PV: PGS cho biết nguyên nhân nào gây nên bão từ trường và tác động của nó đến Việt Nam trong năm 2012 ra sao?
PGS. TS Hà Duyên Châu: Nguyên nhân chính gây ra bão từ là sự xuất hiện của những vết đen trên bề mặt mặt trời, nhất là vào chu trình mặt trời hoạt động mạnh. Từ những bùng nổ trên mặt trời sẽ tung vào vũ trụ những chùm plasma khổng lồ, các chùm plasma này trên đường đi đến trái đất sẽ bao trùm lên trái đất, tác động với từ quyển trái đất, tạo ra hệ dòng điện tròn xung quanh trái đất, gây ra bão từ.
Bão từ là một hiện tượng toàn cầu, không tác động mạnh yếu vào mùa nào trong năm mà tác động chủ yếu vào thời kỳ mặt trời hoạt động mạnh.
Dự báo trong năm 2012 này, Việt Nam sẽ hứng chịu khoảng 40 – 45 trận bão từ, trong đó có khoảng 4 trận cực mạnh với cấp độ G5. Cường độ của bão từ được chia thành 5 cấp, trong đó cấp G1 là nhỏ nhất, tương ứng với 50-100 nT, mạnh nhất là G5 từ 400-500 nT trở lên.
PV: Vậy với cường độ bao nhiêu thì bão từ ảnh hưởng đến sức khỏe con người?
PGS. TS Hà Duyên Châu: Nhìn chung, đối với những người mẫn cảm với từ trường, nhất là những người có bệnh thần kinh, tim mạch hoặc xương khớp, bão từ ở cấp nào cũng có thể có ảnh hưởng. Tuy nhiên bão từ cấp G1, G2 ảnh hưởng rất ít, cấp G3, G4 tác động mạnh hơn, và cấp G5 tác động rất mạnh.
Ở các nước phát triển, trong những ngày có bão từ, người ta đưa bệnh nhân mẫn cảm với từ trường vào các nhà chống từ nhằm ngăn chặn tác động của bão từ. Ở Việt Nam chúng ta chưa có điều kiện xây dựng những nhà chống từ.
Đối với những trận bão từ cấp G1, G2, G3, không cần thiết phải đưa ra những cảnh báo để tránh sự hoảng loạn, lo lắng trong nhân dân. Những trận bão từ mạnh hoặc cực mạnh (cấp G4, G5), cần thông báo để người dân có biện pháp ứng phó. Khi bão từ xảy ra, người khỏe mạnh chỉ cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi trong chốc lát. Còn đối với người mẫn cảm với từ trường, khi có bão từ cường độ mạnh, nên hạn chế ra đường, nếu ra đường phải bịt khẩu trang kín, nên ngồi trong ô tô hoặc ở trong nhà cao tầng cửa kính và kín.
PV: Đối với hệ thống điện, bão từ có gây ảnh hưởng, thiệt hại gì không, thưa PGS?
PGS. TS Hà Duyên Châu: Bão từ có thể làm rối loạn hoạt động của các trạm biến áp và hệ thống truyền tải điện cao thế. Khi bão từ xảy ra, sẽ xuất hiện hệ thống dòng điện cảm ứng chạy xuyên qua các máy biến áp và qua các đường dây trung tính, có thể gây hư hỏng cho hệ thống truyền tải điện.
Những ngày bão từ lớn xảy ra năm 2001, 2002, chúng tôi đã ghi được dòng điện cảm ứng qua máy biến áp ở Hoà Bình có biên độ đến hơn 10 Ampe. Những dòng điện như vậy có thể ảnh hưởng không tốt đến hệ thống rơle bảo vệ của máy biến áp, dẫn đến sự bất ổn định của toàn hệ thống truyền tải điện.
PV: Vậy theo ông, có những biện pháp gì để giảm thiệt hại do bão từ gây ra cho hệ thống điện?
PGS. TS Hà Duyên Châu: Có nhiều biện pháp mà các nước trên thế giới đã áp dụng như: Đặt các trị số mới cho hệ thống rơle, thông báo các dự báo bão từ, theo dõi sự bất đối xứng của điện thế, giảm công suất vận hành khi nhận được dự báo có bão từ. Đồng thời, đo thường xuyên dòng điện cảm ứng tại nhiều điểm trong hệ thống, tính toán và lắp đặt các thiết bị bảo vệ phù hợp...
Đối với Việt Nam, trong những năm 2001, 2002, khi bão từ xảy ra nhiều và mạnh, chúng tôi đã thông báo thường xuyên cho Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, và Trung tâm đã chủ động giảm công suất truyền tải điện nên không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra do bão từ.
PV: Xin cảm ơn ông!
Những trận bão từ lớn trên thế giới:
- Trong các giai đoạn 1860-1907, 1918-1929, bão từ đã nhiều lần khiến hệ thống điện tín châu Âu liên tục bị dừng.
- Năm 1940, một trận bão từ đã làm toàn bộ hệ thống điện lực của Mỹ bị ngừng hoạt động.
- Năm 1989, bão từ cấp G5 đã làm máy biến áp 735kV tại Quebec, Canada bị phá hủy gây thiệt hại lớn.
|