Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng đồng hành cùng ngành Điện

Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng được chiến lược sản xuất kinh doanh tiết giảm chi phí, hình thành thói quen sử dụng điện tiết kiệm, không chỉ nâng cao hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp mà còn góp phần chung tay cùng với cộng đồng trong sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia.

Công ty Viên Sơn tại xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản các loại. Đại diện doanh nghiệp cho biết, do đặc thù sản xuất kinh doanh, sử dụng máy móc công nghệ là chính, do đó trung bình mỗi tháng công ty phải chi trả trên 700 triệu đồng tiền điện. Song từ khi áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện, hình thành thói quen sử dụng điện an toàn, tiết kiệm trong toàn thể cán bộ, nhân viên và người lao động, chi phí tiền điện hàng tháng của doanh nghiệp đã giảm đáng kể, từ 10-20% so với trước đây.

Dây chuyền sản xuất Công ty Viên Sơn

Ông Nguyễn Duy Đa, Giám đốc Công ty Viên Sơn chia sẻ: “Công ty có nhiều giải pháp trong việc thực hiện công tác tiết kiệm điện, nhưng việc đầu tiên cần làm là phải nâng cao nhận thức để thực hành tiết kiệm điện của anh em trong đơn vị. Ngoài máy móc công nghệ hiện đại, hiện công ty đã sử dụng đèn Led cho toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng, bố trí đèn chiếu phù hợp với khu vực làm việc...".

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, xác định tầm quan trọng của nguồn điện trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời đây cũng là phần cấu thành chi phí sản xuất, chung tay bảo vệ môi trường, Nhà máy sản xuất chế biến cà phê Acom tại Khu công nghiệp Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc đã đầu tư kinh phí khoảng 15 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống năng lượng trời mái nhà. Với hệ thống này, mỗi năm sản xuất hơn 1 triệu kWh điện, vì vậy hầu như bảo đảm 100% nguồn điện phục vụ cho sản xuất của nhà máy.

Ông Nguyễn Minh Phước, Giám đốc Nhà máy Acom cho biết, hệ thống điện mặt trời hiện nay đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của nhà máy, riêng năm 2022, ngoài việc đáp ứng đủ, chúng tôi còn dư để phát lên lưới điện.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà của Nhà máy sản xuất chế biến cà phê Acom

Lâm Đồng hiện có khoảng 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, đây là thành phần kinh tế quan trọng, tiêu thụ điện năng rất lớn. Trong bối cảnh khó khăn về nguồn điện do nắng nóng như hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã từng bước hình thành cho mình ý thức tiết kiệm điện với nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả như: Sử dụng các thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại thay thế công nghệ cũ tiêu tốn nhiều điện năng; đưa vào sử dụng các bóng đèn tiết kiệm điện, tắt các thiết bị điện không cần thiết.. Cùng với đó, hình thành thói quen không sử dụng điện vào các thời gian cao điểm. Đây là những hình thức vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh vừa tiết kiệm chi phí hoạt động. Đặc biệt hơn, một số doanh nghiệp còn chú trọng đầu tư hệ thống điện mặt trời để phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần làm lợi cho doanh nghiệp, giảm gánh nặng cho ngành Điện trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Điện lực Đức Trọng (Công ty Điện lực Lâm Đồng) cho biết: “Đối với khách hàng lớn trong khu công nghiệp, chúng tôi vận động tham gia điều hòa phụ tải theo chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam. Các doanh nghiệp đã đồng hành, chia sẻ với những khó khăn chung của ngành Điện, tiết kiệm điện vừa ích nước vừa có lợi cho doanh nghiệp”.


  • 28/06/2023 03:01
  • Thiên Phương
  • 5087