Quá trình hoàn thiện mô hình tổ chức dịch vụ bán lẻ điện năng

Ngày 25/6/2013, Hội đồng Thành viên (HĐTV) Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có Nghị quyết số 448/NQ-HĐTV, trong đó Quyết nghị: Tiếp tục thực hiện mô hình tổ chức và hoạt động dịch vụ bán lẻ điện năng (DVBLĐN), đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả của các tổng công ty điện lực/công ty điện lực/Điện lực (TCTĐL/CTĐL/ĐL). Là Thành viên trong Tổ nghiên cứu và tham mưu giúp Lãnh đạo EVN hướng dẫn chỉ đạo thực hiện, chúng tôi xin được giới thiệu về quá trình hoàn thiện và tình hình tổ chức thực hiện mô hình như sau:

Phần 1: Quá trình hoàn thiện môi trường pháp lý cho mô hình Quy chế tạm thời về Đại lý dịch vụ bán lẻ điện nông thôn

Đại lý Dịch vụ bán lẻ điện nông thôn (DVBLĐNT) là mô hình mới, có tính đặc thù, liên quan chủ trương quản lý kinh doanh của toàn ngành Điện. Sau một thời gian thực hiện thí điểm Quy chế tạm thời và mẫu hợp đồng “Đại lý DVBLĐNT” cho thấy, về cơ bản CTĐL/Điện lực (bên giao đại lý) thuê tổ chức/cá nhân (bên nhận đại lý) làm một số công việc trong bán lẻ điện nông thôn là phù hợp, đồng thời tiết kiệm được chi phí. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình đã đặt ra nhiều vấn đề có liên quan đến bản chất pháp lý của quan hệ giữa các đơn vị điện lực với tổ chức, cá nhân được thuê làm đại lý.

Căn cứ vào Luật Thương mại, Đại lý DVBLĐNT còn bị nhiều ràng buộc, như: Đại lý phải là thương nhân, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; phải nộp thuế vì có dịch vụ, phải nộp bảo hiểm xã hội cho nhân viên của đại lý… Các khoản phí này chưa tính trong tiền thù lao cho đại lý và nếu thực hiện sẽ không giảm chi phí sản xuất kinh doanh của điện lực; việc hạch toán tiền công cho đại lý, giải quyết các hậu quả pháp lý phát sinh khi các bên tranh chấp hợp đồng… là những vấn đề cần sớm nghiên cứu, tìm giải pháp phù hợp. Do đó, để tiếp tục áp dụng mô hình cả về quy mô cũng như về thời gian, cần thiết phải sửa đổi, hoàn thiện mô hình đại lý DVBLĐNT (gồm Quy chế và mẫu Hợp đồng).

Ảnh minh họa

Quy chế về tổ chức và hoạt động dịch vụ bán lẻ điện nông thôn:

Sau 2 năm áp dụng thực tế, đồng thời tiếp tục nghiên cứu và tranh thủ ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan, ngày 10/10/2003, EVN đã ban hành “Quy chế về tổ chức và hoạt động DVBLĐNT”.

Việc áp dụng Quy chế này có những thuận lợi căn bản:

- Mở rộng chủ thể ký hợp đồng dịch vụ, bao gồm cả tổ chức (pháp nhân), nhóm hộ và cá nhân. Tranh chấp về thực hiện quyền và nghĩa vụ của các Bên được giải quyết theo quy định của Bộ Luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

- Với việc mở rộng chủ thể như trên, các tổ chức, cá nhân không cần thiết phải có: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy phép hoạt động Điện lực theo Quyết định số 27/2002/QĐ-BCN ngày 18/6/2002 và Quyết định 32/2006/QĐ-BCN ngày 06/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương).

- CTĐL/ĐL chỉ phải trả tiền công dịch vụ theo thoả thuận, không phải thực hiện các nghĩa vụ phát sinh theo quy định của Bộ Luật Lao động về hợp đồng lao động như: Trang bị bảo hộ lao động, nộp thuế, nộp bảo hiểm xã hội, .... cho nhân viên của tổ chức DVBLĐNT.

- Việc hạch toán tiền công dịch vụ cũng thuận lợi (hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện), đúng pháp luật, bảo đảm quyền chủ động kinh doanh và hạch toán theo Luật doanh nghiệp.

