Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế: 5 giải pháp trong lộ trình chuyển đổi số

Thực hiện chủ đề “Chuyển đổi số” trong năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thời gian qua Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế (PC Thừa Thiên - Huế) tổ chức làm việc với từng phòng, ban trong Công ty để hiểu rõ bản chất về chuyển đổi số, nhận thức được tầm quan trọng việc thay đổi tư duy trong công việc, cũng như những thách thức, giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong thời gian tới.

Đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin

Theo đại diện PC Thừa Thiên - Huế, trong những năm qua, hạ tầng viễn thông dùng riêng (VTDR) và công nghệ thông tin (CNTT) của Công ty đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu điều hành sản xuất nội bộ cũng như cung cấp các dịch vụ khách hàng trên nền tảng số.

Cụ thể, hệ thống VTDR đảm bảo kênh truyền cho 100% TBA 110kV kết nối về trung tâm điều khiển (TTĐK) và A3 trên nền tảng công nghệ SDH với cấu trúc mạch vòng. Thiết bị SCADA/DMS được đầu tư đồng bộ, với khả năng dự phòng cao, hiệu năng xử lý đáp ứng các yêu cầu giám sát điều khiển và các ứng dụng tự động hoá trên lưới điện phân phối. Hạ tầng phòng máy chủ đảm bảo môi trường vận hành ổn định liên tục, an toàn cho hệ thống VTDR và CNTT.

Lực lượng cán bộ, kỹ sư có năng lực về khoa học công nghệ, đã chủ động trong việc triển khai và làm chủ công nghệ của các hệ thống CNTT. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã trang bị máy tính và các thiết bị tin học văn phòng tương đối đầy đủ, đáp ứng yêu cầu làm việc của cán bộ công nhân viên.

PC Thừa Thiên - Huế là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả các ứng dụng CNTT dùng chung trong tất cả các lĩnh vực của EVN và EVNCPC triển khai. Trong đó, công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng được ứng dụng các nghiệp vụ trên nền tảng CMIS3.0, hoá đơn điện tử, số hoá hợp đồng, CRM, App CSKH, dịch vụ công cấp độ 4. Hệ thống thu thập và quản lý điện kế tự động RF-Spider, DSPM, HES; hệ thống CPC-eOffice được triển khai đến toàn bộ CBNV, khai thác thông tin trên CPC PortalNew; hệ thống ERP đã được triển khai 16 phân hệ; hệ thống phần mềm IMIS, đã số hoá các hồ sơ dự án và thực hiện đấu thầu điện tử; triển khai ứng dụng hiệu quả hệ thống SCADA, bước đầu khai thác một số phân hệ trên phần mềm DMS. Ứng dụng phần mềm OMS quản lý mất điện, nhật ký vận hành điện tử…

Bên cạnh đó, PC Thừa Thiên - Huế đã chủ động phát triển một số ứng dụng phục vụ các nghiệp vụ điều hành như cổng thông tin nội bộ, CMISPortal và đặc biệt Công ty đã tự chủ trong việc triển khai số hoá và xây dựng cơ sở dữ liệu lưới điện trên nền tảng bản đồ thông tin địa lý GIS….

Thực hiện phiếu công tác điện tử trên điện thoại thông minh là một trong những chương trình "chuyển đổi số" của PC Thừa Thiên - Huế, giúp giảm thời gian đi lại, kịp thời cấp điện cho khách hàng.

Các giải pháp thực hiện chuyển đổi số

Với mục tiêu phấn đấu PC Thừa Thiên - Huế sớm trở thành một doanh nghiệp số theo lộ trình chuyển đổi số của EVN, EVNCPC, mọi lĩnh vực tác nghiệp sản xuất kinh doanh được thực hiện và kiểm soát trên môi trường số. Đồng thời, chuyển đổi số phải thực sự là động lực, cơ hội để thay đổi, nâng cao hiệu quả, khẳng định vị thế của đơn vị trong ngành điện cũng như trên địa bàn tỉnh. PC Thừa Thiên - Huế đã đưa ra 5 thách thức và coi đây là những giải pháp để thực hiện quá trình chuyển đổi số trong giai đoạn tới.

Ông Nguyễn Đại Phúc – Phó Giám đốc PC PC Thừa Thiên - Huế cho biết, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Tuy nhiên, để thực hiện lộ trình chuyển đổi số, PC Thừa Thiên - Huế gặp phải những thách thức, trong đó xác định 5 thách thức và coi đây là những giải pháp trọng tâm để thực hiện bao gồm:

Về nhận thức và ý chí, động lực của lãnh đạo: nhận thức đúng đắn để chấp nhận sự thay đổi cách điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị trên môi trường số.

Về chất lượng nguồn nhân lực: thái độ chuyên nghiệp, kỹ năng sử dụng làm chủ các ứng dụng công nghệ của cán bộ công nhân viên đáp ứng yêu cầu làm việc trên môi trường số.

Về quy trình nghiệp vụ: toàn bộ các nghiệp vụ của hoạt động sản xuất kinh doanh phải được thực hiện và kiểm soát trên hệ thống quy trình, quy định chặt chẽ, thường xuyên được nâng cấp, cập nhật để phù hợp với các giải pháp công nghệ số.

Về giải pháp công nghệ: ứng dụng các giải pháp công nghệ trên nền tảng số phù hợp năng lực và điều kiện sản xuất, phát huy được hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động.

Về hạ tầng số: hạ tầng số phải đáp ứng yêu cầu hoạt động của doanh nghiệp trong môi trường số với độ ổn định cao và tính bảo mật tốt.

“Mục tiêu cụ thể là tăng cường nhận thức về chuyển đổi số, nhằm đảm bảo 100% tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên từng đơn vị nhận thức đúng về khái niệm chuyển đổi số. Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với việc thường xuyên tổ chức đào tạo và kiểm tra sát hạch CNTT cho CBCNV các đơn vị theo các phân nhóm năng lực. Hoàn thiện, số hóa các quy trình nghiệp vụ và triển khai các giải pháp công nghệ để thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực công tác, đặc biệt chú trọng công tác hạ tầng số, công nghệ thông tin để thực hiện lộ trình chuyển đổi số”, ông Nguyễn Đại Phúc cho biết thêm.

Link gốc


  • 16/04/2021 04:22
  • Nguồn: congthuong.vn
  • 4683