Thợ điện vùng “rốn bão”

… Trên mảnh đất “đầu sóng ngọn gió”, không thể kể hết bao nhiêu lần con người phải oằn mình chống chọi với giông bão… Thợ điện làm việc trong vùng giông bão cũng vậy. Thiên nhiên khắc nghiệt làm cho công việc của họ vốn đã rất nhọc nhằn, lại thêm bội phần gian khó…

Chúng ta cùng lắng nghe tâm sự của những người thợ điện vùng “rốn bão”, từ đó, thấu hiểu hơn những hy sinh thầm lặng của họ và  phần nào có thể đồng cảm, sẻ chia…
 

Ảnh minh họa

Giông bão cũng thành… thơ

Tôi có dịp trò chuyện với anh Đinh Minh Thiện – Phó giám đốc Điện lực Cát Bà (Công ty Điện lực Hải Phòng) trong chuyến công tác tại Huyện đảo. Gương mặt hiền khô, ăn nói có duyên, lại rất yêu văn chương, anh Thiện được mọi người trong đơn vị đặt cho biệt danh “Thiện thi sỹ”. “Anh em đùa vậy thôi, chứ mình có biết văn thơ gì đâu, xuất thân là thợ điện mà. Thợ điện thì khô khan lắm… Nhưng cuộc sống trên đảo phải xa gia đình, xa người thân, quanh năm mở mắt là thấy sóng gió, nhiều lúc buồn đến nao lòng… Buồn quá thì viết cho nguôi ngoai, rồi ngâm nga cùng anh em cho vui, thế là thành thơ, nhưng là thơ… con cóc thôi. Anh Thiện lý giải về nguồn gốc biệt danh “Thi sỹ” của mình một cách tếu táo.

“Nhưng cuộc sống trên đảo không phải chỉ có những ngày trời yên biển lặng, mà còn rất nhiều lúc bão giông. Cứ mỗi cơn bão được dự báo sẽ xuất hiện, là anh em lại chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để trực chiến. Cho đến lúc bão về, rồi bão quét qua, quả thật là cả một cuộc chiến phòng – chống – khắc phục… đầy gian nan! Nhưng đó cũng là những thời khắc để lại cho những người thợ điện trên Huyện đảo rất nhiều kỷ niệm, mà mỗi khi nhớ đến, mình lại ghi ghi, chép chép, thành vần điệu, như là thơ…” – anh Thiện tâm sự rất chân thành.

Gian nan… nhưng rất tự hào!

Do đặc thù là một huyện đảo (với 2 hai đảo tách biệt là Cát Hải và Cát Bà), nên mỗi năm phải “đón tiếp” chục cơn bão là “chuyện thường ngày ở đảo”. Theo anh Thiện, đảo Cát Hải có vị trí địa lý ba mặt giáp biển, khi bão đến, nước thuỷ triều dâng cao, sóng to tràn đê gây ngập úng nặng, rất nguy hiểm cho người và hệ thống lưới điện. Còn khu vực đảo Cát Bà, lưới điện chủ yếu đi qua rừng và ven biển, địa hình phức tạp, nguy cơ sóng biển, đất đá sạt lở và cây cối gãy, đổ vào tuyến đường dây là rất cao, mỗi khi có  bão và mưa lốc đi kèm. Chính vì vậy, ý thức “sẵn sàng” luôn thường trực trong CBCNV Điện lực Cát Bà.

Để làm tốt công tác phòng chống bão lũ (PCBL), Điện lực Cát Bà đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho Ban chỉ huy PCLB, thành lập “Đội xung kích PCLB” và phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ huy PCLB của địa phương, sẵn sàng tác chiến bất kỳ lúc nào. “Khác với các đơn vị trên đất liền, PCBL trên đảo phải bắt đầu ngay từ khi có dự báo bão xa. Bởi nơi đây là “đầu sóng, ngọn gió” nên dù bão không vào đất liền, mà tan ngay trên biển hay biến thành áp thấp, thì ảnh hưởng của nó cũng không hề nhỏ” - anh Thiện cho biết.

Nhớ lại những lần trực bão, anh Thiện vẫn không khỏi bồi hồi: “Có những năm bão lớn, mấy cơn bão liên tiếp ập đến đảo, anh em Điện lực phải thường xuyên ứng trực 100% quân số, 24/24h. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, phương tiện, lương thực, thực phẩm… để chống bão, vậy mà có những đêm vẫn đói cồn cào, rét tái tê vì dầm mưa… Còn chuyện ăn mì tôm trực bão thì là chuyện hết sức bình thường…”

“Năm 2011 có 3 cơn bão lớn đổ bộ vào huyện Cát Hải. Đặc biệt, cơn bão số 3 nước biển tràn đê gây ngâp úng trên diện rộng tại khu vực thị trấn Cát Hải. Điện lực phải chủ động cắt điện 2 trạm biến áp để đảm bảo an toàn. Anh em phải trực sự cố thâu đêm suốt sáng… Nghe tiếng gió rít ù ù, mưa như trút nước, tâm trạng đứng ngồi không yên…” – Anh Thiện tâm sự.

Cũng có những cơn bão khủng khiếp như cơn bão số 8 năm 2012, gió xoáy  làm gẫy đổ hàng loạt cột điện hạ thế, đứt dây một số vị trí trên đường dây trung thế và hạ thế, hư hỏng nhiều tủ điện. Phải mất gần một tuần, Điện lực mới khắc phục xong. Một tuần khắc phục sự cố, cộng với thời gian chuẩn bị “đón” bão trước đó cộng với trực bão về, tức là gần nửa tháng toàn bộ anh em Điện lực đội gió, dầm mưa… mà vẫn phải khỏe, mà không dám ốm, không được ốm, thật đấy” – giọng anh Thiện chân thành pha chút xúc động…

Và động lực để những cán bộ nhân viên Điện lực Cát Bà bám trụ cơ sở, vượt qua những khó khăn, chống chọi với bão lũ hằng năm chính là tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng. CBCNV Điện lực luôn xác định rõ, giữ dòng điện ổn định, thông suốt cho nhân dân, dù là khó khăn, nhưng cũng chính là niềm vinh dự lớn…

“Gian nan, nhưng rất đỗi tự hào” – Anh Thiện chia sẻ với niềm vui chân thành. Và sau mỗi cơn bão qua, biển lại bình yên, đảo lại đẹp như mơ, điện lại sáng bừng lên đầy hy vọng. Những người thợ điện vùng “rốn bão” lại làm thơ, ngâm nga cho nhau nghe, tiếp thêm sức mạnh, sẵn sàng đương đầu với bất kỳ cơn bão nào đang hình thành ngoài khơi xa…

“Đêm trên bến Phà Ninh Tiếp, đảo Cát Hải tĩnh mịch, buồn hiu hắt… Những con tầu chở hàng chờ cập cảng Hải Phòng đang neo tít ngoài xa dập dềnh, ánh đèn mờ hắt xuống mặt biển đen thẫm. Thị trấn Cát Hải đang chìm trong giấc ngủ. Những cơn gió lang thang mang theo hương vị của cánh đồng muối ven đường thân quen, mặn chát… Nhưng anh em Điện lực Cát Bà vẫn không ngủ được, bởi bản tin dự báo thời tiết tối nay cho biết, ngoài xa khơi, một cơn bão lớn đang hình thành”…

(Trích nhật ký của anh Đinh Minh Thiện – Phó giám đốc Điện lực Cát Bà)

 


  • 01/11/2013 10:24
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3490


Gửi nhận xét