Cấm (ngừng hoạt động năm 1967 sau trận bom hủy diệt của Mỹ) có rất nhiều những câu chuyện cảm động về sự hy sinh xương máu, tinh thần kỷ luật, trách nhiệm để giữ vững nguồn điện thông suốt phục vụ chiến đấu và sản xuất.

Năm 1954, những công nhân điện Hải Phòng đã đấu tranh thắng lợi, giành trọn Nhà máy, bàn giao lại cho chính quyền cách mạng tiếp quản, phát điện phục vụ đời sống xã hội và phát triển kinh tế của Thành phố. Lúc này, Hải Phòng là nơi rút quân cuối cùng của Pháp, chúng tập trung phá hủy, tìm mọi cách qua mặt Ban tiếp quản, tháo dỡ, di chuyển máy móc, thiết bị, hồ sơ kỹ thuật, mang vào Nam hoặc ra nước ngoài. Hàng trăm công nhân đã biểu tình, bao vây Nhà máy 24/24h suốt gần 1 tháng, không cho chủ tháo dỡ máy móc, không cho vận chuyển phụ tùng thiết bị trong kho ra khỏi Nhà máy.

Ông Vũ Hiền – Nguyên Thứ trưởng Bộ Điện lực (cũ), người phụ trách công tác tiếp quản điện ở Hải Phòng khi đó kể: Nhà máy điện Cửa Cấm và Thượng Lý là 2 trong số 5 nhà máy điện chạy than ở miền Bắc. Đây là những nhà máy điện công suất nhỏ, kỹ thuật lạc hậu, sử dụng lao động thủ công là chủ yếu. Trong đó, cực khổ nhất là bộ phận thải xỉ, có hàng trăm công nhân phải đẩy các goòng xỉ còn nóng đổ ra ngoài bãi thải, nhiều người bị bỏng rất thương tâm. Thế nhưng công nhân điện Cửa Cấm vẫn bám trụ nhà máy, vừa sản xuất vừa chiến đấu giữ vững dòng điện. Những kW điện quý giá phát ra đã được chắt chiu phục vụ cho nền công nghiệp non trẻ, bến cảng và đời sống dân sinh thành phố Hải Phòng khi đó.

Bắn rơi 3 máy bay Mỹ

Năm 1964, Mỹ ném bom miền Bắc, đánh phá tất cả các cơ sở kinh tế, văn hóa xã hội, quân sự hòng ngăn chặn chi viện của hậu phương lớn cho miền Nam ruột thịt. Hải Phòng trở thành mục tiêu tấn công bằng không quân của máy bay Mỹ. Các nhà máy điện, trong đó có Nhà máy điện Cửa Cấm trở thành trọng điểm bị đánh phá ác liệt nhất. Máy bay Mỹ đã tập trung oanh tạc dữ dội, liên tục, gần 30 trận đánh hủy diệt trút xuống hai cơ sở điện Cửa Cấm và Thượng Lý. Trong ký ức của những cán bộ, công nhân Nhà máy điện Cửa Cấm ngày ấy, không thể quên trận đánh lúc 11h trưa ngày 20/4/1967. Máy bay Mỹ tập trung đánh phá hầu hết các nhà máy dọc sông Cấm trên chiều dài gần 10km. Nhà máy điện Cửa Cấm là điểm bị đánh phá nặng nhất. Cùng thời kỳ này, cả Hải Phòng là một trận địa khổng lồ, không ngày nào bom đạn không đánh phá hệ thống đường dây và trạm. Nhà máy điện Cửa Cấm bị tàn phá nặng nề và đã phải ngừng hoạt động. Nhưng trước đó, Đại đội tự vệ Nhà máy đã phối hợp với lực lượng phòng không không quân bắn cháy 3 máy bay Mỹ.

Công trường xây dựng Nhà máy điện Cửa Cấm - Hải Phòng giai đoạn 1892 - 1894. Nguồn: Trần Nguyên Hợi

Bia tưởng niệm, tri ân

Trên mảnh đất Nhà máy điện Cửa Cấm, nay là Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Điện lực (thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc) hiện còn lại dấu tích là 1 téc nước làm mát, 1 tảng đá lớn phủ kín rêu phong, trước đây từng là tường bao Nhà máy bị bom Mỹ đánh văng từ trong ra ngoài, 1 căn nhà của “Chủ Nhất” – người phụ trách, quản lý Nhà máy điện Cửa Cấm từng ở trước kia.

Kỷ niệm 120 năm ngày ra đời Nhà máy điện Cửa Cấm, Ban liên lạc đồng nghiệp Nhà máy phát điện Hải Phòng đã tổ chức dựng Bia dấu tích Nhà máy để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của di tích, đồng thời tri ân đối với các thế hệ đã làm rạng rỡ truyền thống cách mạng, anh dũng hy sinh bảo vệ Nhà máy.

Ông Nguyễn Trọng Duyên – Nguyên trưởng ca Nhà máy phát điện Cửa Cấm cho biết, sau khi tốt nghiệp khoa Phát dẫn điện khóa 4 Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội năm 1963, ông được phân công về Nhà máy điện Hải Phòng. Năm 1965, ông được đề bạt làm trưởng ca Nhà máy điện Cửa Cấm. Thời kỳ này, các nhà máy điện là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ. “Xác định dòng điện là huyết mạch của nền kinh tế, bằng mọi giá phải bảo vệ đến cùng. Ngoài giờ làm việc, chúng tôi đã xây dựng một con đập chắn cao 8m rộng 15m bằng than xỉ, bao quanh các thiết bị lò máy, trạm biến áp để bảo vệ.”- Ông Duyên kể. Cán bộ, công nhân thường xuyên luyện tập các phương án xử lý khi máy bay địch đánh phá, với tinh thần “ngồi trên bệ phóng không nòng”, quyết tâm bảo vệ dòng điện phục vụ cho đời sống và sản xuất chiến đấu của thành phố.

Vào lúc 11h trưa ngày 20/4/1967, ông Duyên đang trong ca trực đầu tiên của ngày thì nhiều tốp máy bay Mỹ lao xuống Nhà máy điện Cửa Cấm dội bom liên tục trong gần 1 giờ đồng hồ. Máy bay Mỹ lao xuống ném bom xung quanh Nhà máy và đánh sập 1 lò hơi và 1 tuabin. Trong tiếng bom và khói bụi than bốc lên, xám xịt, 32 nhân viên vận hành Nhà máy vẫn kiên trì bám trụ đến cùng, ai nấy đều đen nhẻm vì muội than. Trận bom rải thảm của Mỹ đã phá hủy toàn bộ hệ thống điện, buộc Nhà máy điện Cửa Cấm phải ngưng hoạt động. 10 cán bộ, công nhân đã vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất này!

Ngày 20/4/1967 đã khắc sâu trong ký ức và sống mãi cùng năm tháng với tất cả những cán bộ, công nhân Nhà máy điện Cửa Cấm. Cũng là ngày mà những người đồng nghiệp phát điện thành phố Hải Phòng lấy làm ngày gặp mặt truyền thống hàng năm để ôn lại quá khứ, tưởng nhớ đồng nghiệp đã hy sinh, chia sẻ, động viên, thăm hỏi lẫn nhau trong cuộc sống.

 


  • 23/01/2015 08:48
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 6568


Gửi nhận xét