Cụ thể, trong công tác xây dựng kiến trúc công trình chính như thi công cửa lấy nước, tháp điều áp, đường hầm áp lực, nhà van, nhà máy… đều đáp ứng tiến độ được phê duyệt. Tính đến ngày 11/12/2017, chủ đầu tư đã tạm ứng và nghiệm thu 17 đợt với tổng giá trị trên 401 tỷ đồng, trong đó giá trị ứng 176,86 tỷ đồng và giá trị thanh toán 17 đợt là trên 224,5 tỷ đồng.
Đối với gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị cơ khí thuỷ công cũng cơ bản đảm bảo tiến độ, trong đó phần thiết bị khe van của hạ lưu nhà máy và cửa nhận nước đã nghiệm thu và vận chuyển đến công trường trong tháng 5/2017; thiết bị cửa van cũng đã nghiệm thu và vận chuyển đến công trường trong tháng 7/2017.
Dự án đã lắp đặt được 213/406 ống áp lực, các đoạn ống còn lại sẽ được lắp đặt để tích nước đường ống vào cuối tháng 10/2018.
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với DHD
|
Tổng giám đốc DHD cho biết, Thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã tiến hành 4 đợt kiểm tra tình hình thi công và đều đánh giá chất lượng công trình đảm bảo tuân thủ đúng các quy chuẩn kỹ thuật.
Cũng theo ông Quang, trong thời gian vừa qua, nhà thầu đã gặp nhiều khó khăn về tài chính làm ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ của Dự án. Giải pháp mà chủ đầu tư đã và đang thực hiện là tập trung hoàn thiện kịp thời hồ sơ nghiệm thu công việc hoàn thành để sớm giải ngân, góp phần giảm khó khăn về tài chính cho nhà thầu. Ngoài ra, thời tiết khu vực có nhiều diễn biến bất thường cũng là một trong những khó khăn trên công trường.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành đánh giá cao nỗ lực của DHD đã chỉ đạo, giám sát chặt chẽ nhà thầu thi công trên công trường để Dự án bám sát tiến độ đã được phê duyệt.
Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim có vai trò quan trọng góp phần đảm bảo cấp điện cho miền Nam từ năm 2018 trở đi. "Tôi đề nghị chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia thi công trên công trường phải nỗ lực tối đa để phát điện công trình đúng tiến độ, đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả”, ông Dương Quang Thành chỉ đạo.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.952 tỷ đồng, sử dụng vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản (85% tổng mức đầu tư của Dự án) và vốn đối ứng của chủ đầu tư (15%). Quy mô Dự án thực hiện lắp mới 1 tổ máy công suất 80 MW, sau khi hoàn thành sẽ nâng tổng công suất của Nhà máy Thủy điện Đa Minh từ 160 MW lên 240 MW (Nhà máy hiện hữu được xây dựng từ năm 1960 gồm 4 tổ máy, công suất 4 x 40 MW). Sản lượng tăng thêm toàn Nhà máy bình quân hàng năm khoảng 99 triệu kWh. Dự án không cần di dân, tái định cư.