Ngày 22/03/2013, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác đầu tư xây dựng giai đoạn 2010-2012 và các giải pháp chính để thực hiện đầu tư xây dựng giai đoạn 2013-2015
Đưa vào vận hành 27 tổ máy với tổng công suất 5.313MW
Trong giai đoạn 2010 - 2012, EVN đã hoàn thành đưa vào vận hành 27 tổ máy với tổng công suất 5.313 MW, khởi công được 10 dự án với tổng công suất 7.326 MW, đưa vào vận hành 410 công trình lưới điện 110 – 500kV với tổng chiều dài 5.919 km và tổng dung lượng các trạm biến áp là 25.857 MVA, đưa vào vận hành 3.500 công trình lưới điện trung và hạ áp với tổng chiều dài trên 15.000km, tổng dung lượng các trạm biến áp 4.000 MVA...
Thủy điện Sơn La đã khẳng định bước trưởng thành vượt bậc trong công tác đầu tư xây dựng của EVN - Ảnh: Vũ Lam
|
Công tác tư vấn và quản lý dự án đã có nhiều tiến bộ, trình độ của các kỹ sư tư vấn xây dựng điện đã được nâng cao, các kỹ sư tư vấn đã có điều kiện tham gia công tác tư vấn cho nhiều dự án ở nhiều giai đoạn khác nhau. Đặc biệt, các đơn vị tư vấn đã tư vấn chính cho Nhà máy Thủy điện lớn nhất Đông Nam Á – Thủy điện Sơn La và tham gia thiết kế nhiều nhà máy nhiệt điện khác.
Trong công tác đấu thầu, giai đoạn 2010 - 2012, EVN đã chuẩn hóa, áp dụng các tiến bộ công nghệ thông tin cũng như mạnh dạn áp dụng các sáng kiến đổi mới trong cách lựa chọn nhà thầu. Chính vì thế, chỉ trong 3 năm, EVN đã thực hiện ước tính 28.000 gói thầu sử dụng vốn nhà nước với tổng giá trị lên đến 205.650 tỷ đồng.
Đối với công tác thu xếp vốn trong giai đoạn này tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng về cơ bản Tập đoàn đã huy động vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư thiết yếu do đó đã đảm bảo được tiến độ các công trình. 3 năm qua, EVN đã thu xếp được gần 50.000 tỷ đồng và gần 15 tỷ USD cho đầu tư nguồn và lưới điện.
Những nhiệm vụ quan trọng giai đoạn 2013 - 2015
Tại hội nghị, ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN cho biết: Trong giai đoạn 2013-2015, EVN phải đưa vào vận hành 20 tổ máy thuộc 13 dự án nguồn điện với tổng công suất 6.366 MW, bao gồm các dự án Thủy điện Huội Quảng, Bản Chát, Lai Châu; các nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 2, Quảng Ninh 2, Mông Dương 1, Nghi Sơn 1, Vĩnh Tân 2.... Lộ trình thực hiện: Năm 2013 đưa vào vận hành 6 tổ máy với tổng công suất 1.420 MW; năm 2014 đưa vào vận hành 5 tổ máy với tổng công suất 1.656 tổ máy; năm 2015 đưa vào vận hành 9 tổ máy với tổng công suất 3.290 MW.
Trong giai đoạn 2013-2015, hệ thống điện quốc gia sẽ được bổ sung thêm 6.366 MW - Ảnh: Xuân Tiến
|
Khởi công 8 dự án nguồn điện với tổng công suất 4.875MW, bao gồm các dự án Nhiệt điện Thái Bình, Vĩnh Tân 4, Duyên Hải 3 mở rộng, tích năng Bắc Ái… với các lộ trình: Năm 2013 khởi công 3 dự án với tổng công suất 1.575MW; năm 2014 khởi công 2 dự án với tổng công suất 1.950MW; năm 2015 khởi công 2 dự án với tổng công suất 1.350 MW. Đặc biệt, trong giai đoạn 2014- 2015, phấn đấu khởi công các dự án thành phần của Dự án Điện hạt nhân gồm dự án hạ tầng phục vụ thi công, dự án di dân tái định cư.
Bên cạnh đó, phấn đấu đưa vào vận hành 227 công trình lưới điện 220 - 500 kV với tổng chiều dài 9.275 km và tổng dung lượng trạm biến áp trên 33.000 MVA. Đầu tư lưới điện trung và hạ áp từ cấp điện áp 35 kV đến 0,4 kV để đảm bảo năng lực phân phối điện.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Hoàng Quốc Vượng – Chủ tịch HĐTV EVN cho biết: Một dự án đầu tư xây dựng được đánh giá là thành công thì dự án đó phải đáp ứng đúng tiến độ, chi phí đúng kế hoạch phê duyệt và phải đảm bảo chất lượng công trình. Vì vậy, Chủ tịch HĐTV EVN đã yêu cầu mỗi cán bộ công nhân viên tham gia công tác đầu tư xây dựng cần có trách nhiệm hơn, không ngừng nâng cao trình độ quản lý và chuyên môn góp phần mang lại hiệu quả kinh tế không chỉ cho Tập đoàn mà quan trọng hơn là đáp ứng nhu cầu điện cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
8 giải pháp thực hiện đầu tư xây dựng giai đoạn 2013- 2015
- Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư
- Lựa chọn nhà thầu phù hợp
- Quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng công trình
- Nâng cao chất lượng công tác giải phóng mặt bằng
- Đẩy nhanh công tác bàn giao và quyết toán các công trình hoàn thành
- Huy động tối đa các nguồn vốn và đảm bảo vốn cho đầu tư xây dựng
- Tổ chức quản lý, chỉ đạo và điều hành một cách chặt chẽ, chuẩn mực
- Tăng cường công tác quản lý chi phí trong đầu tư, xây dựng
|