Quy chế Tổ chức và Hoạt động dịch vụ bán lẻ điện năng:

Ngày 14/4/2008, EVN ban hành “Quy chế Tổ chức và Hoạt động dịch vụ bán lẻ điện năng (DVBLĐN)” thay thế Quy chế về tổ chức và hoạt động Đại lý Dịch vụ bán lẻ điện nông thôn (DVBLĐNT). Để phù hợp Quyết định số 857/QĐ-TTg ngày 06/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN, ngày 21/12/2011 tại Quyết định số 1232/QĐ-EVN, Tổng Giám đốc EVN đã ký quyết định ban hành “Quy chế về Tổ chức và Hoạt động DVBLĐN” được ban hành chung trong Bộ Quy trình kinh doanh điện năng áp dụng trong EVN thay thế Quy chế được ban hành theo Quyết định số 228/QĐ-EVN-HĐQT.

Ảnh minh họa

Phần 2: Xu thế phát triển của mô hình

Ngay khi ban hành “Quy chế tạm thời về Đại lý DVBLĐNT” năm 2001, Tổng Công ty Điện lực (TCTĐL) miền Nam (EVN SPC) đã lựa chọn Công ty Điện lực (CTĐL) Sóc Trăng và CTĐL Kiên Giang là 02 đơn vị đầu tiên trên cả nước thí điểm áp dụng mô hình này. Kết quả thí điểm đạt rất tốt, phù hợp với địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa có diện tích rộng, phân bố dân cư rải rác, đi lại khó khăn do sông ngòi chằng chịt… Sau một năm thí điểm, EVN SPC đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm và từ quý II/2002, đã triển khai mô hình tại tất cả các CTĐL trực thuộc. Sau đó, TCTĐL miền Trung (EVN CPC) cũng đã áp dụng mô hình trên địa bàn các tỉnh miền Trung. Đối với TCTĐL miền Bắc (EVN NPC), sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn ở tỉnh Bắc Ninh (năm 2003 - 2004) và từ cuối năm 2008 đến nay, EVN NPC và EVN HANOI đã áp dụng mô hình DVBLĐN sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp tại các xã để bán điện trực tiếp đến hộ dân.

Cho đến nay các TCTĐL/CTĐL đã tiếp nhận tài sản lưới điện hạ áp trên 7.100 xã (chiếm tỷ lệ 79% số xã có điện), bán điện trực tiếp đến gần 11,5 triệu hộ dân nông thôn (chiếm tỷ lệ 73,3% số hộ nông thôn có điện). Theo báo cáo của các TCTĐL, mô hình DVBLĐN được áp dụng khoảng 60% số xã bán điện trực tiếp, với 8.898 Hợp đồng DVBLĐN đã ký.

Những mặt tích cực

Thực tế việc áp dụng mô hình DVBLĐN trong thời gian qua cho thấy, mô hình đã góp phần đáng kể trong công tác quản lý và kinh doanh bán điện ở nông thôn và có nhiều mặt tích cực:
Việc sử dụng lao động DVBLĐN là một giải pháp để tiết kiệm nhân lực, nâng cao năng suất lao động của các CTĐL (nếu không thuê DVBLĐN thì các TCTĐL phải biên chế thêm khoảng 10.000 người). Tiết kiệm đáng kể chi phí do số lần đi ghi, thu tiền điện giảm, giảm đáng kể lượng hóa đơn tồn thu hàng tháng.  

- Giảm tình trạng quá tải trong công tác thu tiền - ghi chỉ số công tơ của các CTĐL/ĐL, do các DVBLĐN là người địa phương, am hiểu tường tận sinh hoạt hàng ngày của khách hàng nên số lần đi ghi - thu giảm, giảm đáng kể lượng hóa đơn tồn thu hàng tháng... Ngoài ra, DVBLĐN còn được giao thêm công việc khác như: Tham gia sửa cột điện, chỉnh sửa thùng công tơ nghiêng, phát quang hành lang tuyến, tham gia xử lý sự cố thiên tai bão lụt, phát hiện khách hàng có dấu hiệu vi phạm sử dụng điện.... để CTĐL/ĐL kịp thời kiểm tra, xử lý.

- Nhiều tổ chức DVBLĐN có nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, kịp thời nắm bắt nhu cầu, am hiểu khách hàng nên hiệu quả thu tiền thường rất tốt. Việc tổ chức mạng lưới thu tiền điện thông qua DVBLĐN đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu suất của các CTĐL/ĐL.

