Đảm bảo giá điện cho công nhân thuê trọ

Tại cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với công nhân lao động (CNLĐ) các tỉnh Đồng bằng sông Hồng tháng 5/2018, công nhân khu công nghiệp (KCN) Đồng Văn (Hà Nam) đã phản ánh tình trạng giá điện “chặt chém” tại các khu nhà trọ. Đây cũng là thực trạng chung tại các khu vực tập trung đông CNLĐ trong cả nước.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương phối hợp giải quyết. Sau gần 2 tháng có chỉ đạo của Thủ tướng, PV Báo Lao Động đã tìm hiểu việc lãnh đạo các tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương đã kiểm tra, xử lý vấn đề như thế nào để đời sống sinh hoạt của công nhân ở trọ nói riêng và người ở trọ nói chung không phải chịu gánh nặng vì phải trả quá nhiều tiền điện, nước.

Vẫn còn nhiều nơi “sốc” vì giá điện

Theo ghi nhận của Lao Động, công nhân tại KCN Bắc Thăng Long phải đóng tiền điện trong tháng này và được biết, họ vẫn phải trả cao hơn so với mức thu tối đa quy định.

Cụ thể, trên địa bàn các khu trọ như thôn Bầu, Hậu Dưỡng, gần KCN Bắc Thăng Long, các chủ nhà trọ vẫn thu của công nhân (CN) từ 3.000 - 3.500 đồng/kWh điện.

Qua tìm hiểu, hầu hết các CN đều nắm được thông tin các chủ nhà trọ không được thu điện cao hơn giá quy định, nhưng bản thân CN hầu như không dám phản ứng lại với chủ xóm trọ vì sợ bị đuổi đi, không cho ở nữa. Do đó, họ cắn răng nộp tiền điện cao hơn mức quy định.

“Tôi thường nộp tiền trọ vào ngày 30 hàng tháng. Điện tháng này tôi dùng là 30 kWh, không có điều hòa hay tủ lạnh gì, với giá tiền là 3.000 đồng/kWh, tổng là mất 90.000 đồng tiền điện. Tiền nước là 20.000 đồng/khối, mà có khi còn dùng nước giếng khoan, không được dùng nước sạch, tiền phòng trọ là 650.000 đồng. Một tháng nếu tiết kiệm tôi cũng mất khoảng 800.000 - 900.000 đồng tiền thuê nhà trọ, điện nước.

Nhưng nếu các chủ trọ tính theo đúng giá quy định của nhà nước về tiền điện, nước thì tôi sẽ có một khoản dư nho nhỏ để bù vào tiền sinh hoạt sẽ tốt hơn” - anh Bùi Linh (đang trọ tại thôn Hậu Dưỡng, làm việc tại Cty Yamaha, KCN Bắc Thăng Long) cho biết.

Chị Đỗ Thị Lĩnh (làm việc tại Cty Sei, KCN Bắc Thăng Long, thuê trọ sau khu chợ Mun) rất bức xúc vì chủ trọ thu giá tiền điện, tiền nước cao. Chị chia sẻ, xóm trọ của chị nhiều lần nêu ý kiến với bà chủ nhà trọ nhưng mọi việc vẫn không thay đổi.

Tháng này, mặc dù đã có thông tin rằng chủ nhà trọ không được thu quá 2.300 đồng/kWh điện của người thuê trọ nhưng chị Lĩnh vẫn phải đóng 3.500 đồng/kWh điện. Mỗi tháng, theo hóa đơn tính tiền điện của chủ xóm trọ, chị Lĩnh dùng hết 90 kWh điện, chỉ tính riêng tiền điện chị đã mất 315.000 đồng. Trung bình mỗi tháng, chị Lĩnh bỏ ra 800.000 đồng tiền phòng trọ và 600.000 đồng tiền điện, nước.

Điều đáng nói là hầu hết CN và chủ nhà trọ thỏa thuận tiền nhà và nộp tiền nhà hàng tháng qua miệng, CN không được giữ bất cứ một loại giấy tờ gì liên quan. Có chăng, các tháng thu tiền phòng, tiền điện, nước được ghi trong 1 cuốn sổ của chủ nhà trọ; một vài CN cẩn thận thì chụp lại, không thì thôi. Nhiều CN cũng bày tỏ mong muốn chủ nhà trọ giảm tiền điện, tiền nước thì tốt, nhưng họ không giảm thì cũng không biết làm sao, CN phải chịu.

