Đội “113” của PC Đà Nẵng

Từ vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao đến việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện và đặc biệt là xử lý sự cố trên đường dây mang tải đều là công việc thường nhật của Đội Sửa chữa nóng lưới điện của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng. Khách hàng yêu mến đã gọi họ là “Đội 113” Điện lực Đà Nẵng.

99 + 1 = 0

Ông Ngô Tấn Cư - Giám đốc PC Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là thành phố du lịch với nhiều nhà hàng, khách sạn và khu nghỉ dưỡng, đồng thời là “thành phố sự kiện” với rất nhiều sự kiện lớn hàng năm được tổ chức tại đây. Vì vậy, năm 2016, để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, sau khi nghiên cứu, Công ty đã quyết định thành lập Đội Sửa chữa nóng lưới điện.

Sửa chữa nóng lưới điện cao áp là một công việc hết sức nguy hiểm, đòi hỏi người thao tác phải luôn tỉnh táo, bình tĩnh, thực hiện theo đúng quy trình đã được huấn luyện, không có động tác thừa và bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Thực ra, gọi họ là Đội Sửa chữa nóng, hay Đội Sửa chữa “hotline” hay “Đội 113 của ngành Điện” đều không sai, bởi bất kỳ nơi nào có sự cố, họ đều có mặt kịp thời và tiến hành khắc phục nhanh nhất có thể. Trước đây, khi nhận tin báo sự cố, ngành Điện phải đến kiểm tra, làm thủ tục, chờ cho phép cắt điện mới được tiến hành sửa chữa. Sửa xong lại phải thông báo đóng điện, như vậy, mất quá nhiều công đoạn, tốn nhiều thời gian. Bây giờ cứ hỏng đâu là trực tiếp sửa đó, thao tác nhanh và kịp thời.

Một ngày trời nắng như đổ lửa, Đội nhận nhiệm vụ phải thay sứ trên đường dây 22 kV tại khu Công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu). Nhận lệnh, anh em khẩn trương lên đường. Sau khi hiểu rõ sự cố, mọi người nhanh chóng mặc trang bị bảo hộ lao động được làm từ vật liệu cách điện. Chiếc xe gàu đưa 2 công nhân đầu tiên lên khu sứ bị hỏng, mang theo những tấm chăn cách điện, bọc vào đường dây và khu vực sửa chữa. Công đoạn này diễn ra tuần tự, thận trọng.

“Đây là công đoạn đầu tiên, cũng là điều kiện đảm bảo an toàn cho cả quá trình. Nếu không bọc lớp cách điện thì không thể tiến hành các thao tác tiếp theo. Chúng tôi bọc từ dây ngoài cùng, đến dây giữa rồi tới các thiết bị xung quanh khu vực cần thay thế”, công nhân Huỳnh Bình cho biết.

Dưới cái nắng chói chang, xe gàu tiếp tục đưa hai công nhân khác lên đỉnh cột cao chót vót. Đứng ở vị trí ấy, họ chỉ tập trung vào những thiết bị hỏng, miệt mài sửa chữa và không để ý đến xung quanh.

Công nhân Mạc Như Dũng giải thích: “Lên đấy rồi, nhất cử nhất động của mình phải nằm trong tầm kiểm soát, không được có động tác thừa. Chỉ cần nhoài ra khỏi “vùng an toàn” là mất mạng như chơi. Mặc dù đã bọc lớp cách điện, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự tập trung và kỹ năng thao tác của mỗi người”.

Các anh cho biết, trước mỗi lần lên cột, anh em đều hỏi nhau “khỏe không?”. Nếu thấy sức khỏe không ổn là phải báo, thay người khác. “Trước khi bước chân vào “Đội 113” này, chúng tôi đã qua nhiều vòng kiểm tra sức khỏe hết sức chặt chẽ của Công ty và Cơ sở đào tạo. Sau đó, phải quyết tâm từ bỏ “chiếu nhậu” và tránh thức đêm. Anh em ai cũng cần chơi thể thao, làm việc có giờ giấc, đảm bảo luôn luôn tỉnh táo và có sức khỏe tốt. Chúng tôi luôn lấy khẩu hiệu “99 + 1 = 0”. Tức là, tất cả công việc (99), cộng với sức khỏe (1) để khi thao tác không có tai nạn lao động (0)”, công nhân Huỳnh Bình cho biết.

Giảm thời gian cắt điện

Ông Ngô Tấn Cư – Giám đốc PC Đà Nẵng cho biết, Đội Sửa chữa nóng gồm 12 người, là những công nhân đáp ứng được yêu cầu về sức khỏe, trình độ chuyên môn, được cử đi đào tạo, huấn luyện về công tác sửa chữa nóng lưới điện tại Công ty Lưới điện cao thế TPHCM.  Từ tháng 7/2016, Đội chính thức sử dụng phương pháp này để khắc phục các sự cố điện trên địa bàn.

Với bất kỳ sự cố lớn nhỏ nào, Đội cũng đi ít nhất 6 người để luân phiên thao tác. Trong đó hai người thực hiện, hai người giám sát và hai người hỗ trợ. Mỗi công nhân chỉ ở trên thùng xe gàu chừng một giờ là phải xuống đất thay người khác lên, tuyệt đối không cố sức, dù công việc có nhiều tới đâu. Như vậy, mới đảm bảo các thao tác luôn chính xác, đúng quy trình.

Sau khi đi vào hoạt động, trung bình mỗi ngày, Đội Sửa chữa nóng nhận một nhiệm vụ, từ thay thế, vệ sinh cho đến “phẫu thuật” trực tiếp trên đường dây. Thống kê của PC Đà Nẵng cho thấy, trong năm 2016, Công ty thực hiện 192 lần sửa chữa nóng và con số này trong 6 tháng đầu năm 2017 là 179 lần. 

Theo ông Ngô Tấn Cư, từ khi đi vào hoạt động tới nay, Đội Sửa chữa nóng đã khắc phục hàng trăm vụ hỏng hóc trực tiếp trên đường dây mà không cần cắt điện. Công việc tiến hành rất nhanh gọn, kịp thời và tiết kiệm được thời gian. 

Phương pháp sửa chữa nóng lưới điện góp phần giảm thời gian mất điện, đáp ứng nhu cầu kiểm tra, bảo trì bảo dưỡng, thay thế, đấu nối, vệ sinh sứ cách điện; ngăn ngừa và loại trừ nhanh các nguy cơ sự cố trên lưới điện, không làm gián đoạn  cấp điện cho khách hàng. Đối với PC Đà Nẵng nói riêng và ngành Điện nói chung, đây là phương pháp rất hiệu quả, làm tăng sản lượng điện, từ đó, tăng doanh thu, đặc biệt là góp phần nâng cao uy tín của ngành Điện với khách hàng sử dụng.

Về chế đội đãi ngộ, ông Cư cho biết thêm, hiện tại, công nhân của Đội vẫn hưởng lương, chế độ làm việc trong môi trường độc hại theo đúng chế độ của Nhà nước PC Đà Nẵng đang nghiên cứu thành lập thêm nhiều đội sửa chữa nóng, phục vụ tốt hơn việc khắc phục sự cố điện trên địa bàn. 

PC Đà Nẵng trong năm 2016:

- Thời gian mất điện trung bình: khoảng 576 phút, giảm 47% so với năm 2015. 
- Số lần mất điện trung bình: 3,9 lần, giảm 37% so với 2015. 


  • 15/10/2017 05:11
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 9554