- Được các cấp chính quyền địa phương ủng hộ, do vậy nhiều tổ chức DVBLĐN đã thực hiện tốt vai trò làm cầu nối giữa CTĐL/ĐL với khách hàng, giúp CTĐL/ĐL nâng cao chất lượng dịch vụ. Hỗ trợ nhanh trong việc quảng bá các dịch vụ về điện, tiết kiệm điện hay thực hiện một số công việc đột xuất khi CTĐL/ĐL có yêu cầu phối hợp. Đặc biệt, đối với các thôn bản ở vùng sâu, vùng xa, khi Bên nhận làm DVBLĐN là người có uy tín như, thày cô giáo, già làng, ....

Một số tồn tại chủ yếu:

-  Ở một số nơi, các tổ chức DVBLĐN còn chưa được quan tâm đào tạo, bồi huấn nghiệp vụ, thực hiện kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành Quy chế DVBLĐN, như: Quản lý chứng từ và tiền ký quỹ, công tác giao ghi và phúc tra chỉ số công tơ, công tác giao, quyết toán hóa đơn tiền điện, thiếu sự giám sát kiểm tra cũng như kịp thời khen thưởng động viên những DVBLĐN làm tốt...

- Tiền điện sử dụng trung bình/hóa đơn tăng lên theo thời gian (do điều chỉnh giá điện, do mức sống được nâng cao...) trong khi khả năng tiền ký quỹ có hạn nên làm giảm số lượng hóa đơn mỗi lần giao nhận, phải đi lại nhiều lần dẫn đến tăng chi phí cho DVBLĐN và làm chậm tiến trình thu tiền điện, đặc biệt tại các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa....

- Đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, việc lựa chọn bên nhận làm dịch vụ đáp ứng được về trình độ học vấn và thực hiện biện pháp bảo đảm hợp đồng rất khó khăn. Các DVBLĐN chưa nắm bắt kịp thời nghiệp vụ kinh doanh điện năng, các quy trình quy định của ngành, chưa qua lớp đào tạo bài bản về kỹ năng giao tiếp khách hàng nên gặp nhiều khó khăn khi phải  giải thích kiến nghị khách hàng, dẫn đến khách hàng chưa thỏa mãn.

- Nhiều DVBLĐN hiện nay thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, có địa hình phức tạp, giao thông đặc biệt khó khăn, như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền núi phía Bắc..., dẫn đến chi phí công tác ghi - thu tăng, đặc biệt là trong tình hình giá xăng dầu hiện nay cao, nhiều DVBLĐN không tiếp tục thực hiện hoặc thực hiện với tinh thần trách nhiệm chưa cao, để xảy ra tình trạng ghi khống, nhốt chỉ số, thái độ, tác phong phục vụ  chưa đáp ứng yêu cầu; thường kết hợp việc ghi chỉ số công tơ điện khi đi thu tiền (đối với các đơn vị giao ghi chỉ số công tơ cho Bên nhận làm DVBLĐN), không theo lịch ghi chỉ số của Điện lực, đã làm sai lệch số ngày sử dụng điện trong tháng của khách hàng. Khó khăn này cũng gây trở ngại trong việc tuyển chọn DVBLĐN tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa.

Xu hướng phát triển của mô hình DVBLĐN

- Mô hình thuê dịch vụ là xu hướng phát triển của xã hội. Hiện nay nhiều tập đoàn kinh tế, các công ty lớn đang áp dụng, nếu xóa bỏ mô hình DVBLĐN sẽ gây khó khăn rất lớn cho các công ty bán lẻ sau này.

- Áp lực về tăng năng suất lao động của các TCTĐL so với các TCTĐL tại các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: một trong những lý do là họ không hoặc ít lực lượng thu tiền nằm trong biên chế chính thức; hình thức thu tiền điện tại hộ dân ở nước ta hiện nay là bằng tiền mặt (chưa qua tài khoản);

- Áp lực giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và năng lực sản xuất trong hoạt động SXKD: khi tăng biên chế đồng thời sẽ phải tăng đầu tư cơ sở vật chất, tăng chi phí quản lý, tăng lao động gián tiếp, ...

Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình DVBLĐN, không cách nào khác là cần phải kiện toàn, củng cố và nâng cao năng lực mô hình DVBLĐN; nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, chính sách, đảm bảo quyền lợi và khuyến khích các tổ chức DVBLĐN gắn bó với CTĐL/Điện lực; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để mô hình này hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
 


  • 04/11/2013 01:16
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 9047


Gửi nhận xét