Khảo sát của phóng viên tại Bắc Ninh cho thấy, nhiều CN thuê trọ vẫn đang phải trả tiền điện giá cao hơn nhà nước quy định. Chị H.L (làm việc tại Samsung Bắc Ninh) chia sẻ, chị đang trọ cùng với em gái tại xã Ô Cách, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Chị cho biết, hiện chị không nắm rõ giá 1 kWh điện, bởi tại khu trọ này, 1 tháng, chị phải trả trọn gói cả tiền thuê trọ, điện, nước, tiền rác hết 800.000 đồng (nếu 1 phòng có 2 người). “Dùng bao nhiêu cũng chỉ hết bằng đấy tiền thôi; nếu ở một mình thì hết 700.000 đồng/người” - chị H.L nói.

Tình trạng tương tự tại TPHCM, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều người đi thuê trọ khi được hỏi về việc nhà nước có quy định bán điện đúng giá cho người thuê nhà, trường hợp nếu bị thu tiền điện cao hơn giá nhà nước quy định hiện nay (bậc 1, cho kWh từ 0-50 có giá 1.549 đồng/kWh) thì người thuê trọ có gọi báo cho ngành Điện để đòi quyền lợi không? Nhiều người thuê trọ lắc đầu, cho rằng, nếu gọi điện báo, khiếu nại sẽ bị chủ nhà lấy lại phòng trọ, không cho thuê. Nhiều người thuê trọ biết mình đang mua điện giá cao nhưng chấp nhận bị “móc túi” và để tiết kiệm, người thuê trọ sẽ hạn chế sử dụng thiết bị điện.

Gia đình công nhân thuê nhà trọ tại ấp Đông (xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn, TPHCM)

Phía Tổng công ty Điện lực TPHCM cho rằng, việc triển khai bán điện đúng giá cho người thuê trọ được đơn vị này thực hiện từ năm 2009. Hàng năm, ngành Điện chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, cũng như các hiệp, hội như Liên đoàn Lao động TPHCM, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… để phối hợp tuyên truyền về chính sách áp dụng giá điện cho công nhân, sinh viên, người thuê trọ đến các chủ nhà trọ và người ở trọ, song song với việc vận động chủ nhà trọ thu tiền điện đúng giá quy định.

Sau nhiều năm kiên trì, đến nay, mô hình này đã vận động 169.122 lượt chủ nhà trọ lập cam kết thu tiền điện đúng giá quy định, qua đó đã giải quyết cho 1.478.971 công nhân, sinh viên, người thuê trọ được sử dụng điện đúng giá quy định, tăng 10.355 người so với thời điểm cuối năm 2017 là 1.468.616 người.

Nói về thực trạng hiện nay vẫn còn số lượng nhà trọ thu tiền điện của người thuê trọ giá cao, phía Tổng công ty Điện lực TP HCM cũng cho rằng, số lượng nhà trọ mới thành lập và một số nhà dân tận dụng phòng trống để cho thuê phát sinh mới tăng lên, nhân viên ngành Điện không kiểm soát hết.

Đặc biệt, việc xử phạt chủ nhà trọ thu điện giá cao của người thuê trọ là trách nhiệm của Thanh tra Sở Công thương, ngành Điện chỉ có thể vận động, tuyên truyền để người cho thuê và người thuê trọ hiểu quyền lợi của mình mà thực hiện.

Ông Phạm Quốc Bảo - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM - cho biết: “Chúng tôi tiếp tục duy trì việc tuyên truyền sâu rộng về chính sách giá bán điện cho công nhân, sinh viên, người thuê trọ thuê nhà để ở đến tất cả các chủ nhà trọ và các đối tượng sử dụng điện là công nhân, sinh viên, người thuê trọ đang thuê nhà để ở. Song song với việc chủ động lập kế hoạch thực hiện và tích cực phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong công tác kiểm tra, lập biên bản và xử lý các trường hợp chủ nhà trọ vi phạm quy định về áp giá bán điện đối với công nhân, sinh viên, người thuê trọ thuê nhà để ở trên địa bàn thành phố.

