Để hoạt động công đoàn ngày càng thiết thực

Công đoàn sẽ tiếp tục đổi mới tổ chức và phương pháp hoạt động theo hướng thiết thực đi vào chiều sâu; làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đó là khẳng định của Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Khuất Quang Mậu trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện lực.

Ông Khuất Quang Mậu

PV: Thưa ông, những năm gần đây, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức các phong trào thi đua thế nào để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của Tập đoàn? 

Ông Khuất Quang Mậu: Từ năm 2013 đến nay, EVN có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, nhân sự lãnh đạo chủ chốt, nhiều chủ trương lớn được triển khai theo hướng tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tối ưu hóa chi phí, đẩy mạnh khoa học công nghệ... Hoạt động công đoàn theo đó cũng được điều chỉnh, hướng về cơ sở hơn, nhiều nội dung, chương trình thiết thực và phù hợp hơn. 

Hàng năm, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam (ĐLVN) đều phối hợp với Tổng giám đốc Tập đoàn ban hành Chỉ thị liên tịch phát động thi đua, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Các nội dung thi đua tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn và đơn vị, được cụ thể hóa bám sát các chủ đề năm. Thay vì những hoạt động mang tính phong trào, bề nổi, Công đoàn ĐLVN đã xây dựng chương trình công tác có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó, các đơn vị cũng đẩy mạnh phong trào thi đua chuyên đề, như: Thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng... góp phần nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, tiết kiệm chi phí...

PV: Công đoàn ĐLVN đã quan tâm đến các vấn đề “sát sườn” liên quan đến quyền lợi của người lao động như thế nào, thưa ông? 

Ông Khuất Quang Mậu: Trước tiên, để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, cán bộ công đoàn các cấp đã sâu sát cơ sở, trực tiếp đối thoại về những vấn đề liên quan đến người lao động (NLĐ), đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ NLĐ, như: Kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách, các quy định về hỗ trợ xăng xe, xây dựng nhà trực vận hành... để đề xuất, kiến nghị với Tổng giám đốc ban hành quy định phù hợp với thực tế và có lợi cho NLĐ. 

Đồng thời, Công đoàn cũng chủ động tham gia vào việc nghiên cứu các chế độ chính sách để giải quyết lao động dôi dư ở một số đơn vị khi dừng tổ máy, thu hẹp sản xuất, thay đổi mô hình công nghệ... Công đoàn các cấp cũng đã quan tâm đến bữa ăn của người lao động. Nhiều đơn vị đã đưa nội dung bữa ăn ca vào thỏa ước lao động tập thể để thương lượng, ký kết và thực hiện; nâng chất lượng, giá trị bữa ăn ca; xây dựng bữa ăn ca với hình thức tự chọn. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ trên vẫn là đóng góp từ tiền lương của NLĐ do nguồn phúc lợi bị hạn chế. Đây là vấn đề khó đối với công tác chăm lo cho người lao động.

PV: Thực tế, không ít NLĐ ngành Điện còn có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, điều kiện sống, tổ chức công đoàn đã làm gì để giúp đỡ hỗ trợ những trường hợp đặc biệt này, thưa ông? 

Ông Khuất Quang Mậu: Có thể nói, thông qua các cấp công đoàn, những trường hợp người lao động trong ngành Điện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chúng tôi đều nắm được và đều đã trăn trở, tìm ra giải pháp hỗ trợ. Từ năm 2013 đến nay, 292 ngôi nhà Mái ấm Công đoàn (tương đương với số tiền hơn 16 tỷ đồng) đã góp phần giúp đỡ một cách thiết thực và ý nghĩa cho các hộ công nhân khó khăn về nhà ở. Công đoàn ĐLVN đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc về công tác này. Trong 5 năm qua, đã có hơn 77 nghìn lượt đoàn viên, người lao động và các trường hợp khó khăn được hỗ trợ, thăm hỏi với số tiền 38 tỷ đồng. 

PV: Được biết, thời gian qua đã xảy ra một vài trường hợp CBCNV ngành Điện bị khách hàng hành hung, lăng mạ..., Công đoàn ĐLVN đã phối hợp với các cơ quan chức năng như thế nào nhằm bảo vệ quyền lợi, an toàn của NLĐ?

Ông Khuất Quang Mậu: Trong năm 2017, điển hình nhất là vụ việc của anh Hoàng Thanh Minh, nhân viên Điện lực Đông Hà (Công ty Điện lực Quảng Trị) bị khách hàng hành hung phải nhập viện. BCH Công đoàn Điện lực Viêt Nam đã đến thăm hỏi, động viên anh Minh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị và đã luôn theo sát vụ việc, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của NLĐ. 

