Ông Trần Viết Nguyên
|
PV: Thưa ông, vì sao 10 năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn là nhà tài trợ chính của Giờ trái đất tại Việt Nam?
Ông Trần Viết Nguyên: Là doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân, EVN luôn nhận thức rất rõ trách nhiệm của mình đối với xã hội. Chính vì vậy, việc tăng cường các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được ưu tiên hàng đầu. Đồng hành cùng Giờ trái đất là một trong nhiều chương trình tuyên truyền, kêu gọi cộng đồng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả mà EVN đã thực hiện từ nhiều năm.
PV: Ở đây, liệu có mâu thuẫn gì không thưa ông, vì theo cơ chế thị trường, khách hàng càng mua nhiều thì người bán càng có lợi?
Trần Viết Nguyên: Thực ra, không có mâu thuẫn nào cả. Sử dụng năng lượng tiết kiệm - hiệu quả nói chung và sử dụng điện tiết kiệm nói riêng đã trở thành “quốc sách”, được Nhà nước cụ thể hóa bằng Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác.
EVN mong muốn sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, cũng như nhân rộng những cách làm hay, hành động đẹp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và góp phần vào việc bảo vệ môi trường sống. Ngoài ra, việc sử dụng điện tiết kiệm không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp, các tổ chức tiết kiệm chi phí, mà cũng giúp EVN giảm áp lực đầu tư mới hệ thống nguồn và lưới điện, mà vẫn đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy.
PV: Với vai trò là nhà tài trợ chính, EVN đã thực hiện vai trò tiên phong trong chiến dịch Giờ trái đất như thế nào thưa ông?
Ông Trần Viết Nguyên: 10 năm qua, EVN đã tập trung chỉ đạo tất cả các đơn vị trực thuộc và CBCVN Tập đoàn tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng Giờ trái đất tại cơ quan, gia đình. Các đơn vị điện lực đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động hưởng ứng như: Treo băng rôn tại trụ sở; phát tờ rơi, poster, in và phát miễn phí tài liệu hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; đi bộ, đạp xe cổ động cho chiến dịch; trồng cây; thu gom tái chế rác thải…
PV: Sau 10 năm, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả mà Giờ trái đất mang lại?
Ông Trần Viết Nguyên: Chúng ta rất dễ dàng nhận thấy kết quả thực hiện thông qua những con số cụ thể. Bắt đầu tại thành phố Sydney - Australia vào năm 2007, đến nay đã có 187 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia chiến dịch này.
Riêng ở Việt Nam, ban đầu chỉ có 6 tỉnh/thành phố tham gia (năm 2009), đến năm 2013, 100% các tỉnh, thành phố trên cả nước đã hưởng ứng chiến dịch. Vào giờ tắt đèn (20h30 – 21h30 tối thứ Bảy tuần cuối cùng của tháng 3 hàng năm) trung bình cả nước tiết kiệm được hơn 400.000 kWh, tương đương với 700 triệu đồng. Nhưng ý nghĩa Giờ trái đất không chỉ dừng lại ở những kWh tiết kiệm được trong một giờ tắt đèn, mà còn là kết quả các hoạt động tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường trong cả một năm. Đông đảo người dân, đã hiểu, thay đổi nhận thức và có nhiều hành động thiết thực trong cuộc sống để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường sống ngày càng xanh, sạch và đẹp hơn.
PV: Cảm ơn ông!