(Ảnh minh họa)
|
Ngay từ năm 2003, Tổng công ty Điện lực TP HCM đã phối hợp với Ngân hàng Vietcombank thực hiện hình thức thanh toán tiền điện qua thẻ ATM. Việc triển khai hình thức này đã tạo thuận lợi cho khách hàng, những người ít có thời gian đến các điểm thu trong giờ hành chính.
Phát huy tiện ích này, EVN HCMC tiếp tục tạo ra nhiều kênh thanh toán tiền điện cho khách hàng. Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng công ty đã hợp tác triển khai dịch vụ với 25 ngân hàng và đối tác, qua trên 2.000 điểm thu ngoài hệ thống điện lực bằng các hình thức: SMS banking, thanh toán tự động qua tài khoản ngân hàng, thanh toán qua internet banking...
Ngoài ra, EVN HCMC còn hợp tác thử nghiệm với Công ty CP dịch vụ trực tuyến cộng đồng Việt (VietUnion) triển khai thanh toán tiền điện qua Payoo. Khách hàng có thể chủ động thanh toán tiền điện thông qua mạng lưới các cửa hàng bán lẻ đã kết nối dịch vụ với Payoo hoặc thanh toán trực tuyến thông qua internet bằng ví điện tử.
Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã ký hợp đồng với 5 ngân hàng gồm Agribank, ABBank, BIDV, Vietinbank và VIB về hợp tác thu hộ tiền điện qua nhiều kênh: Trích nợ tự động, chuyển tiền, nộp tiền tại quầy, Mobile banking, ngân hàng trực tuyến và máy rút tiền/ điểm chấp nhận thẻ…
Ông Nguyễn Phước Đức – Trưởng ban Kinh doanh EVN SPC cho biết: “Với hình thức thanh toán đa dạng, khách hàng có thể tiết kiệm được thời gian, chủ động trong công việc, tránh được trường hợp cắt điện vì để nợ quá hạn. Đối với các doanh nghiệp, khách hàng có thể cung cấp mã khách hàng trên giấy báo tiền điện hoặc các hóa đơn tiền điện trước đó đến chi nhánh các ngân hàng gần nhất để nộp tiền điện. Ngoài ra, khách hàng doanh nghiệp còn được hưởng nhiều ưu đãi khi sử dụng dịch vụ này như: Được khấu chi để thanh toán hóa đơn tiền điện với lãi suất ưu đãi khi có thiếu hụt tài chính tạm thời, được miễn phí chuyển tiền trong vòng 1 năm…”.
Cùng với các hình thức thanh toán tiền điện tại ATM và quầy giao dịch, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) còn hợp tác với Ngân hàng VietinBank triển khai thêm kênh thanh toán qua iPay. Theo đó, khách hàng có thể tự thực hiện nhiều tiện ích dịch vụ thiết thực, bao gồm: Truy vấn thông tin nợ cước, thực hiện thanh toán cước, xem thông tin hóa đơn đã thanh toán. Mọi thông tin liên quan đến giao dịch hoàn toàn được bảo mật nhờ công nghệ xác thực OTP – mật khẩu thay đổi theo từng lần giao dịch.
Tháng 11 vừa qua, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội cũng đã hợp tác với Ngân hàng Quốc tế (VIB) về việc thu hộ tiền điện. Theo ông Phạm Long Giang - Giám đốc Phát triển Kinh doanh - Hội sở VIB cho biết, mỗi khách hàng đăng ký đề nghị sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện qua VIB sẽ được lựa chọn các hình thức thanh toán như chuyển khoản tự động, thanh toán tại quầy, mobile banking hoặc internet banking. Khách hàng cũng có thể nhận hoá đơn tiền điện tại công ty điện lực hoặc không cần nhận hoá đơn và có thể tra cứu thông tin hoá đơn tiền điện trên trang web.
Bà Bùi Thị Lan, xã An Phú, TP Tuy Hòa cho biết: “Tôi thường xuyên đi công tác xa nhà, nên nhiều lần thanh toán tiền điện trễ và thỉnh thoảng bị cắt điện. Ngành Điện thực hiện thanh toán tiền điện qua ngân hàng đã tạo điều kiện cho tôi rất nhiều, tôi có thể thanh toán tiền bất cứ ở đâu. Thủ tục cũng đã được cải tiến theo hướng đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện hơn cho người sử dụng”.
Ông Dương Ngọc Ngữ - Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội cho hay: “Việc mở rộng và đa dạng hóa các hình thức thu tiền điện tạo cảm giác thoải mái, chủ động cho chúng tôi khi thực hiện thanh toán tiền điện”.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Long Giang, để triển khai thuận lợi các dịch vụ thanh toán mới một cách hiệu quả, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đối tác ngoài ngành, xây dựng quy trình, kiểm soát chặt chẽ giữa các khâu, tránh chồng chéo. Mặt khác, xây dựng mức phí hợp lý để khuyến khích ngân hàng mở rộng hoạt động trong thu tiền điện và quản lý hóa đơn.