Đường hầm năng lượng mặt trời đầu tiên ở châu Âu

Ðường hầm năng lượng mặt trời (Solar Tunnel) đầu tiên ở châu Âu mới đây đã được đưa vào sử dụng tại Antwerp (Bỉ), nhằm cung cấp năng lượng sạch cho các tuyến đường sắt cao tốc xuyên quốc gia nối liền Paris (Pháp) và Amsterdam (Hà Lan).

Toàn bộ năng lượng thu được từ các tấm pin năng lượng mặt trời lắp trên mái của đường hầm sẽ cung cấp cho hệ thống cơ sở hạ tầng của đường sắt (đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng, hệ thống sưởi ấm cho các nhà ga) và các đoàn tàu sử dụng mạng lưới đường ray của Bỉ. Như vậy, khi đi qua Solar Tunnel, hệ thống điện trên các đoàn tàu sẽ tự động chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời trong đường hầm, giúp giảm nhiên liệu và chi phí giao thông.

Trong những ngày thời tiết xấu, mây mù, thiếu ánh sáng mặt trời, hiệu quả làm việc của hệ thống pin năng lượng mặt trời sẽ bị giảm một nửa so với bình thường, tuy nhiên, năng lượng thu được vẫn đủ để cho các đoàn tàu hoạt động ở vận tốc gần 300 km/h.

Steven De Tollenaere – Giám đốc Công ty Enfinity phụ trách chính dự án cho biết: Solar Tunnel giúp loại bỏ khoảng 2.400 tấn CO2 mỗi năm và trong khoảng 20 năm tuổi thọ của các tấm pin năng lượng mặt trời, khoảng 47,3 triệu kg khí thải CO2 sẽ được loại bỏ. Bên cạnh đó, đường hầm năng lượng mặt trời còn đóng vai trò làm lá chắn, bảo vệ các đoàn tàu không bị cây ngã, đổ hoặc đè lên đường ray, do toa tàu chạy xuyên qua rừng già của Antwerp.

Đường hầm năng lượng mặt trời nối liền Paris (Pháp) và Amsterdam (Hà Lan)

Công trình là kết quả của sự hợp tác giữa Infrabel – đơn vị điều hành đường sắt của Bỉ và Enfinity – một công ty chuyên nghiên cứu và ứng dụng các dự án sử dụng năng lượng tái sinh, chính quyền thành phố Brasschaat và Schoten, các công ty tài chính FINEA và IKA, công ty xây lắp thiết bị thu năng lượng mặt trời Solar Power Systems.

Giám đốc Steven De Tollenaere tiết lộ, trong tương lai không xa, Công ty sẽ thực hiện các dự án tương tự tại Mỹ và một số quốc gia khác. Hiện, chiến dịch kêu gọi tài trợ và ủng hộ cho tuyến xe lửa tốc độ cao nối liền Tucson và Phoenix, bang Arizona đang được phát động tại Mỹ.

Hơn 2 năm kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Nhật Bản (11/3/2011), các quốc gia trên thế giới ngày càng chú trọng vào việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt và gây tác động xấu đến môi trường. Các dự án về năng lượng mặt trời hay năng lượng gió được mở rộng với quy mô lớn, đặc biệt tại châu Âu, nơi mà nhiều nhà máy điện hạt nhân buộc phải ngừng hoạt động.

Đường hầm năng lượng mặt trời tại Bỉ:

- Gồm 16.000 tấm pin năng lượng mặt trời được lắp trên mái đường hầm

- Tổng chiều dài 3,6 km

- Diện tích 50.000 m2

- Tổng chi phí 22,9 triệu USD.

- Sản lượng: 3.300 MWh điện/năm (tương đương với mức tiêu thụ trung bình hằng năm của gần 1.000 hộ gia đình); cung cấp năng lượng cho khoảng 4.000 tuyến xe lửa/năm.

 


  • 22/04/2013 05:11
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới Điện
  • 3953


Gửi nhận xét