Công ty CP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DHD): Hợp tác cùng phát triển

“Có một điều đặc biệt, đó là cả 3 nhà máy thủy điện của DHD là Đa Nhim, Hàm Thuận và Đa Mi đều đều sử dụng nguồn vốn vay và vốn tài trợ của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản. Trong những năm qua DHD hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản, DHD chính là một phần của biểu tượng tình hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản”, ông Nguyễn Trọng Oánh – Tổng giám đốc DHD chia sẻ.

Đột phá và đổi mới

Từ một Nhà máy Đa Nhim - Sông Pha với công suất 167,5MW, có điện lượng bình quân hằng năm là 1 tỷ kWh/ năm, đến nay, Nhà máy Thuỷ điện Đa Nhim cùng các nhà máy thuộc hệ thống thuỷ điện trên sông Đồng Nai gồm Thuỷ điện Hàm Thuận và Thủy điện Đa Mi đã tạo thành tổ hợp thủy điện giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia. Hằng năm, sản lượng điện từ các nhà máy này lên tới hơn 2,6 tỉ kWh.

Những thế hệ  CBCNV Công ty thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi - Ảnh X.T

Năm 2005, sau khi hợp nhất cả 4 nhà máy Thủy điện Hàm Thuận, Đa Mi cùng Thủy điện Đa Nhim và Sông Pha (trên cùng hệ thống sông Đồng Nai) thành DHD, các nhà máy đã được vận hành hiệu quả, phát huy tối đa thế mạnh của mô hình mới.

Đặc biệt, do làm tốt công tác vận hành, hệ thống các nhà máy thủy điện thuộc DHD còn góp phần quan trọng trong việc điều hòa nguồn nước cho các vùng hạ du, gia tăng lưu lượng dòng chảy đến hồ Trị An trong mùa khô, góp phần tăng thêm sản lượng cho Nhà máy Thủy điện Trị An. Riêng với Thủy điện Đa Nhim, công trình này đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nước tưới và sinh hoạt cho tỉnh Ninh Thuận – vốn là địa bàn thường xuyên hứng chịu hạn hán do lượng mưa trung bình hằng năm thấp nhất cả nước.

Với những đột phá táo bạo trong công tác  quản lý, vận hành, Lãnh đạo DHD cũng đã thành công trong quyết tâm đổi mới toàn diện các nhà máy thủy điện thuộc hệ thống. Điển hình năm 1996, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã đầu tư 66,54 triệu USD, cải tạo thiết bị và đường dây, trong đó Chính phủ Nhật Bản cho vay ưu đãi 7 tỷ Yên (tương đương 48,6 triệu USD). Đến năm 2005, nguồn vốn vay phục vụ đại tu công trình lên đến hơn 620 tỷ đồng đều được Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ. Nhà máy Thủy điện Đa Nhim được đưa vào đại tu toàn bộ sau 40 năm vận hành.

Đa Nhim và tinh thần hợp tác…

“Ở Công ty chúng tôi, ngoài Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, thì Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận và Đa Mi đi vào hoạt động từ năm 2001 cũng đều sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Trong thời gian tới, Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim sẽ được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ 85% vốn trong tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng (vốn đối ứng của DHD là 15%). Thời gian tới, Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim sẽ được ký kết hiệp định vay vốn giữa 2 chính phủ Việt Nam – Nhật Bản” ông Nguyễn Trọng Oánh cho biết.

Nhà máy Thủy điện Đa Nhim - Ảnh X.T

“Chúng tôi biết ơn những thế hệ đi trước đã để lại một nhà máy có chất lượng, hoạt động hiệu quả”, ông Nguyễn Trọng Oánh, Tổng giám đốc DHD chia sẻ. Tính đến nay, Thủy điện Đa Nhim đã cung cấp cho đất nước gần 33 tỷ kWh điện. Đặc biệt, kể từ năm 2008 đến nay, sau khi hoàn thành công tác đại tu, sản lượng điện bình quân hàng năm của Đa Nhim luôn ở mức 1 tỷ kWh.

Năm 2005, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động

Đến với Đa Nhim, mọi người đều ấn tượng với hai ống thủy áp chạy song song, dài khoảng 2,040 km, dẫn nước từ hồ Đa Nhim xuống Nhà máy. Nhờ cột áp cao và độ dốc  tới 45 độ, tạo thế năng lớn, nên suất tiêu hao nước rất thấp, chỉ cần 0,56 m3 đã sản xuất được 1kWh điện, trong khi có những nhà máy phải sử dụng tới hàng chục m3 nước để sản xuất được 1 kWh điện.

Không những thế, hồ chứa Thủy điện Đa Nhim ngoài phát điện, mỗi năm còn cung cấp hơn 550 triệu m3 nước phục vụ tưới tiêu cho hơn 20.000 ha đất nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận, nơi có lượng mưa trung bình hàng năm thấp nhất Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Oánh, Tổng giám đốc DHD cho biết thêm: Ngoài việc tham gia quản lý vận hành Nhà máy, những người thợ Đa Nhim còn tự hào là những “tay máy” giỏi và thạo nghề, tham gia vào các dịch vụ tư vấn, sửa chữa,  vận hành, bảo dưỡng, đào tạo cho các công trình thủy điện lớn nhỏ trên khắp mọi miền tổ quốc, từ Sơn La, Lào Cai, Huế, Quảng Trị, khu vực Tây Nguyên… đến các tỉnh Nam Bộ. Việc thành lập Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật năm 2010 với những thành công trong việc đào tạo, sửa chữa, tư vấn, thí nghiệm... đã được các đơn vị trong và ngoài ngành Điện như Thủy điện A Vương, A Lưới, ĐakR’tih… và nhiều công trình thủy điện nhỏ khác đánh giá cao, khẳng định năng lực của những người thợ trưởng thành từ Đa Nhim.

Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi:

  • Thành lập ngày 21/5/2001
  • Tổng công suất đặt: 642,5 MW (13 tổ máy)
  • Điện lượng bình quân 2,6 tỷ kWh/năm
  • Quản lý, vận hành 4 nhà máy thủy điện:
  • Nhà máy Thủy điện Đa Nhim (160 MW)
  • Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận (300 MW)
  • Nhà máy Thủy điện Đa Mi (175 MW)
  • Nhà máy Thủy điện Sông Pha (7,5 MW)

 


  • 12/11/2013 11:37
  • Bài, ảnh: Xuân Tiến
  • 5452


Gửi nhận xét