Chọn mua và sử dụng xe đạp điện đúng cách

Sử dụng xe đạp điện thay cho xe động cơ dùng xăng đang được coi là một trong những hành động tích cực ủng hộ “cuộc cách mạng xanh trên toàn thế giới”. Chỉ với số tiền khoảng 10 triệu đồng, người tiêu dùng đã có thể sở hữu chiếc xe đạp điện có tính năng ưu việt.

Chọn mua:

1. Thương hiệu:

- Xe Việt Nam: Delta, Lieha…

- Xe  Trung Quốc: Jili, Asama, Robo…

- Xe Nhật Bản: Sanyo, Panasonic… Đa phần là hàng đã qua sử dụng, tuy mẫu mã không bắt mắt, nhưng được người tiêu dùng ưa thích do độ bền, hoạt động ổn định

- Xe Đài Loan: Yamaha, Bridgestone, Songtitan.

2. Dòng xe

- Xe chạy bằng pin điện tử: Nhỏ gọn, trọng lượng khoảng 18 kg, độ bền khoảng 5 năm. Giá trung bình khoảng 11 triệu.

- Xe chạy ắc quy: Nặng khoảng 35 kg, xe đi êm, đầm, độ bền khoảng 2,5 - 3 năm. Giá trung bình hàng Trung Quốc 7,5-10 triệu đồng/chiếc; hàng Việt Nam xuất khấu trên 11 triệu đồng/chiếc.

3. Thông số kỹ thuật

 -  Công suất động cơ: Có 2 loại chủ yếu là 250 W và 350W

 -  Bình điện (ắc- quy): Có 2 loại tương ứng là 3 hoặc 4 bình

 -  Điện áp và dòng điện của mỗi bình : 12V…12Ah  (Thông số này càng lớn, chiếc xe càng có tính năng kỹ thuật cao)

Sử dụng xe đạp điện đúng cách

1. Kiểm tra trước khi sử dụng:

- Nạp hơi đủ dùng;

- Siết chặt ốc vít, nhất là nơi ổ bánh xe;

- Nạp điện đủ cho quãng đường cần di chuyển;

- Điều chỉnh phanh thích hợp;

- Điều chỉnh yên và cọc lái ở mức độ cao - thấp phù hợp người lái, làm sao khi ngồi lên yên 2 chân vừa chạm đất, tránh gây căng thẳng khi di chuyển.

2. Khi khởi động:

- Ngồi lên xe, tay trái nắm tay phanh, tay phải cắm chìa khóa vào ổ công tắc nguồn điện, vặn đến vị trí ON (mở), lúc này đèn chỉ thị mầu đỏ sẽ sáng lên.

- Chân trái chạm đất, chân phải để lên bàn đạp chân, từ từ nhả lỏng tay phanh, chân phải từ từ đạp mạnh dần lên để xe chạy về phía trước.

- Tay phải đồng thời điều chỉnh tay ga vào trong (theo chiều ngược của kim đồng hồ) thì xe sẽ bắt đầu khởi động, góc vặn của tay ga càng lớn thì tốc độ chạy của xe càng nhanh hơn.

3. Khi xe chạy

- Khi xe vừa khởi động, nên tăng tốc độ xe chầm chậm, không nên tức thời vặn hết ga để tránh làm hư hỏng và lãng phí điện.

- Khi lên dốc hoặc chở nặng, nên dùng chân đạp thêm để trợ sức cho xe, giúp kéo dài tuổi thọ của ắc quy (pin) và mô tơ điện (động cơ của xe).

- Không nên chạy xe quá tải trọng 90 kg.

4. Dừng xe

Tắt công tắc điện khi dừng xe để tiết kiệm điện và đảm bảo an toàn, tránh vô ý vặn tay ga khiến xe đột nhiên khởi động gây nguy hiểm.

5. Kiểm tra và bảo trì xe:

- Thường xuyên kiểm tra các bộ phận chuyển động của xe: Dây phanh, đèn, còi…

- Nên định kỳ bổ sung điện cho ắc-quy để kéo dài tuổi thọ của ắc quy (thường thì 10 ngày nạp điện 1 lần) nếu thời gian dài không dùng đến xe

- Rửa và tra dầu dây xích 1 tháng/lần.

6. Cách nạp điện:

Cách 1: Lấy bình ra khỏi xe và nạp điện vào bình:

- Để bình trên một mặt phẳng và thăng bằng (không dốc ngược bình), cắm một đầu phích điện vào bình điện, còn đầu kia nối với bộ phận nạp điện có lỗ cắm bên hông. Nối bộ phận nạp điện với ổ cắm điện trong nhà thông qua phích cắm 220 V.

Cách 2: Để bình điện trong xe và nạp trực tiếp vào bình:

- Sau khi đã nối hoàn tất bình điện, bộ phận nạp điện với ổ cắm điện nguồn trong nhà, đèn báo hiệu của bộ phận nạp điện (cục sạc) sẽ sáng mầu đỏ để báo cho ta biết là điện đã vào.

- Sau khi sạc 4 - 8 tiếng đồng hồ, đèn báo hiệu của bộ phận nạp điện sẽ chuyển sang mầu xanh, báo điện đã nạp đầy bình.

- Bộ phận nạp điện được thiết kế theo cơ chế tự bảo vệ. Nghĩa là sau khi bình điện đã nạp đủ điện, chúng ta có thể để kéo dài thời gian nạp đến 10 tiếng đồng hồ thì tuổi thọ của bình vẫn không bị ảnh hưởng.

Lưu ý:

- Trong khi nạp điện:

* Đặt các bộ phận nạp điện ở nơi an toàn, khô ráo, tránh xa tầm tay của trẻ em. Chỉ sử dụng bộ phận nạp điện có cùng công suất với loại xe đang sử dụng.

* Không bao bọc bộ phận nạp điện bằng bất cứ vật liệu gì.

* Không để nước rơi vào ắc quy.

* Dừng nạp điện và gửi bộ phận nạp điện đến đại lý bảo hành khi phát hiện bộ phận nạp điện có nhiệt độ quá cao hay có mùi lạ.

- Trong quá trình sử dụng và di chuyển:

* Cần để tựa bộ phận nạp điện vào một điểm tựa vững chắc, thăng bằng để tránh rơi vỡ hay va chạm móp méo dẫn đến hư hỏng.

* Không cho nước hay bất kỳ một dung dịch nào thấm vào trong bộ phận nạp điện.

* Lưu bộ phận nạp điện ở nơi khô ráo, thoáng mát.

* Không ngâm các linh kiện gắn với động cơ xe và ắc quy vào nước.

Chuyên gia tư vấn: Kỹ sư Trần Trung Thành - Giám đốc kinh doanh, Tổng đại lý phân phối xe chạy điện Hà Nội.


  • 03/08/2012 09:25
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 36245


Gửi nhận xét