Gói biện pháp này cùng với nhiệm vụ tham vọng cắt giảm 30% lượng tiêu thụ năng lượng truyền thống trong khối từ nay cho tới năm 2030, sẽ được đệ trình thông qua tại cuộc họp Hội đồng châu Âu vào ngày 23 - 24/10 tới đây.
Đại diện năng lượng của EU Gunther Oettinger cho biết, các biện pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn được đưa ra bao gồm giảm các quá trình cacbon hóa và tăng đa dạng nguồn năng lượng, phát triển hạ tầng năng lượng, hoàn tất xây dựng thị trường năng lượng chung nội khối và củng cố các chính sách năng lượng.
Trước mắt, EU ưu tiên cho kế hoạch tăng cường khả năng ứng phó trong trường hợp nguồn cung năng lượng bị gián đoạn đột ngột, đặc biệt trong mùa Đông tới.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 6/10, phát biểu tại phiên điều trần chung ở Nghị viện châu Âu (EP), ứng cử viên chức phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) về liên minh năng lượng nhiệm kỳ 2014 - 2019, cựu Thủ tướng Slovenia - Alenka Bratusek, cho biết hiện EU đã xây dựng các dự án, một mặt cải thiện hiệu quả năng lượng, mặt khác phát triển nền kinh tế "xanh,'' thân thiện với môi trường.
Trong bối cảnh nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang EU đang có nguy cơ không được ổn định do vụ kiện tụng giữa Nga và nước trung chuyển Ukraine, bà Alenka Bratusek cho rằng giải pháp ngắn hạn để đảm nguồn cung năng lượng cho EU là tăng lượng nhập khẩu khí đốt từ Địa Trung Hải và Na Uy.
Tuy nhiên, trong dài hạn, EU nên hoàn tất xây dựng thị trường năng lượng chung, kết nối hạ tầng của tất cả các nước EU với nhau, để có thể điều phối năng lượng từ nơi thừa cho nơi thiếu.