Đảm bảo an ninh năng lượng là thách thức lớn trong những năm tới

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại Hội thảo chuyên đề “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững”, ngày 17/1, tại Hà Nội.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhận định, biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn cho quá trình phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. 

Bên cạnh những tác động tiêu cực trực tiếp đe dọa đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, biến đổi khí hậu cũng gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến an ninh năng lượng. Đây là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó, có Việt Nam hết sức quan tâm.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội thảo

“Sự mất ổn định của những nguồn cung năng lượng, nhất là năng lượng sơ cấp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ tác động lớn đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá mối tác động kép này để chủ động phòng chống biến đổi khí hậu và đưa ra các giải pháp củng cố an ninh năng lượng quốc gia đảm bảo phát triển bền vững là việc làm hết sức cần thiết” - ông Nguyễn Văn Bình cho biết.

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry - Chủ tịch danh dự Quỹ Carnegie vì Hoà bình Quốc tế cũng khẳng định, thách thức biến đổi khí hậu là vấn đề rất lớn trên thế giới, không riêng đối với Việt Nam.

Biến đổi khí hậu luôn có mối quan hệ chặt chẽ với ngành năng lượng. Với tốc độ tăng trưởng năng lượng khá cao như Việt Nam hiện nay thì Việt Nam cần quan tâm, thực thi những giải pháp hữu hiệu để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển dần những nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng mới và tái tạo. Đây xu thế chung để giải quyết vần đề phát triển năng lượng bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh (thứ 2 từ phải sang) chia sẻ tại Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được Chính phủ giao cho nhiệm vụ đóng vai trò trụ cột trong đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Mỗi quốc gia đều phải trải qua 3 giai đoạn phát triển về năng lượng. Giai đoạn thứ nhất kém phát triển, tốc độ tăng trưởng rất thấp (tương tự như Việt Nam trước năm 1990). Giai đoạn 2, GDP phát triển nhanh nên điện cũng phát triển nhanh (tương tự như Việt Nam hiện nay với sản lượng điện thương phẩm tăng trên 10% mỗi năm). Giai đoạn cuối cùng là giai đoạn bão hòa, phát triển chậm. Với 3 giai đoạn phát triển như vậy, mỗi quốc gia tùy vào điều kiện tự nhiên, các nguồn năng lượng sơ cấp của mình đề ra chính sách phát triển năng lượng cho phù hợp nhất.

“Năm 2018, Việt Nam sản xuất trên 200 tỷ kWh và đến 2030 dự kiến sản xuất 570 tỷ kWh để đáp ứng cho nền kinh tế. Trong khi đó, các nguồn năng lượng sơ cấp ở nước ta đã hết. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành Điện Việt Nam”, ông Nguyễn Tài Anh chia sẻ.

Ông Nguyễn Tài Anh cũng đưa ra 3 tiêu chí để phát triển năng lượng là: Vận hành hệ thống điện tin cậy nhằm đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng; phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và giá điện phải phù hợp với nền kinh tế. 

Đối với phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), ông Nguyễn Tài Anh cho biết thêm: Việt Nam đã có nhiều chính sách, khuyến khích để đưa NLTT vào vận hành. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này chỉ có thể bù đắp, chứ không thể thay thế cho năng lượng truyền thống.

Ngoài ra, ở Việt Nam, thời gian vận hành điện gió chỉ khoảng 2.000 giờ/năm, trong khi các nước Bắc Âu 4.000-4.500 giờ/năm; điện mặt trời ở khoảng 1.700-1.800 giờ/năm, trong khi các nước châu Phi, Trung cận Đông là 3.500-4.000 giờ/năm. Do đó, giá NLTT của Việt Nam không thể rẻ như các nước trên thế giới. Mặc dù giá điện mặt trời Việt Nam là 9,35 Uscents, cao hơn nhiều so với các nước châu Âu, Mỹ, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn nghe ngóng, tính toán kỹ lưỡng để đầu tư.

"Việc phát triển NLTT là tốt, rất cần thiết, nhưng phải thực hiện theo lộ trình để đảm bảo an ninh năng lượng và an toàn hệ thống”, ông Nguyễn Tài Anh chia sẻ.

Ông Cao Đức Phát - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương

Các ý kiến đóng góp tâm huyết, sâu sắc, có tầm nhìn với những luận cứ khoa học, thực tiễn cụ thể và kinh nghiệm của các nhà lãnh đạo, chuyên gia trong và ngoài nước tại Hội thảo rất hữu ích trong việc kịp thời nhận định tình hình, đánh giá đúng những tồn tại và tìm kiếm những giải pháp hợp lý để Việt Nam chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững. 


  • 17/01/2019 05:21
  • Bài, ảnh: Đinh Liên
  • 19789