Tiết kiệm điện để không thiếu điện

Từ đầu năm đến nay, nhiều thông tin về khả năng thiếu điện mùa khô liên tiếp được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông tin này cùng với tình trạng khô hạn ở miền Trung, thời tiết nắng nóng ở miền Nam… khiến người dân liên tưởng đến những ngày sẽ bị cắt điện tiết giảm, doanh nghiệp sản xuất lo lắng chuyện đang sản xuất “bỗng dưng… mất điện”. Làm thế nào để không thiếu điện là bài toán đang đặt ra cho cả xã hội…

Đối diện khó khăn

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tháng 3/2013, dự kiến phụ tải của hệ thống điện toàn quốc có thể đạt tới 355 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất dao động từ 17.700 - 17.900 MW. Trong khi đó, mực nước nhiều hồ thủy điện lớn vẫn thấp hơn mực nước dâng bình thường, đặc biệt ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, mặc dù EVN đã chủ động tích nước các hồ từ sớm. Tổng lượng nước các hồ thủy điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng 5,297 tỷ m3. Do đó, tình hình cung cấp điện cho miền Nam sẽ căng thẳng vì năm 2013 không có nguồn phát điện mới đưa vào vận hành.

 

Mực nước nhiều hồ thủy điện lớn trên cả nước thấp hơn mực nước dâng bình thường, đặc biệt ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên - Ảnh: B. Khang

Tại TPHCM, Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) cho biết, dự báo nhu cầu phụ tải trong năm 2013 gia tăng, sản lượng điện thương phẩm 18.150 triệu kWh, tăng gần 8,48% so với thực hiện năm 2012. Riêng từ cuối tháng 2 đến nay, phụ tải trên toàn tuyến dây cao thế đã tăng hơn 10% do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng điện gia tăng.

Tại 21 tỉnh - thành của khu vực phía Nam, theo Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), dự kiến sản lượng điện thương phẩm năm 2013 lên đến hơn 42 tỷ kWh, hơn gấp đôi sản lượng điện của TP. HCM. Bước vào mùa khô 2013 cùng với tình hình thiếu nguồn phát, việc thiếu điện cũng khá căng thẳng, đặc biệt là nguồn điện cung cấp cho sản xuất tại các địa bàn như Bình Dương, Đồng Nai...

Để giảm bớt căng thẳng, dự kiến EVN phải huy động khoảng 1,113 tỷ kWh bằng nguồn điện dầu FO và DO cho mùa khô 2013 với chi phí giá thành cao gấp nhiều lần so với nhiệt điện than, khí. Tuy nhiên, nguồn điện hỗ trợ này cũng khó giải được “cơn khát” thiếu điện, nếu như không triển khai mạnh mẽ các giải pháp tiết kiệm điện.

Nhiều giải pháp...

Năm 2012, EVN SPC tiết kiệm được 565,255 kWh, tương đương 1,59%. Năm nay, với chỉ tiêu tiết kiệm điện được giao là 2% thì đây là thách thức lớn đối với EVN SPC. Để thực hiện thành công chỉ tiêu này, EVN SPC đã đề ra 4 giải pháp lớn với nhiều chương trình hành động khá cụ thể, chi tiết. Theo đó, khu vực cơ quan hành chính phải tiết kiệm 10%, khu vực chiếu sáng công cộng 50%, khu vực doanh nghiệp 2,5% và khu vực dân cư 5%.

Công nhân Tổng công ty Điện lực miền Nam vận hành, bảo trì trạm biến áp 110 kV Tân Hương giúp tiết kiệm điện mùa khô 2013.

Đối với khu vực chiếu sáng sinh hoạt, EVN SPC xây dựng nhiều chương trình tiết kiệm điện trong cộng đồng như xây dựng “Ấp văn hóa tiết kiệm điện” với tiêu chí có trên 80% hộ dân trong ấp tiết kiệm từ 6% - 10%, trên địa bàn không có sử dụng bóng đèn tròn sợi đốt. Đối với mô hình “Tuyến phố tiết kiệm điện” phải đạt tiêu chí tiết kiệm trên 6% so với năm trước, sử dụng đèn compact, bình nước nóng năng lượng…

Đối với khu vực doanh nghiệp sản xuất - dịch vụ, EVN SPC vừa yêu cầu 21 công ty trực thuộc tiến hành xây dựng phương án phân bổ điện, tập trung các đơn vị sử dụng điện nhiều như sắt thép, xi măng, trong đó khoảng 6.000 đơn vị, doanh nghiệp lớn xây dựng kế hoạch tiết giảm điện khi hệ thống thiếu hụt mức 10% và 15%.

Tại TP HCM, tổng sản lượng điện tiết kiệm năm 2012 là 468,43 triệu kWh, đạt tỷ lệ 2,8% điện năng tiêu thụ, tương đương 730 tỷ đồng. Với chỉ tiêu năm 2013 phải tiết kiệm 2%, khả năng hoàn thành trong tầm tay, tuy nhiên khi hệ thống thiếu hụt ở mức cao thì chỉ tiêu 2% là một thách thức không nhỏ. Nhiều năm liền thành công trong phong trào “Gia đình tiết kiệm điện” được phát động trong các tháng 4, 5 và 6 hàng năm, năm nay EVN HCMC chủ động triển khai chương trình tiết kiệm điện kéo dài trong giai đoạn 2013 - 2015 với sự phối hợp của nhiều ngành, đoàn thể…

Nhiều giải pháp mới đang được triển khai như chương trình “Khu phố kiểu mẫu có hệ thống điện an toàn, mỹ quan, tiết kiệm”, “Tuyến đường có hệ thống điện an toàn, mỹ quan, tiết kiệm”; quảng bá, tuyên truyền, đưa kiến thức về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm đến với hơn 50.000 học sinh tại 300 trường phổ thông trên địa bàn thành phố thông qua chương trình “Cùng bạn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm”.

Đối với khu vực khách hàng sản xuất, sẽ triển khai chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp một phần kinh phí để thực hiện kiểm toán năng lượng, với chỉ tiêu 50 đơn vị/năm... Nguy cơ thiếu điện là dự báo gần và thực tế. Chỉ tiêu tiết kiệm điện đã giao, giải pháp cũng đã có. Điều quan trọng làm sao thực hiện tốt các giải pháp này. Lãnh đạo một tổng công ty điện lực tâm sự: “Nếu người dân, doanh nghiệp cùng đồng hành tiết kiệm điện thì sẽ không lo thiếu điện…”.


  • 22/03/2013 11:08
  • Theo Sài gòn giải phóng
  • 3074


Gửi nhận xét