GS kinh tế Jeffrey Sachs, Giám đốc Viện Trái đất. Ảnh: harvard.edu
|
Sau cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Nhật Bản, Đức và nhiều nước phát triển đã lập kế hoạch loại bỏ dần các nhà máy điện hạt nhân. Chính phủ Nhật Bản đã đóng cửa lò phản ứng hạt nhân cuối cùng.
Trong khi một bộ phận dư luận tỏ ra vui mừng trước viễn cảnh các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới sẽ ngừng hoạt động trong tương lai, một số nhà khoa học lo ngại phong trào tẩy chay năng lượng hạt nhân sẽ khiến cho nhiều vấn đề của loài người - như an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu - trở nên trầm trọng hơn. Giáo sư kinh tế Jeffrey Sachs, người đứng đầu Viện Trái đất thuộc Đại học Columbia tại Mỹ, là một người trong số họ.
“Chúng ta sẽ không thể hoàn thành mục tiêu cắt giảm khí thải carbon nếu năng lượng hạt nhân bị gạt ra khỏi tương lai của loài người”, ông Sachs phát biểu trong một cuộc họp thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á vào tuần trước tại thành phố Manila, Philippines.
Ông Sachs nhận định, than đá sẽ là nguồn nguyên liệu được sử dụng phổ biến để sản xuất điện trong những năm tới do nó rẻ hơn năng lượng tái sinh và nhiều dạng năng lượng khác.
“Giá của nhiên liệu hóa thạch sẽ vẫn ở mức đủ thấp để đánh bại các dạng năng lượng thân thiện với môi trường”, ông khẳng định.
Theo giám đốc Viện Trái đất, những dự án phát triển năng lượng tái sinh hoặc tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trên thế giới sẽ không đủ lớn để ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu. “Thế giới không còn lựa chọn nào khác ngoài năng lượng hạt nhân vì mối đe dọa của biến đổi khí hậu đã tăng tới mức quá nghiêm trọng”, ông bình luận.