EU giải bài toán khí đốt

Ủy ban châu Âu (EC) vừa cho biết, các cơ sở dự trữ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được mục tiêu lấp đầy 90% trước thời hạn vào ngày 1/11 tới. Như vậy, các quốc gia của Lục địa già đã sớm có lời giải cho “bài toán khí đốt” và đây là điểm tựa cho phục hồi kinh tế khu vực.

Đầu năm 2022, khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra, nhiều nền kinh tế EU đối mặt thách thức thiếu nguồn cung năng lượng nghiêm trọng khi các “mạch máu” cung cấp khí đốt từ Nga tới EU đã bị “nghẽn mạch” bởi các lệnh trừng phạt từ EU và các nước phương Tây. Tuy nhiên, các quốc gia EU nhanh chóng tìm giải pháp thay thế năng lượng Nga và đến thời điểm này đã cơ bản giải quyết xong “bài toán” thiếu năng lượng.

Trong các giải pháp bảo đảm nguồn cung năng lượng của EU quy định công suất dự trữ khí đốt tại khối này phải được lấp đầy 90% trước ngày 1/11 hằng năm và có thể được chia sẻ giữa các quốc gia thành viên trên tinh thần đoàn kết, bất chấp những xáo trộn trên thị trường khí đốt. Theo thông báo ngày 18/8 của EC, mức dự trữ khí đốt của EU đã đạt 1.024 TWh, tương đương hơn 93 tỷ m3 và 90,12% công suất lưu trữ.

Như vậy, EU đã đạt mục tiêu lấp đầy 90% kho dự trữ khí đốt sớm hơn gần ba tháng so với thời hạn đề ra. Bên cạnh đó, “gió đã đảo chiều” trên thị trường khí đốt châu Âu. Hồi tháng 8/2022, giá khí đốt bán buôn tại châu Âu từng lên mức cao kỷ lục 350 euro/MWh do nguồn cung từ Nga giảm. Tuy nhiên, từ cuối tháng 5 năm nay, giá mặt hàng này nhiều phiên đã giảm xuống dưới 26 euro cho mỗi megawatt giờ (MWh). Đây là mức thấp nhất trong gần hai năm qua. Giới chuyên gia nhận định diễn biến này phản ánh thực tế cung vượt cầu, đồng thời dự báo giá khí đốt có thể tiếp tục giảm.

“Cái khó ló cái khôn”, thời gian qua, trước sức ép thiếu nguồn cung năng lượng, một loạt giải pháp thay thế khí đốt Nga đã được cả khối EU tích cực triển khai. Các thành viên EU đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung khí đốt và phát triển năng lượng tái tạo; tăng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và cắt giảm mức tiêu thụ. Đức là quốc gia đi đầu trong việc nhanh chóng tìm nguồn cung thay thế khí đốt của Nga từ Na Uy và Mỹ, bằng cách trả giá cao hơn đối với khí đốt của các quốc gia này.

Vì vậy, Na Uy đã tăng 8% sản lượng khai thác khí đốt trong năm ngoái và trở thành nhà cung cấp khí đốt hàng đầu tại Đức nói riêng, châu Âu nói chung kể từ tháng 2/2022. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng đã đến Qatar và hai bên đã ký một thỏa thuận hợp tác năng lượng dài hạn. Các quốc gia EU cũng nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng để nhập khẩu LNG. Đức đã khánh thành cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng đầu tiên tại cảng Wilhelmshaven từ tháng 12/2022.

Ngoài ra, theo Ủy viên châu Âu về năng lượng Kadri Simson, trong hơn một năm qua, EU đã gia tăng các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo và nỗ lực nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Ngay sau khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine hồi tháng 2/2022, các thành viên trong “đại gia đình EU” đã thực hiện các chính sách khẩn cấp mang tên RePowerEU, trong đó chú trọng phát triển năng lượng xanh.

Một báo cáo mới từ Tập đoàn Tài chính bền vững Oxford cho biết, các khoản đầu tư lớn vào công nghệ xanh sẽ giúp EU có thể từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga vào năm 2028. Ngoài các khoản đầu tư được lên kế hoạch theo Thỏa thuận xanh châu Âu, EU sẽ cần 512 tỷ euro để hoàn thành quá trình chuyển đổi này. Tổng cộng 811 tỷ euro sẽ được đầu tư, phân chia cho năng lượng tái tạo (706 tỷ euro) và máy bơm nhiệt (105 tỷ euro). Các khoản đầu tư quan trọng có thể được thu hồi một phần nhờ thực hiện các khoản tiết kiệm.

Thiếu nguồn cung năng lượng từng là bài toán nan giải của các quốc gia EU hơn một năm trước và là mối lo không chỉ của Lục địa già, mà còn của kinh tế toàn cầu. Việc các quốc gia trong khu vực sớm có lời giải cho bài toán nêu trên là điểm tựa quan trọng cho kế hoạch kiềm chế lạm phát và phục hồi tăng trưởng của khối EU, cũng là tín hiệu tích cực với kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, an ninh năng lượng không chỉ là vấn đề sống còn với kinh tế của EU, mà còn là chìa khóa quan trọng để liên minh này giải quyết các vấn đề chính trị, đối ngoại khác, trong bối cảnh địa chính trị khu vực đang diễn biến phức tạp, khó lường.

Link gốc


  • 24/08/2023 09:13
  • Theo nhandan.vn
  • 3781