Tìm giải pháp để người lao động không “ngột ngạt” về tiền điện

Trong buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với CNLĐ tỉnh Bắc Ninh vào tháng 6/2018, CN đề nghị lãnh đạo tỉnh cần có giải pháp trước thực trạng CNLĐ làm việc trong các KCN thuê nhà trọ ở các xã lân cận đang phải trả tiền điện cao hơn giá điện sinh hoạt của người dân địa phương. Trả lời câu hỏi này, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến khẳng định, CN thuê nhà trọ được hưởng giá như nhà nước quy định, bằng giá mà các hộ gia đình phải trả; nếu chủ nhà trọ nào thu giá điện cao hơn quy định là vi phạm pháp luật và phải bị xử lý theo pháp luật.

Sau buổi đối thoại này, UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Công ty Điện lực Bắc Ninh, UBND cấp huyện rà soát tất cả các cơ sở cho thuê nhà, kiểm tra việc thu tiền điện của CN, hướng dẫn các chủ cơ sở cho thuê thực hiện theo đúng quy định; báo cáo kết quả, đề xuất các giải pháp cho UBND tỉnh trước ngày 31/8/2018.

Trong khi đó, ông Lê Văn Tiến - chủ khu nhà trọ 20 phòng, tại thôn Thần Nữ, xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam - cho biết, vừa qua, Công ty Điện lực Hà Nam đã mời các chủ khu nhà trọ tới để ký hợp đồng cung cấp điện. Theo đó, từ tháng 7/2018, phía Công ty Điện lực Hà Nam sẽ lắp cho mỗi hộ kinh doanh nhà trọ có công nhân thuê phòng 1 công tơ, để chủ nhà trọ cung cấp cho các hộ gia đình công nhân.

Với hợp đồng mới này, phía Công ty Điện lực Hà Nam không áp dụng thu giá điện theo cách tính thông thường là tính theo lũy tiến mà sẽ áp dụng 1 mức giá “nét” (đã tính cả các loại thuế) là 2.248 đồng/kWh. Sau khi căn cứ vào mức giá mà Công ty Điện lực Hà Nam ấn định, các chủ nhà trọ sẽ tính thêm các khoản chi phí đường dây, để thu của CN thuê trọ mỗi kWh khoảng 2.400-2.500 đồng (tùy từng chủ nhà).

Bộ Công Thương đã có yêu cầu các Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Công ty Điện lực tăng cường công tác kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền những vi phạm trong việc thực hiện giá bán lẻ điện tại các địa điểm cho thuê nhà để ở. Theo khẳng định của Bộ Công Thương, việc này nhằm đảm bảo cho người thuê nhà được áp dụng đúng các quy định về giá bán lẻ điện sinh hoạt quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-BCT.

Theo quy định, cứ 4 người được tính là 1 hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt (1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là 1 định mức). Chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung.

Theo Bộ Công Thương, việc chủ nhà cho thuê thu tiền điện của sinh viên, người lao động thuê nhà để ở theo giá điện cho mục đích kinh doanh là vi phạm quy định pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 6, Điều 12 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17.10.2013 của Chính phủ. Cụ thể: “Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt”.

 

Hà Nam: 100% số chủ nhà trọ ký cam kết bán điện đúng giá

Theo Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Nam - Nguyễn Văn Minh, để thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc thực hiện giá bán lẻ điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà để ở, để đảm bảo quyền lợi cũng như việc áp giá bán lẻ điện đúng mục đích theo quy định với những đối tượng trên, Sở Công Thương đã chỉ đạo Công ty phối hợp với phòng kinh tế và hạ tầng các huyện rà soát lại toàn bộ các khách hàng là chủ nhà trọ cho sinh viên và người lao động thuê nhà để ở.

Trong quá trình thực hiện, Công ty đã phối hợp với các công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, công đoàn khu công nghiệp có người lao động đang thuê nhà để ở về những vấn đề liên quan đến việc mua bán điện, giá bán lẻ điện được áp dụng tại các khu nhà ở cho NLĐ, công nhân thuê để ở. Nếu các chủ nhà trọ không chấp hành mà thu theo mức giá mình tự đặt ra cao hơn mức giá quy định của giá điện bán lẻ phục vụ cho mục đích sinh hoạt là vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt trừ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Đến nay 100% (582/582) số chủ nhà cho công nhân thuê trọ đã ký cam kết bán điện đúng giá cho công nhân và sinh viên thuê nhà. Ông Minh cho rằng, để thực hiện tốt vấn đề, quan trọng nhất là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và tuyên truyền đến tận các khu xóm trọ và các công đoàn cơ sở để mọi người hiểu và thực hiện.


  • 11/07/2018 12:37
  • Theo Báo Lao động Điện tử
  • 20262