Chủ động đổi mới
Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh trước đây là doanh nghiệp nhà nước, chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2005, với tỷ lệ cổ phần của EVN là 45,2%.
Nhiều năm trước đây, Công ty đã sản xuất, cung cấp và sửa chữa các thiết bị điện cho lưới điện trên toàn quốc, đặc biệt là các công trình lớn của Quốc gia như: Nhà máy Thủy điện Thác Bà, Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Đa Nhim, Nhà máy Thủy điện Uông Bí, Nhiệt điện Phả Lại, các trạm biến áp và đường dây truyền tải từ 6 - 500 kV.
Đặc biệt, Công ty là nhà sản xuất thiết bị đầu tiên của Việt Nam chế tạo thành công máy biến áp lực 110kV - 25MVA năm 1995 và tiếp theo là các loại máy biến áp 110kV có công suất từ 16-:- MVA, với nhiều cấp điện khác nhau phía trung áp và hạ áp. Gần 200 máy biến áp 110kV các loại do EEMC sản xuất đang vận hành trên lưới điện quốc gia, ở khắp các vùng miền của các nước, có độ ổn định, an toàn và tin cậy cao.
Với Công ty cổ phần Cơ điện miền Trung (EVNCEMC), EVNCEMC chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2006. Đến nay là doanh nghiệp hàng đầu tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đồng thời là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của cả nước trong sản xuất các loại xà, cột thép, các loại tủ bảng điện, hộp bảo vệ thiết bị điện,..
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký kết hợp tác với Tập đoàn Alstom (Pháp) - Ảnh: H. Hiếu
|
Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thành lập Công ty Liên doanh Dịch vụ năng lượng Alstom - Phú Mỹ với Tập đoàn Alstom (Pháp), nhằm xây dựng một xưởng sửa chữa tua bin khí bằng công nghệ hiện đại tại Việt Nam.
Đây cũng là công xưởng đầu tiên của Alstom tại châu Á. Khi tham gia dự án này, Alstom và EVN cam kết hỗ trợ chương trình quốc gia thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành công nghệ hiện đại, từng bước nâng cao năng lực chế tạo, sửa chữa trong nước.
Đặc biệt, với mối quan hệ lâu dài này, EVN có thể học hỏi được các kiến thức chuyên môn để cung cấp các dịch vụ tiên tiến cho lĩnh vực phát điện cũng như các lĩnh vực công nghệ cao khác.
Bên cạnh các doanh nghiệp trên, một số doanh nghiệp khác cũng đang có sự chuyển mình để gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đã làm nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp ngoại, cung cấp nhiều sản phẩm cơ khí chế tạo và lắp máy được đánh giá rất cao trong các công trình thủy điện.
Cần nắm bắt cơ hội
Theo thống kê, tổng vốn của các doanh nghiệp cơ khí quốc doanh đạt khoảng 380 triệu USD, vốn FDI hơn 2,1 tỷ USD và dự báo nguồn vốn đầu tư sẽ tiếp tục được đổ vào lĩnh vực cơ khí sẽ trong những năm tới. Việt Nam đang có lợi thế về nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ, chi phí sản xuất không cao và hàng hóa đang thâm nhập sâu các thị trường châu Âu, nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn khai thác ưu điểm này.
Máy biến áp do Công ty Cổ phần Chế Tạo Thiết Bị Điện Đông Anh sản xuất - Ảnh: H. Hiếu
|
Thậm chí, các nhà thầu Trung Quốc được xem là đối thủ nặng ký, đưa ra nhiều đề nghị hợp tác phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Hiện nay, ngoài liên doanh với EVN kể trên, Tập đoàn Alstom đã mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp cơ khí trong nước tham gia sản xuất, cung cấp thiết bị, dịch vụ bảo dưỡng với mức giá cạnh tranh cho các công trình thủy điện, nhiệt điện… Điều này cho thấy, ngành Cơ khí Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và sức hút đối với nhà đầu tư ngoại.
Nhận định về giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí nội địa, một chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí cho rằng các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy quản lý cũ, mạnh dạn áp dụng hệ thống sản xuất và phương thức quản lý hiện đại.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngành Cơ khí cần kiến nghị Nhà nước có biện pháp hỗ trợ cho ngành phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế. Để làm được điều này, mục tiêu phát triển cơ khí cũng như công nghiệp hỗ trợ phải được thực hiện đúng tầm chiến lược quốc gia, có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước chứ không nên thực hiện riêng lẻ.
Theo các chuyên gia, sản phẩm cơ khí hiện đại chỉ khác cơ khí truyền thống ở phần điều khiển và phần điện tử, còn nền tảng vẫn giống nhau. Vì vậy, thúc đẩy công nghiệp cơ khí Việt Nam phát triển không gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu công nghệ mới. Thực tế, hiện nay, một số doanh nghiệp đã tự chế tạo được hầu hết sản phẩm cung ứng cho các công trình thủy điện trong nước.