Công ty ĐHĐ thực hiện hiệu quả công tác phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn cho hạ du

Để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (Công ty ĐHĐ) tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra thiết bị, phối hợp với địa phương và các đơn vị bạn trên lưu vực sông Đồng Nai để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống lụt bão và vận hành các hồ chứa thủy điện tuân thủ quy trình, đảm bảo an toàn cho hạ du.

Thông tin trên được ông Đỗ Minh Lộc - Phó Tổng giám đốc Công ty ĐHĐ đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 và triển khai hương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Công ty ĐHĐ.

Hội nghị với sự tham dự của đại diện Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận và các huyện Đơn Dương, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc, Tổng công ty Phát điện 1 và các đơn vị thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai.

Theo báo cáo, trong năm 2023, trên khu vực công trình thủy điện Đa Nhim, Hàm Thuận và Đa Mi không xuất hiện thời tiết thiên tai bất thường, lưu lượng trung bình về các hồ chứa không đồng đều: Lưu lượng về hồ Đơn Dương trong các năm gần đây xấp xỉ nhau, năm 2023 là 27,46 m3/s, năm 2022 là 28,56 m3/s và năm 2021 là 28,41 m3/s, cao hơn lưu lượng trung bình nhiều năm (1978-2017) là 22,40 m3/s; lưu lượng về hồ chứa Hàm Thuận năm 2023 cao hơn các năm trước và trung bình nhiều năm, cụ thể: Năm 2023 là là 58,22 m3/s, năm 2022 là 46,19 m3/s, năm 2021 là 56,32 m3/s và lưu lượng trung bình nhiều năm (1952-2016) la2 50,40 m3/s.

Toàn cảnh hội nghị.

Cuối năm 2023, mực nước của các hồ chứa Đơn Dương và Hàm Thuận tích đến mực nước dâng bình thường, tạo điều kiện để hồ chứa phát điện và cấp nước trong mùa cạn năm 2024.

Công ty ĐHĐ đã thực hiện công tác bảo trì và vận hành hồ chứa thủy điện Đa Nhim, Hàm Thuận và Đa Mi theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai, Quy trình vận hành đơn hồ và Quy trình bảo trì công trình; đã xây dựng phương án diễn tập và kế hoạch diễn tập công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, công tác diễn tập đã đạt được yêu cầu theo mục đích đã đề ra, mang lại ý nghĩa thiết thực cho cán bộ, công nhân viên trong Công ty, đặc biệt là lực lượng Trưởng ca vận hành và Điều hành viên đập tràn trong việc tổ chức thực hiện công tác xả tràn, vận hành hồ chứa và xử lý các tình huống liên quan đến an toan toàn đập; thực hiện tốt nguyên tắc “4 tại chỗ”; xây dựng bản đồ ngập lụt và hệ thống cột tiêu hạ du hồ Đơn Dương và hồ Hàm Thuận nhằm cảnh báo những khu vực có nguy cơ ngập lụt, góp phần đảm bảo an toàn cho người dân.

Công ty ĐHĐ đã thực hiện cấp nước hạ du theo thỏa thuận đã ký kết với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận và UBND huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, trong nửa cuối năm 2024 sẽ ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, đầu mùa nắng nóng vẫn sẽ xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên các tỉnh trên toàn quốc; trong đó, khu vực Bắc Bộ trọng tâm nắng nóng sẽ rơi vào tháng 5, 6; khu vực Trung Bộ có thể kéo dài sang tháng 7 và tháng 8; khu vực Nam Bộ hiện nay đang xảy ra nắng nóng trên diện rộng, cao điểm nắng nóng ở khu vực Nam Bộ sẽ rơi vào tháng 3 và tháng 4.

Sau đó, khoảng cuối tháng 6, mùa bão trên khu vực Biển Đông sẽ bắt đầu, mùa bão năm nay sẽ chịu ảnh hưởng chính của pha La Nina. Do đó, các tháng cuối năm bão sẽ tập trung nhiều hơn khoảng tháng 9 cho đến tháng 11. Cùng với việc bão tập trung vào cuối năm thì mưa lớn cũng sẽ xảy ra nhiều ở khu vực Trung Bộ, đặc biệt là khu vực Trung và Nam Trung bộ trong các tháng cuối năm từ tháng 9 cho đến tháng 11.

Tại Hội nghị, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương và các đơn vị tham dự tập trung thảo luận, đánh giá tình hình thiên tai, công tác dự báo, cảnh báo và nhận định về tình hình thiên tai năm 2024. Đồng thời, đưa ra các giải pháp nhằm chủ động phòng chống, ứng phó với sự cố thiên tai và phương án tìm kiếm cứu nạn khi có thiên tai xảy ra để đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối và giảm nhẹ thiên tai cho vùng hạ du.

Công ty ĐHĐ kiến nghị các cơ quan, chính quyền và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Công ty trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhất là việc cảnh báo thường xuyên và kịp thời, tuyên truyền sâu rộng cho dân cư vùng hạ du đập tràn, hồ chứa về nguy cơ xả lũ của hồ chứa, khi vận hành phát điện nhằm có biện pháp đối phó, phòng ngừa hữu hiệu, tránh nguy cơ xảy ra tai nạn; tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân các địa phương không hoạt động xâm hại (đổ đất thu hẹp dòng chảy, xây nhà kiên cố, đào phá đất đá khu vực lòng sông, bờ sông) hạ lưu sông Đa Nhim, sông La Ngà, sông Đa Mi, hành lang bảo vệ hồ, đập; phối hợp với Công ty ĐHĐ để bảo vệ tốt các mốc hành lang bảo vệ công trình.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Đỗ Minh Lộc - Phó Tổng giám đốc Công ty ĐHĐ cám ơn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương, đại diện chính quyền địa phương, Đài khí tượng thủy văn, các Công ty thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai và các đại biểu đã tham dự Hội nghị và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng.

Để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, Công ty ĐHĐ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra thiết bị, phối hợp với địa phương và các đơn vị bạn trên lưu vực sông Đồng Nai để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống lụt bão và vận hành các hồ chứa thủy điện tuân thủ quy trình, đảm bảo an toàn cho hạ du; đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân trong việc bảo vệ hành lang dòng chảy thoát lũ, hạn chế canh tác nông nghiệp trên các bãi bồi ven sông vào mùa lũ nhằm giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho hạ du.

Link gốc


  • 26/07/2024 09:26
  • Theo: baolamdong.vn
  • 4805