Công ty Điện lực Quảng Trị đã đề nghị các cơ quan chức năng xem xét giải quyết vụ việc một cách thấu tình, đạt lý và ngăn chặn kịp thời những vụ việc tương tự. Mới đây Công an TP Đông Hà (Quảng Trị) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với kẻ hành hung anh Hoàng Thanh Minh về tội cố ý gây thương tích.

Đây cũng là sự việc để công đoàn các cấp cần nhìn rõ hơn nữa trách nhiệm, vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Sau sự việc này, Công đoàn các cấp cần tham mưu cho lãnh đạo đơn vị đẩy mạnh phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan công an tuyên truyền phổ biến cho khách hàng, người dân hiểu hơn, tạo điều kiện cho nhân viên ngành Điện thực thi nhiệm vụ. 

PV: Cùng với những kết quả đã đạt được, ông có thể cho biết những hạn chế, tồn tại trong hoạt động công đoàn nhiệm kỳ qua?

Ông Khuất Quang Mậu:  Đó là tính hình thức của một số chương trình, hoạt động. Chúng ta tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo đơn vị và người lao động, nhưng ở một số nơi, còn có tình trạng “đối thoại hình thức”, nghĩa là NLĐ chưa thẳng thắn bày tỏ, trao đổi; tâm lý ngại ngần. Ban đại diện đối thoại được bầu ra, nhưng chưa phát huy tác dụng. 

Công tác chăm lo cho NLĐ những năm qua được Đảng ủy EVN, chuyên môn, công đoàn các cấp quan tâm, tuy nhiên mức độ cũng còn khiêm tốn do khó khăn về nguồn phúc lợi. Nhiều nơi vùng núi, biên giới, vùng sâu, sông nước, người công nhân điện phải bám địa bàn dân cư, phải di chuyển bằng nhiều loại phương tiện để quản lý vận hành, thu tiền điện hết sức khó khăn, nhưng chưa có chế độ hỗ trợ thỏa đáng. Nhiều gia đình công nhân đã công tác trong ngành Điện lâu năm, nhưng vẫn phải đi thuê nhà. Cá biệt vẫn còn tình trạng NLĐ khiếu kiện về nâng lương, nâng bậc, về luân chuyển công việc, luân chuyển địa bàn không đúng đối tượng quy hoạch.

Một hạn chế nữa đó là phương thức chỉ đạo ở một số công đoàn cấp trên cơ sở còn mang tính hành chính, thiếu sâu sát. Nội dung, phương thức hoạt động ở công đoàn cơ sở thiếu sự quan tâm, chậm được đổi mới, một số nội dung hoạt động chưa gắn với điều kiện thực tế của đơn vị, năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn cần được nâng cao.

PV: Công đoàn ĐLVN sẽ thực hiện những giải pháp gì để hoạt động công đoàn có chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn?

Ông Khuất Quang Mậu: Công đoàn ĐLVN xác định, cần tiếp tục đổi mới tổ chức và phương pháp hoạt động công đoàn, chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng được yêu cầu mới, phát huy sức mạnh toàn hệ thống trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động. Tuyên truyền, vận động trong đoàn viên và NLĐ về các chủ trương lớn của Chính phủ, của EVN, về tái cơ cấu, về nâng cao năng suất lao động, chất lượng đội ngũ lao động, về ATVSLĐ và chiến lược xây dựng phát triển Tập đoàn ĐLVN.

Để làm tốt nhiệm vụ này, các cấp công đoàn phải quán triệt sâu rộng đến từng đoàn viên và NLĐ, tạo sự đoàn kết, đồng thuận cao. Công đoàn ĐLVN cũng sẽ làm tốt công tác chăm lo cho NLĐ, trong đó tiếp tục phối hợp thực hiện chương trình Mái ấm Công đoàn; nhà trực vận hành cho công nhân tại các điểm trực điện vùng sâu, vùng xa... Tiếp tục chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho NLĐ; tổ chức phong trào thể dục thể thao, văn nghệ quần chúng phù hợp và hiệu quả. 

Cùng với đó Công đoàn nêu cao vai trò là đại diện cho NLĐ khi EVN thay đổi mô hình sản xuất, tái cơ cấu, cổ phần hóa, sắp xếp lại lao động, giải quyết lao động dôi dư, giải quyết tranh chấp lao động; giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi của CNVC-LĐ, thỏa ước lao động tập thể, dân chủ cơ sở, khen thưởng, kỷ luật và những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ.

Công đoàn ĐLVN xác định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục hướng hoạt động về công đoàn cơ sở, lấy đoàn viên, người lao động làm trung tâm. 

PV: Xin cảm ơn ông! 


  • 14/01/2018 02:13
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 11482